Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm góp phần tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước ở tầm cao mới
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Malaysia lần này?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khi đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Chuyến thăm Malaysia lần này vừa góp phần thúc đẩy tình đoàn kết giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và Đối tác chiến lược với Malaysia.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này diễn ra trước thềm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2015-2025) sẽ củng cố mạnh mẽ nền tảng quan hệ chính trị và tiếp thêm động lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, và là dấu mốc mới làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp hiện có giữa hai nước, hướng tới tầm cao mới, tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam - Malaysia.

Chuyến thăm cũng là dịp lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục chia sẻ tình hình thế giới, khu vực, đi sâu trao đổi, xác định các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Đại sứ có thể chia sẻ điểm nhấn trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư? Đại sứ quán Việt Nam đã chuẩn bị cho sự kiên quan trọng này như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Đây là chuyến thăm của một Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tới Malaysia sau 30 năm, do đó chuyến thăm được hai bên rất coi trọng, thu xếp và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về chương trình và nội dung. Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ lần lượt có cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Thủ tướng, với Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện và các lãnh đạo cấp cao khác của Malaysia.

Hai bên sẽ thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước, đi sâu trao đổi việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, du lịch, giao lưu nhân dân… đồng thời tìm kiếm các biện pháp mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác Halal... từ đó góp phần tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước ở tầm cao mới. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai bên cũng sẽ chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, tin cậy về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, Biển Đông và hợp tác phát triển kinh tế trên biển, đồng thời thống nhất những phương hướng lớn nhằm tăng cường phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và trong bối cảnh Malaysia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025, góp phần vào việc tăng cường đoàn kết nội khối và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xác định việc tham gia chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2024. Đại sứ quán đang duy trì liên hệ chặt chẽ, mật thiết với các cơ quan chức năng hai bên để trao đổi, phối hợp xây dựng chu đáo chương trình và nội dung chuyến thăm, cùng nỗ lực đóng góp vì sự thành công chung của chuyến thăm.

Phóng viên: Năm 2025 Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. Là một thành viên trong ASEAN, Việt Nam dự kiến có kế hoạch hợp tác như thế nào để ủng hộ vai trò của Malaysia? Lĩnh vực hợp tác nào trong ASEAN được Việt Nam ưu tiên, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Trong ASEAN, Việt Nam và Malaysia là thành viên năng động, tích cực, có trách nhiệm, tham gia trên tinh thần sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn cho công việc chung. Trong thời gian tới, khi Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các nước thành viên ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy tình đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như các chiến lược và sáng kiến có liên quan nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN hài hòa, gắn kết, giàu bản sắc, có khả năng ứng phó trước những vấn đề nổi lên trong khu vực và trên thế giới.

Trong các tiếp xúc cấp cao gần đây giữa hai nước, các lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định cam kết ủng hộ Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và triển khai toàn diện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, đồng thời mong muốn Malaysia sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước duy trì quan điểm chung của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Phóng viên: Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua của Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul, hai bên đều nhất trí cho rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Đại sứ có thể cho biết hai bên cần làm gì để tiếp tục đưa hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư song phương đạt những thành tựu mới?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Có thể khẳng định bên cạnh hợp tác chính trị thì hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư là một trong những trụ cột quan trọng và là trọng tâm ưu tiên phát triển trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 11 trên thế giới.

Trong lĩnh vực đầu tư, Malaysia hiện cũng là nhà đầu tư ASEAN lớn thứ hai tại Việt Nam và đứng thứ 11/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD.

Nhìn lại 10 năm qua, kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước tăng từ hơn 8 tỷ USD (năm 2014) lên trên 14 tỷ USD năm 2022, tăng gần gấp đôi sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Hai bên đang phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt 18 tỷ USD trong thời gian tới.

Có thể nói tiềm năng, dư địa cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn nhiều, mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 18 tỷ USD là rất khả thi. Tuy nhiên, để có thể đưa hợp tác này đạt được những thành tựu mới thì hai bên cần tìm ra các hướng đi mới, trong đó có các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu, có thế mạnh tương hỗ lẫn nhau như phát triển kinh tế số, kết nối năng lượng. Một trong những lĩnh vực có tiềm năng mà hiện nay hai bên đã và đang tích cực hợp tác và cần đẩy mạnh trong thời gian tới chính là hợp tác trong lĩnh vực Halal. Các lãnh đạo Malaysia từng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Việc hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong việc xây dựng tiêu chuẩn Halal đối với các mặt hàng thế mạnh, từ đó có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường Malaysia và các thị trường Hồi giáo lớn khác trên thế giới.

Phóng viên: Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng phát triển. Theo Đại sứ, sự hợp tác này có ý nghĩa như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói riêng, cũng như thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia nói chung?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Thời gian qua, các hoạt động hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân giữa hai nước diễn ra rất sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động giao lưu văn hóa thường xuyên được các hội đoàn người Việt tại Malaysia tổ chức nhằm quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam tới bạn bè Malaysia, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Lãnh đạo các địa phương hai nước cũng thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương của hai bên, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý gần gũi và giao thông thuận lợi với các tuyến đường bay đa dạng kết nối giữa các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với thành phố Kuala Lumpur và các địa phương của Malaysia có tần suất lên tới trên 130 chuyến bay/tuần đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động du lịch và giao lưu nhân dân.

Tôi tin tưởng rằng cùng với đà phát triển ổn định, tích cực trong quan hệ song phương, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục được duy trì và trở thành một trong những động lực phát triển quan hệ hai nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!./.

Hằng Linh - Thành Trung

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam thể hiện cam kết nhân đạo tại hội chợ từ thiện của LHQ

Thành sự kiện hằng năm, Hội chợ quốc tế UN Bazaar 2024, do Hội phụ nữ Liên hợp quốc (UNWG) tổ chức, đã diễn ra ngày 19/11, tại trụ sở của tổ chức ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Thông báo của Ban tổ chức khẳng định số tiền thu được từ sự kiện thường niên này sẽ được dành để tài trợ cho các dự án hỗ trợ trẻ em thiệt thòi trên toàn thế giới nhằm thể hiện tinh thần hợp tác và đa phương của Liên hợp quốc (LHQ).

Cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học: Dấu mốc mới trong quan hệ giáo dục và trao đổi văn hóa Thái Lan-Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, trường Đại học Srinakharinwirot đã tổ chức “Cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học tại Thái Lan” nhằm cổ vũ và lan tỏa tiếng Việt tại đất nước Chùa Vàng. Sau 3 tuần phát động, chiều 20/11, vòng chung kết cuộc thi đã diễn ra tại Khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot, thu hút sự quan tâm đông đảo của sinh viên Thái Lan và những người yêu văn hóa Việt Nam.

Hai điểm sáng trong mối quan hệ Malaysia - Việt Nam

Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và du lịch là những điểm sáng trong mối quan hệ chiến lược Malaysia - Việt Nam, trong khi ngoại giao nhân dân và trao đổi văn hóa đang ngày càng được hai nước thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội thuộc Đại học Malaya (Malaysia) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Dominicana

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và hoạt động song phương tại Brazil, tối 19/11, giờ địa phương (tức sáng 20/11 giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Las Americas, thủ đô Santo Domingo, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Dominicana theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader và Phu nhân.

Quốc hội thảo luận về đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Chiều 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Lào đánh giá cao hợp tác giữa hai Hãng Thông tấn quốc gia Việt Nam - Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào từ ngày 19-21/11 của Đoàn đại biểu cấp cao Thông tấn xã Việt Nam do đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam làm Trưởng đoàn, chiều 20/11 tại thủ đô Viêng Chăn, Đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone tiếp thân mật.

Xúc tác cho phát triển ngành logistics

Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, nhất là chuyển đổi số để có thể thích nghi với bối cảnh thị trường, giảm chi phí, giảm phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường qua tối ưu lộ trình vận chuyển dựa trên ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng sẽ là chất xúc tác góp phần chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp logistics phát triển bền vững.

Kỳ vọng những đổi mới để ‘tiếp sức’ cho nhà giáo

Nhân dịp 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay. Những nhà giáo, dù ở bất cứ vị trí nào cũng kỳ vọng đổi mới gắn với thực tiễn để tiếp thêm “lửa nghề” để yên tâm công tác.