Đột phá theo Nghị quyết 57: Hội thảo Nga-Việt về thúc đẩy phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, chiều 27/3 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) "Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong Khoa học công nghệ". Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ hai nước vào khoa học.

Về phía Việt Nam tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, đại diện phía Nga có quyền Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov. Ngoài ra còn có đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cùng gần 90 đại biểu là đại diện các nhà khoa học nữ, giảng viên và sinh viên hai nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vyacheslav Kalganov, cho biết trong truyền thống ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Hội LHPN Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa hai quốc gia.

Tại Nga hiện nay, các nhà khoa học nữ đạt được những thành công rất đáng kể trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, cũng như trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật và công nghệ. Mặc dù vậy trong cộng đồng khoa học Nga vẫn tồn tại sự mất cân bằng giới tính đáng kể. Để cải thiện tình hình này, Chính phủ Nga đang xem xét một loạt vấn đề thời sự liên quan đến phụ nữ làm khoa học như tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho các nhà khoa học nữ không bị gián đoạn khi sinh con và nuôi con, hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao tại các ngành công nghiệp quan trọng, vai trò của phụ nữ trong phát triển khoa học và giáo dục ở địa phương, quảng bá thành tựu của các nhà khoa học nữ và nâng cao sự hấp dẫn của sự nghiệp khoa học.

Ông Kalganov đánh giá, Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đi cùng với đó là những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, nữ trí thức Việt Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò quan trọng của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo trong thúc đẩy tiến trình chung của phụ nữ hai nước tham gia vào khoa học, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời tăng cường giao lưu phụ nữ và nhân dân hai nước, góp phần thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.

Về phần mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, trên thế giới, trong đó có Nga và Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng tài năng, với những nghiên cứu và đóng góp làm thay đổi lịch sử nhân loại, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, việc phát triển khoa học công nghệ càng trở nên cần thiết.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Song hành với đó là Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê, nghiên cứu khoa học cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các lực lượng phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ như: thúc đẩy việc thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam (năm 2011); ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó có khoa học, công nghệ (năm 2021); triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số, nổi bật là Giải thưởng Kovalevskaia.

Tại Hội thảo các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về những thành tựu của phụ nữ hai nước trong khoa học, trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng ngoại giao nhân dân góp phần thúc đẩy vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến hy vọng thông qua Hội thảo, hai tổ chức sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, gợi mở thêm những sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phụ nữ hai nước tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và phụ nữ hai nước trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, hội thảo và diễn đàn trực tuyến và online để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào khoa học, đề ra các nhiệm vụ cụ thể để phát triển giới khoa học hai nước./.

Tâm Hằng

Tin cùng chuyên mục

Quý I/2025: Hà Nội đón 7,3 triệu lượt khách du lịch

Trong 3 tháng đầu năm 2025, Hà Nội ước đón 7,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,85 triệu lượt khách, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024; còn lại là khách trong nước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 29.930 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”

Chiều 26/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) tổ chức Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự, chỉ đạo lễ phát động. Phong trào "Bình dân học vụ số" được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Phong trào giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng cho thị trường bất động sản

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao quan trọng, tiếp nối đà phục hồi từ năm 2024 và dần thiết lập một chu kỳ tăng trưởng mới. Sau khoảng thời gian điều chỉnh kéo dài từ năm 2022 - 2023, những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định đang tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Việt Nam – Trung Quốc ký nhiều văn kiện để phát triển đường sắt

Tại cuộc họp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Lưu Vỹ trong chuyến công tác của Bộ Xây dựng thăm và làm việc tại Trung Quốc, hai bên tập trung trao đổi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước, đặc biệt đối với việc phát triển đường sắt, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình.

Sức bật từ sự đột phá

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược cao, phản ánh ý chí chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là khẳng định của hầu hết các chuyên gia, trí thức người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Chuyên gia Nga khẳng định hướng đi đúng của chính sách phát triển khoa học, công nghệ

Việt Nam đã lựa chọn hướng đi đúng đắn khi đặt mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội. Đây là khẳng định được Tiến sĩ Grigory Trubnikov, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, Giám đốc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân (JINR), gọi tắt là Viện Dubna, tại thành phố Dubna, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga về Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Logistics vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Kịp thời thích ứng với luật chơi mới

Trong bối cảnh ngành logistics toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đi chủ động để kịp thời thích ứng với luật chơi mới. Tuy nhiên, để có thể thành công trên hành trình hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức linh hoạt, đồng bộ các giải pháp mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.