Đột phá theo Nghị quyết 57: Chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số
Nghị quyết 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) được Hiệp hội Kỹ sư Australia phong danh hiệu Tổng công trình sư (Fellow of Engineers Australia), thành viên Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nghị quyết không chỉ đặt ra chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số, mà còn đóng vai trò tạo động lực, định hướng và huy động nguồn lực để thực hiện các đột phá cần thiết. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực thi hiệu quả Nghị quyết sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, xây dựng nền kinh tế tri thức, vươn lên thành một quốc gia công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa cho rằng Việt Nam hiện có lợi thế là một thị trường số phát triển nhanh trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, AI, viễn thông, với các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT, VNG đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử và hạ tầng số, giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam lại đang thiếu nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực cốt lõi như AI, chip bán dẫn, an ninh mạng. Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn thấp, chưa đạt mức trung bình của các nước phát triển. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ chưa thực sự mạnh. Vì vậy, ông cho rằng mục tiêu mà Nghị quyết 57 đề ra là khả thi, nhưng cần có sự bứt phá mạnh mẽ về đầu tư R&D, cải cách thể chế, đào tạo nhân lực.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam có dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ, có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, Internet rất cao. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước ngày càng có năng lực cạnh tranh toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh với nhiều startup đạt tầm khu vực. Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với Việt Nam là chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi, trong khi các nước như Trung Quốc, Mỹ đã tiến rất xa. Hạ tầng công nghệ số của Việt Nam cần phát triển mạnh hơn, bao gồm 6G, điện toán lượng tử, AI thế hệ mới. Vì vậy, khả năng Việt Nam đạt được tầm nhìn 2045 như Nghị quyết đề ra là rất khó nhưng không phải bất khả thi nếu Việt Nam có chiến lược phát triển công nghệ bài bản, thu hút đầu tư nước ngoài và đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa đề xuất các giải pháp đột phá giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ví dụ tăng mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên mức 2-3% GDP, tập trung vào AI, chip bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo; đào tạo nhân lực công nghệ cao, liên kết với các đại học hàng đầu thế giới để phát triển chương trình giáo dục chuyên sâu; thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo điều kiện để họ xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam; hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ trong nước, đặc biệt là về vốn, thuế, chính sách ưu đãi để họ vươn ra thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia dẫn đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam có nhiều lĩnh vực có tiềm năng đột phá mạnh nhất, góp phần đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực, ví dụ như công nghệ số và AI; công nghiệp bán dẫn và vi mạch; công nghệ tài chính (Fintech) và kinh tế số; công nghệ sinh học (Biotech) và y tế số; công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa; năng lượng tái tạo và công nghệ môi trường.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo mà Australia đã áp dụng thành công, chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa cho biết Australia là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, được hỗ trợ bởi chính sách công, đầu tư R&D, hợp tác doanh nghiệp và hệ thống giáo dục tiên tiến, các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu liên kết chặt chẽ với nhau, các trung tâm đổi mới sáng tạo và “vườn ươm” khởi nghiệp được thành lập trên khắp đất nước để hỗ trợ startup và doanh nghiệp công nghệ, có chính sách ưu đãi thuế mạnh mẽ cho R&D, giúp các công ty dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng thúc đẩy mô hình “Tam giác đổi mới” kết nối chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học để tăng cường hợp tác nghiên cứu và ứng dụng; thành lập thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ để tạo môi trường cho startup công nghệ phát triển; cải cách chính sách thuế để khuyến khích R&D, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Việt Nam có thể tạo cơ chế tài trợ, đầu tư mạo hiểm và bảo lãnh vốn vay cho startup công nghệ; hỗ trợ không gian làm việc miễn phí cho startup, tổ chức nhiều chương trình cố vấn từ chuyên gia. Chính phủ ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ phát triển trong nước trước khi mở rộng quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể định hướng đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng bứt phá như AI, bán dẫn, y tế số, năng lượng sạch, blockchain; tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu, phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo; xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghệ dài hạn, tương tự như Australia làm với năng lượng tái tạo và AI.

Cùng với đó, ông cho rằng Việt Nam nên hoàn thiện luật về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ các sáng chế công nghệ; đơn giản hóa quy trình đăng ký công nghệ mới, cấp phép startup công nghệ; xây dựng khu thử nghiệm công nghệ mới để doanh nghiệp kiểm tra sản phẩm trước khi thương mại hóa; hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư công nghệ cao, tăng cường hợp tác với các quốc gia dẫn đầu công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, EU để tiếp nhận chuyển giao công nghệ; xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút tập đoàn công nghệ đặt trung tâm R&D tại Việt Nam; tạo cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Một yếu tố cũng rất quan trọng là Việt Nam cần có cơ chế thu hút và “giữ chân” nhân tài khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành khoa học công nghiệp, đặc biệt là công nghệ số, đưa lập trình, AI, dữ liệu lớn vào chương trình giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm quen với công nghệ từ sớm; áp dụng mô hình giáo dục thực hành, liên kết với doanh nghiệp để học sinh có thể làm các dự án thực tế; khuyến khích các cuộc thi về khoa học, công nghệ, robotics, AI, giúp học sinh đam mê khám phá.

Bài học từ Australia cho thấy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghệ số, cần có chiến lược đào tạo bài bản từ phổ thông đến đại học, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thu hút nhân tài quốc tế và xây dựng mô hình học tập suốt đời.

Theo ông, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Họ có thể đóng góp trên nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế đến khởi nghiệp và cố vấn chính sách. Để thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực này, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp khuyến khích trí thức trẻ cống hiến cho đất nước, ví dụ tạo môi trường làm việc hấp dẫn, có chương trình thu hút nhân tài; xây dựng kênh kết nối trí thức toàn cầu. Việt Nam hoàn toàn có thể biến "dòng chảy chất xám" thành động lực đổi mới sáng tạo.

Là thành viên của VASEA - một tổ chức tập hợp những trí thức, chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc tại Australia với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa chia sẻ ông đang cùng các đồng nghiệp thành lập mạng lưới hợp tác AI và công nghệ giữa Australia và Việt Nam, xây dựng cầu nối giữa các chuyên gia về AI, dữ liệu lớn, blockchain, an ninh mạng tại Australia với các tổ chức, doanh nghiệp và viện nghiên cứu tại Việt Nam.

Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp AI tại Việt Nam trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, mô hình kinh doanh quốc tế và cơ hội hợp tác toàn cầu; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các trường đại học hàng đầu của Australia với các trường đại học công nghệ tại Việt Nam; cung cấp chương trình tư vấn chiến lược về AI, chuyển đổi số, giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái AI quốc gia hiệu quả và bền vững; hỗ trợ đào tạo nhân lực AI và công nghệ số tại Việt Nam; hợp tác với các đơn vị lớn đã có kinh nghiệm phát triển về giáo dục nhằm xây dựng chương trình đào tạo và các thiết bị thí nghiệm về AI và dữ liệu lớn cho các cấp tiểu học, trung học và đại học; phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về AI, dữ liệu lớn và công nghệ bán dẫn cho cán bộ các tỉnh, kỹ sư và sinh viên Việt Nam; tổ chức các chương trình cố vấn, kết nối sinh viên Việt Nam với các chuyên gia AI hàng đầu tại Australia nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tiễn; chuyển giao công nghệ ANS AI Box về Việt Nam áp dụng trong các lĩnh vực chiến lược, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và tự động hóa trong các ngành trọng điểm.

Các thành viên VASEA cũng đang nỗ lực tạo ra những cầu nối giữa cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, nghiên cứu AI, đầu tư vào startup công nghệ và tư vấn chính sách phát triển công nghệ số. Ông tin rằng nếu Nghị quyết 57 được triển khai đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực vào năm 2045./.

Thanh Tú - Lê Đạt - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục

50 năm quan hệ Việt Nam - Mexico: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Một trong những sứ mệnh cốt lõi của truyền thông Mexico là lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn. Trong quá trình tác nghiệp, người làm báo Mexico luôn thấy những giá trị này mỗi khi viết về Việt Nam, đó là những câu chuyện của một dân tộc anh hùng, một đất nước giàu tiềm năng cùng khát vọng vươn lên. Đây là chia sẻ của ông Mouris Salloum George, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Mexico khi nhận Giải Nhì Thông tin Đối ngoại Toàn quốc lần thứ 10 do Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải - thay mặt Hội đồng Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại - trao tặng ngày 3/4 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam.

Các hướng triển khai hội nhập quốc tế trong giai đoạn Cách mạng hiện nay

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển. Cùng với “tinh thần đổi mới” về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết số 18; “tư tưởng đột phá” về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết 57; định hướng về hội nhập quốc tế là “cẩm nang hành động” của Nghị quyết 59 sẽ tạo nên “bộ ba chiến lược” trong trọng tâm “Ổn định lâu dài-Phát triển bền vững-Đời sống nâng cao” do Đảng đã vạch ra.

Quan điểm mang tính cách mạng, đột phá, tính thời đại cao về hội nhập quốc tế

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình và xác lập trật tự thế giới mới. Những thay đổi này đang tạo ra một môi trường quốc tế đa chiều hơn, mở ra những vận hội lớn cùng nhiều thách thức lớn cho đất nước. Đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử. Kế thừa những giá trị đã được khẳng định, Nghị quyết 59 đã nắm bắt được dòng chảy của sức mạnh thời đại và “nâng tầm” hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao.

Kết quả quan trọng trong 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD. Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.

Ý nghĩa logo kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố mẫu biểu trưng (logo) tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Logo được thiết kế từ con số 50 cách điệu thể hiện thông điệp về Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Logo có gam màu đỏ làm chủ đạo thể hiện nhiệt huyết cách mạng, lòng dũng cảm, kiên cường, tinh thần đoàn kết, gắn bó sức mạnh hào hùng, là màu của chiến thắng. Màu xanh dương thể hiện cho hòa bình, hạnh phúc. Số 50 gắn kết chặt chẽ thành một khối thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự quyết tâm bền lòng vững chí, vượt mọi gian khổ, hy sinh của quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Số 5 mang hình Lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho hậu phương miền Bắc, nơi chi viện, cung cấp sức người, sức của, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tiền tuyến miền Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Sự tham gia, đóng góp nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong IPU

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2 - 8/4/2025. Kể từ khi gia nhập IPU năm 1979, trong hơn 45 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm, cùng nghị viện các nước chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, luật pháp, không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo phát triển bền vững, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, luôn lấy người dân làm trung tâm của quá trình xây dựng chính sách. Sự tham gia, đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong IPU đã góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

HỌC BÁC MỖI NGÀY: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”

Trong lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Nam luôn là một phần “máu thịt” của dân tộc Việt Nam. Tại Hội nghị Việt-Pháp ở Fontainebleau (năm 1946), Bác tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”