Đột phá theo Nghị quyết 57: Học giả của Đại học Cambridge chỉ ra những lợi thế đối với Việt Nam
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bằng, trường Quản lý kinh doanh Judge Business School, Đại học Cambridge, Anh, đã chỉ ra những lợi thế của Việt Nam khi thực hiện nghị quyết, trong đó có dân số trẻ, nắm bắt nhanh các công nghệ tiên tiến mới, hình ảnh Việt Nam liên tục được cải thiện nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều ngành, có điều kiện hạ tầng như sân bay, bến cảng lớn...

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng, với những lợi thế cạnh tranh này, đặc biệt là dân số trẻ, Việt Nam có tiềm năng phát triển một số ngành sản xuất thông minh (smart manufacturing) như ngành bán dẫn, cụ thể là sản xuất chip tiên tiến; ngành khoa học máy tính, trong đó có máy tính lượng tử. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nước có nền tảng sản xuất lớn, song dựa trên công nghệ cũ.

Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng nhấn mạnh để nền khoa học Việt Nam bứt phá, ưu tiên hàng đầu phải là cải cách thể chế, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh như Nghị quyết 57 đã chỉ ra. Ông nêu rõ thể chế hiện là một trong những điểm nghẽn cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, các thủ tục phức tạp trong việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế hay giải ngân dự án nghiên cứu khoa học gây lãng phí thời gian và chi phí cho các nhà khoa học - vốn cần tập trung vào nghiên cứu và phát minh thay vì giải quyết các thủ tục hành chính. Các nhà khoa học cũng cần được trao niềm tin, cơ hội và được khuyến khích để thực hiện các thử nghiệm thay vì giải trình các công trình nghiên cứu ở giai đoạn sớm.

Bên cạnh đó, chính phủ cần ban hành các chính sách cụ thể, xây dựng các kế hoạch hành động chi tiết để hiện thực hóa các mục tiêu. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, thay vì đầu tư dàn trải, nhà nước cần tập trung nguồn lực phát triển 3-4 ngành khoa học chủ chốt với thời gian thực hiện cụ thể. Các ngành chủ chốt này phải có lợi thế, có nền tảng tốt và có triển vọng mang lại giá trị cao trong vòng 10-15 năm tới. Những ngành ít quan trọng hơn có thể để khu vực tư nhân hay khu vực đầu tư nước ngoài tham gia. Nhà nước cần đóng vai trò định hướng, điều tiết và tạo nền tảng chính sách thông thoáng cho các khu vực kinh tế tham gia.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển khoa học công nghệ, Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng, người có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu ở Hong Kong (Trung Quốc), Pháp, Mỹ và Anh, chỉ ra rằng việc xây dựng hệ sinh thái trong các trường đại học là mắt xích quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong phát triển khoa học công nghệ. Theo ông, hệ thống đại học Việt Nam cần được đánh giá lại và thực hiện cải tổ nhanh và mạnh nhằm xây dựng các trường đại học cởi mở về học thuật, gắn kết với các trường đại học tốt nhất và với những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tạo mọi điều kiện để sinh viên tiếp xúc với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất mà không có rào cản. Không chỉ hệ thống đại học, hệ thống giáo dục phổ thông cũng cần tạo môi trường khuyến khích khoa học, nghiên cứu, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp xúc với khoa học thông qua các hoạt động thực tiễn ở nhà trường và xã hội.

Ngoài ra, phải kể đến một yếu tố quan trọng khác trong hệ sinh thái này là các doanh nghiệp - thành tố của nền kinh tế, nơi các nghiên cứu khoa học được áp dụng và thương mại hóa, tạo nguồn thu cho hoạt động khoa học. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng, chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty đa quốc gia cũng như trong nước xây dựng các cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam, đồng thời miễn, giảm thuế cho cho các hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong những lĩnh vực nhà nước ưu tiên, thậm chí có chính sách đặc biệt như thành lập bộ phận chuyên trách kêu gọi đầu tư về nghiên cứu phát triển từ 100 công ty lớn nhất thế giới. Ông cho rằng việc các công ty lớn của nước ngoài có trụ sở nghiên cứu tại Việt Nam sẽ giúp bổ sung cho nguồn lực vẫn còn eo hẹp của nhà nước.

Đề cập tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn đề ra trong Nghị quyết 57, Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng cho rằng đây là quá trình đầu tư lâu dài, tốn kém và cần thực hiện ngay với kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết. Ông nhấn mạnh Việt Nam nằm trong số ít nước trên thế giới có đội ngũ mạnh các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học sống và làm việc ở nước ngoài. Đây chính là nguồn lực chính phủ có thể tận dụng cho các hoạt động giảng dạy cũng như tư vấn cho các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp. Các nhà khoa học Việt kiều có thể là cầu nối để Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu hoặc các trường đại học hàng đầu thế giới, là cách thiết thực để trí thức Việt kiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng khẳng định Nghị quyết 57 giúp định hướng toàn bộ nỗ lực quốc gia nhằm đạt được những mục tiêu về khoa học công nghệ và biến các tiến bộ khoa học công nghệ của Việt Nam thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong 20 năm tới, phản ánh ý chí chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước./.

Minh Hợp - Phong Hà - Hữu Tiến

Tin cùng chuyên mục

Quản lý dạy thêm, học thêm: Không đánh trống bỏ dùi

Việc ra đời của Thông tư 29 (Bộ GD&ĐT) khiến cho ngành giáo dục có thêm công cụ để chấn chỉnh vấn nạn học thêm, dạy thêm. Nhưng dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, làm sao để việc quản lý học thêm, dạy thêm thực sự giải quyết được tận gốc, tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Cầu Hiền Lương - biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông

Đã có một thời, khi nhắc đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là nhắc nhớ đến những câu thơ: “Hiền Lương một lạch hai dòng/ Người tuy bên nớ mà lòng bên ni” hay “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”… Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời kỳ lịch sử đau thương mà hào hùng vẫn còn đó. Và cây cầu Hiền Lương, sau nửa thế kỷ từ ngày đôi bờ Bắc - Nam sum họp, vẫn vững vàng như một biểu tượng thiêng liêng của khát vọng hòa bình và thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Bài học kinh nghiệm từ Singapore

Đánh giá về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng đây là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng số trở thành lực lượng sản xuất, có sức mạnh quyết định trong việc giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Phước

Sáng 23/3, tại Quảng trường 23 tháng 3, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 – 23/3/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trí thức Việt kiều Anh tư vấn chính sách phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần một chiến lược phát triển rõ ràng, đảm bảo các yếu tố nền tảng như môi trường kinh doanh minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thị trường tài chính vững mạnh và thương hiệu quốc tế. Đây là khuyến nghị của Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Anh của Phó Thủ tướng.

Lan tỏa bản sắc qua Phố ẩm thực văn hóa Thái Lan-Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 22/3, Hội Người Thái gốc Việt tại Nakhon Phanom đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ khai trương Phố ẩm thực văn hóa Thái Lan-Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom, cách Bangkok hơn 700 km về phía Đông Bắc. Sự kiện được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của Tỉnh trưởng Nakhon Phanom Pratya Unphetwarakon, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Đinh Hoàng Linh cùng hàng trăm kiều bào sinh sống tại Nakhon Phanom và các tỉnh lân cận.