Đặt con người ở trung tâm của cải cách và phát triển |
Ngay từ khi mới thành lập nước, Người đã bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đã chứng minh điều đó. Trước lúc đi xa, Người vẫn nhấn mạnh mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đổi mới, Đảng ta chủ trương kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người; chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.
Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 95,52% vào năm 2024. Việt Nam còn triển khai nhiều chính sách an sinh, trợ cấp xã hội hướng tới những nhóm yếu thế, như: hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên toàn quốc; hỗ trợ bữa ăn cho học sinh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời đang xây dựng lộ trình miễn viện phí cho toàn dân.
Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 74/148 quốc gia, tăng hai bậc so với năm 2024, trong đó các chỉ số về kinh tế và giáo dục cho phụ nữ đều cải thiện tích cực.
Đồng thời, Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phòng chống thiên tai, đầu tư hạ tầng thông tin, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin cho người dân.
Có thể nói, đặt con người ở trung tâm của cải cách và phát triển, Việt Nam đang cho thấy hình ảnh một quốc gia hội nhập bản lĩnh, đóng góp tích cực vào việc kiến tạo chuẩn mực chung về quyền con người trong thời đại mới./.
Phương Dung - Thanh Bình