Cổng Phố văn hóa Thái Lan - Việt Nam: Dấu ấn mới trong quan hệ hữu nghị
Sau gần một năm thi công, công trình Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam nằm trên phố Nittayo, một tuyến đường lớn của tỉnh Nakhon Phanom ở Đông Bắc Thái Lan, đã hoàn thành, đánh dấu điểm nhấn mới trong quan hệ hữu nghị ngày càng tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam–Thái Lan. Lễ khánh thành Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam đã được tổ chức trang trọng ngày 10/10 tại tỉnh Nakhon Phanom trong niềm hân hoan, phấn khởi của hơn 1.000 kiều bào từ khắp các tỉnh, thành Thái Lan tới tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, quyền Tỉnh trưởng Nakhon Phanom Ranida Laungthitisakul đã nhắc lại lịch sử gần 100 năm trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước đã từng có một thời gian sinh sống tại chính mảnh đất Nakhon Phanom và cũng chính Người đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị Thái Lan-Việt Nam. Bà Ranida cho rằng việc xây dựng Cổng Phố văn hóa Thái Lan - Việt Nam là một điểm nhấn mới, thể hiện nét đặc trưng, câu chuyện lịch sử và mối quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng công trình này sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa thu hút khách du lịch cho địa phương.

Thay mặt Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao dự lễ khánh thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Đông đã chuyển lời chúc mừng nồng nhiệt của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đến các nhà lãnh đạo tỉnh và bà con kiều bào; nhấn mạnh, đối với người dân Việt Nam, mỗi khi nhắc đến Thái Lan đều nghĩ đến khu vực Đông Bắc Thái Lan, trong đó có các tỉnh như Nakhon Phanom, Udon Thani… nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống và có nhiều tình cảm gắn bó. Vì vậy, sự hiện diện của Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom sẽ để lại nhiều tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp trong mỗi người Việt Nam, qua đó tiếp tục góp phần vào việc củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Đông biểu dương nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam tại Nakhon Phanom đã xây dựng Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam, vừa thể hiện tình cảm đối với quê hương, đất nước, vừa góp phần làm giàu thêm văn hóa của địa phương. Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi cùng với tổng thể các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan không chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị, mà còn là nơi truyền thống văn hóa giàu bản sắc Việt Nam, Thái Lan hòa quyện, làm giàu lẫn nhau và mang lại những giá trị mới.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Đại sứ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh việc khánh thành Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam tại Nakhon Phanom là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương, với văn hóa dân tộc của kiều bào tại tỉnh Nakhon Phanom, đồng thời thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương đối với sự hòa nhập, phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nakhon Phanom. Đại sứ Phạm Việt Hùng tin tưởng và mong muốn rằng sau khi khánh thành, địa điểm này ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, góp phần tăng cường giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Thái Lan.

Cổng Phố văn hóa Thái Lan - Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 11/12/2023, sử dụng ngân sách của thành phố Nakhon Phanom năm 2024 với tổng số tiền 490.000 baht (tương đương 14.000 USD). Cổng có chiều rộng 11,8 mét, chiều cao tới dầm chính 5,5 mét và chiều cao tới nóc là 11,4 mét. Sau khi khánh thành, Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam sẽ trở thành biểu tượng của tuyến đường Thamrong Prasit, tạo điều kiện cho người dân trên tuyến đường cũng như khu vực lân cận phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch của tỉnh Nakhon Phanom.

Thay mặt cho bà con kiều bào tỉnh Nakhon Phanom, ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch Hội Người Thái gốc Việt tại Nakhon Phanom khẳng định đây là một công trình quan trọng thể hiện sự hòa nhập và sự đóng góp của bà con kiều bào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nakhon Phanom; hy vọng công trình Cổng Phố văn hóa Thái Lan-Việt Nam tại Nakhon Phanom sẽ trở thành một địa điểm quan trọng về tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Thái Lan, góp phần tăng thêm giá trị văn hóa của người Việt Nam tại Thái Lan và sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Nakhon Phanom./.

Đỗ Sinh – Huy Tiến

Tin cùng chuyên mục

Lạm thu hay xã hội hoá

Chủ trương huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết, tuy nhiên việc “bổ đầu” đóng góp cho tất cả phụ huynh lại trở thành việc lạm thu.

Hà Nội - 'Thành phố vì hòa bình', 'Thành phố sáng tạo'

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thăng Long - Hà Nội luôn là vùng đất địa linh nhân kiệt, biểu tượng cho tinh thần dân tộc, là hiện thân cho văn hóa Việt Nam. Hà Nội đã được ngợi ca, vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ; không chỉ phát huy được những giá trị truyền thống, mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển.

Thủ tướng dự các phiên đối thoại ASEAN

Chiều 9/10, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) và Thanh niên ASEAN.

Phát triển ASEAN với tư duy, tầm nhìn, động lực và tâm thế mới

Sáng 9/10, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, sau phiên khai mạc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát huy đoàn kết, lấy tự cường làm nền tảng; bước vào giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới.