Đà Nẵng ngày giải phóng trong ký ức phóng viên chiến trường
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, phóng viên TTXVN đã gặp những nhân chứng sống đã cùng đoàn quân giải phóng.
Nhà báo Trần Xuân Quang (bên trái) chia sẻ lại những kỷ niệm trong cuộc đời phóng viên chiến trường tại Khu 5.
 Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, phóng viên TTXVN đã gặp các phóng viên chiến trường tại Khu ủy Khu 5 ngày trước, những nhân chứng sống đã cùng đoàn quân giải phóng vào tiếp quản thành phố những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975. Khi đất nước bình yên, họ đã lựa chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai để sinh sống và tiếp tục làm nhân chứng cho sự đổi thay, vươn mình của thành phố bên sông Hàn.

*Lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử

Nguyên là phóng viên ảnh của Phòng Tuyên huấn, Khu ủy Khu 5, vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, ông Trần Xuân Quang thường xuyên theo các cánh quân để tác nghiệp. Mỗi bức ảnh của ông đều phải đánh đổi bằng sự nguy hiểm, gian khổ và cả xương máu của đồng đội nên ông rất trân trọng từng khoảnh khắc được ghi lại.

Các bức ảnh của nhà báo Trần Xuân Quang nay là nguồn tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh ác liệt tại Khu 5.
 Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Trong sự nghiệp phóng viên chiến trường, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là khi đi theo các cánh quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Ông nhớ lại, trên đường di chuyển từ Quảng Nam về Đà Nẵng, vẫn còn một vài ổ kháng cự cuối cùng của địch và những ổ phục kích khiến quân ta thiệt hại về người nhưng việc này không làm một phóng viên chiến trường dày dặn kinh nghiệm như ông lo sợ.

Vững tay súng, chắc tay máy, ông ghi lại rất nhiều hình ảnh đắt giá của cuộc chiến như hình ảnh về thời khắc tên lính Mỹ giơ hai tay xin hàng hay cảnh lính ngụy bị áp tải, đi thành hàng dài rời khỏi đồn Sơn Trà và hình ảnh đường phố sau giải phóng...

Cũng trong thời khắc đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng, ông nhanh chóng ghi lại được những hình ảnh đoàn người dân đi ngược ra để ăn mừng sau thời gian dài bị giam lỏng, kìm kẹp trong các ấp chiến lược. Các bức ảnh quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, làm chủ quân cảng Đà Nẵng hay đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975… của nhà báo chiến trường Xuân Quang nay đã trở thành nguồn tư liệu quý giá, thường xuyên được sử dụng trong những ngày lễ lớn của thành phố Đà Nẵng.

Trong lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng, nhà báo Trần Xuân Quang vinh dự được diện kiến vị tướng tài ba này. Ông Trần Xuân Quang cho biết, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi nhưng ông cùng các đồng đội chưa được cấp quân hàm, hầu hết chỉ hoạt động du kích, bí mật. Hôm đó là lần đầu tiên gặp và vinh dự được chụp hình cho Đại tướng, ông cảm nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp đẹp uy nghi nhưng cũng rất gần gũi với chiến sỹ.

*Truyền tin chiến thắng đến mọi miền đất nước

Cũng như nhà báo Xuân Quang, phát thanh viên Nguyễn Thị Anh Trang của Đài phát thanh giải phóng Khu 5 ngày đó đã trải qua nhiều gian khổ, khó khăn ở căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Ngày cùng đoàn quân và các chuyên gia tiến về tiếp quản thành phố Đà Nẵng, bà là người được giao nhiệm vụ đọc bản tin đầu tiên về giải phóng Đà Nẵng trên sóng phát thanh toàn quốc, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31/3/1975.

Phát thanh viên Nguyễn Thị Anh Trang, Đài phát thanh giải phóng Khu 5 chính là người đọc bản tin đầu tiên về giải phóng Đà Nẵng trên sóng phát thanh toàn quốc. 
Ảnh: TTXVN phát

Bà Nguyễn Thị Anh Trang bồi hồi nhớ lại, ngày 29/3/1975, khi đang công tác ở căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà, đóng ở núi Hòn Tàu (Quảng Nam), bà được Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đến đón đi làm nhiệm vụ. Đến căn cứ Hiệp Đức, bà thấy các lều trại đã được dọn dẹp và được nhận lệnh di chuyển cùng đoàn về tiếp quản thành phố Đà Nẵng.

“Khi đó, tôi vừa mừng, vừa lo. Bởi Đà Nẵng là nơi tôi luôn mơ ước được một lần đặt chân đến, để ngắm phố thị sầm uất bậc nhất miền Trung thời bấy giờ. Và chỉ trong vài ngày sau đó, tôi đã trở thành phát thanh viên đọc bản tin đầu tiên về giải phóng Đà Nẵng, một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời”, bà Nguyễn Thị Anh Trang chia sẻ.

Trước ngày đọc bản phát thanh đầu tiên, bà Trang đã dành cả một đêm trắng để tập luyện, bà muốn bản tin đặc biệt này phải truyền tải được tâm thế của người chiến thắng. Giây phút đọc xong câu cuối cùng của bản tin, bà xúc động đến bật khóc vì biết rằng, đồng bào, đồng chí cả nước sẽ biết được Đà Nẵng được giải phóng. Bản tin này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến rất gần.

Ông Đào Duy Căn, cán bộ Đài Minh Ngữ Khu 5 nhớ lại khi tiếp quản Đài phát thanh thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Ông Đào Duy Căn, một trong 7 cán bộ, kỹ thuật viên được Thông tấn xã Giải phóng điều động từ Hà Nội vào tăng cường cho đài Minh Ngữ tại Khu ủy Khu 5. Những kỷ niệm đầu tiên khi đặt chân vào thành phố Đà Nẵng là sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo bởi những người từng phục vụ cho quân ngụy.

Ngày 29/3/1975, ông Căn là cán bộ đầu tiên của đài được cử về Đà Nẵng sớm để kiểm tra, tiếp quản các công trình, thiết bị liên lạc do tàn quân Ngụy để lại. Ông nhớ như in anh thanh niên trẻ lái ô tô đưa ông và đoàn công tác đi trong thành phố, đây là một người rất nhiệt tình, tự giới thiệu từng bị bắt đi lính Ngụy, sau đã ngộ ra và trở về với cách mạng. Đến Đài Phát thanh Đà Nẵng, ông tiếp tục được đón tiếp nồng hậu bởi các cán bộ phụ trách đài, trưởng đài là một Trung úy ngụy biệt phái. Họ cho biết đã kháng lệnh cấp trên, không phá hủy các máy móc, thiết bị mà giữ lại đài nguyên vẹn để bàn giao cho quân giải phóng.

*Tự hào là công dân Đà Nẵng

Từ sau ngày giải phóng, một số phóng viên, nhà báo chiến trường như ông Căn, bà Trang, ông Quang đã lựa chọn thành phố Đà Nẵng xinh đẹp làm nơi tiếp tục sinh sống, cống hiến, trong đó ông Căn và ông Quang công tác ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho đến ngày về hưu. Đến nay, các ông bà đều sống chung với con cháu rất hạnh phúc, xây dựng gia đình sung túc, phát triển cùng những bước tiến vượt bậc của thành phố sau ngày giải phóng.

Chia sẻ về sự phát triển của Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Anh Trang cho rằng, ngày vào tiếp quản thành phố Đà Nẵng chỉ có một cây cầu bắc qua sông Hàn, đến nay đã có 9 cây cầu rất đẹp, mang tính biểu tượng của thành phố. Còn hai bên bờ sông Hàn trước kia là lau sậy, nhà nhếch nhác nay đã mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng khang trang soi bóng xuống dòng sông. Ban đêm, thành phố rực rỡ ánh đèn, đông vui nhộn nhịp, sánh ngang với các thành phố du lịch nổi tiếng của thế giới…

Còn theo ông Đào Duy Căn, ngày nay, đường phố Đà Nẵng không còn ổ gà, bụi bặm như xưa mà thay vào đó là những tuyến đường khang trang, sạch sẽ. Thành phố yên bình, được mệnh danh là nơi đáng sống, được nhiều du khách trên khắp thế giới biết đến. Mỗi công dân của thành phố luôn tự hào và cùng nỗ lực, chung tay phát triển thành phố hiện đại, năng động, giàu đẹp lên từng ngày./.

Tin liên quan

50 năm thống nhất đất nước: Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hóa 3 miền tại Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học hữu nghị các dân tộc Patrice Lumumba (RUDN) tại Moskva đã lấy chủ đề "Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hoá 3 miền" cho Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại trường.

50 năm thống nhất đất nước: Nhà nghiên cứu Italy nêu bật giá trị lan tỏa của Chiến thắng 30/4

Cách đây 50 năm, Chiến dịch mùa Xuân 1975 đại thắng đã khép lại chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Kể từ đó, Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome, nhà Việt Nam học, Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Turin và Genoa, bà Sandra Scagliotti nhận định chiến thắng của Việt Nam đã lan tỏa tinh thần lạc quan đến tất cả các dân tộc bị áp bức. Turin và Genoa là những thành phố ở Italy luôn đi đầu trong việc ủng hộ Việt Nam thời chống Mỹ.

Tin cùng chuyên mục

Sức bật từ sự đột phá

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược cao, phản ánh ý chí chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là khẳng định của hầu hết các chuyên gia, trí thức người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Chuyên gia Nga khẳng định hướng đi đúng của chính sách phát triển khoa học, công nghệ

Việt Nam đã lựa chọn hướng đi đúng đắn khi đặt mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội. Đây là khẳng định được Tiến sĩ Grigory Trubnikov, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, Giám đốc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân (JINR), gọi tắt là Viện Dubna, tại thành phố Dubna, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga về Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Logistics vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Kịp thời thích ứng với luật chơi mới

Trong bối cảnh ngành logistics toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đi chủ động để kịp thời thích ứng với luật chơi mới. Tuy nhiên, để có thể thành công trên hành trình hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức linh hoạt, đồng bộ các giải pháp mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh niên tiên phong phát triển khoa học công nghệ

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thanh niên dù ở lĩnh vực nào cũng luôn nỗ lực tiên phong, làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2026

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước phát triển.

Trình Bộ Chính trị đề án phát triển giáo dục đào tạo và nâng cao sức khỏe nhân dân

Chiều 25/3, Bí thư Đảng uỷ Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục, đào tạo” và “dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035”.

Việt Nam phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn.