50 năm thống nhất đất nước: Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hóa 3 miền tại Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học hữu nghị các dân tộc Patrice Lumumba (RUDN) tại Moskva đã lấy chủ đề "Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hoá 3 miền" cho Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại trường.

Cách đây 50 năm, Chiến dịch mùa Xuân 1975 đại thắng đã khép lại chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Kể từ đó, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, 3 miền về chung một nhà. Thống nhất cũng là tên đoàn tàu hỏa chạy từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh và tại RUDN, con tàu Thống nhất đưa các “hành khách” đi khám phá các giá trị văn hóa của mọi miền Tổ quốc. Mỗi địa điểm trong hành trình không chỉ là điểm đến mà còn là câu chuyện về lịch sử, về truyền thống và con người Việt Nam.

Tại đêm gala nghệ thuật “Hành trình Thống nhất”, Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh ý nghĩa chào mừng Ngày thống nhất, được đánh đổi bằng 21 năm đấu tranh gian khổ của quân và dân ta. Chiến thắng đó mãi là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Việt Nam, và các thế hệ trẻ đang học tập ở nước ngoài sẽ tiếp nối chiến thắng đó, xây dựng nên một trang sử mới, một kỷ nguyên mới của dân tộc bằng kiến thức, trí tuệ và sự đóng góp cho tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Chương trình gala nghệ thuật giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất, mang tính biểu tượng của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó là âm nhạc, trang phục, món ăn và phương ngữ. Tổng đạo diễn chương trình Hứa Thị Mai Linh, sinh viên từ miền Nam, cho biết khi dàn dựng chương trình chào mừng ngày 30/4, Linh luôn nhớ đến người ông là cựu chiến binh. Dù ông đã cao tuổi song vẫn tham gia hoạt động giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Với Linh, ngày 30/4 vừa là ngày lễ của dân tộc, vừa là ngày của niềm tự hào gia đình đã góp công trực tiếp vào chiến thắng.

Trưởng Phòng công tác sinh viên tại RUDN phụ trách các nước châu Á, Vyacheslav Sokolov, cho biết chương trình văn nghệ của sinh viên Việt Nam đã trở thành thương hiệu mạnh trong môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ ở RUDN. Ông vui mừng khi RUDN thu hút được ngày càng đông sinh viên Việt Nam theo học và tin tưởng rằng những năm tháng học tại nước Nga sẽ để lại dấu ấn trong tim mỗi sinh viên, trở thành "viên gạch" vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại RUDN Nguyễn Thị Thương chia sẻ, ngoài hội nhập thì lan tỏa văn hóa dân tộc luôn là nhiệm vụ và ý thức của mỗi sinh viên tại RUDN. Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Việt Nam, các triển lãm về Việt Nam đã được trưng bày tại nhiều toà nhà trong khuôn viên trường. Ngoài ra, các bạn sinh viên quốc tế còn được “chiêu đãi” các món ăn truyền thống từ các vùng miền của Việt Nam... Tất cả những bản sắc của Việt Nam đã được hoà quyện một cách “thống nhất trong đa dạng”. Đó cũng là thông điệp mà các bạn sinh viên Việt Nam muốn giới thiệu đến bạn bè nước ngoài tại trường.

Có thể thấy, chương trình giới thiệu văn hóa thường niên được chuẩn bị công phu và ngày càng có chiều sâu. Từ việc lựa chọn hình ảnh đặc trưng về đất nước cho đến cách giới thiệu đến bạn bè quốc tế rất sáng tạo. Sinh viên Việt Nam tại RUDN đến từ nhiều vùng miền, họ tự hào được đưa quê hương mình đến với bạn bè Nga và quốc tế để ngày càng có thêm nhiều người biết rằng Việt Nam là nơi đến rồi muốn đến nữa, Việt Nam có nền ẩm thực có thể làm vừa lòng cả những người khó tính nhất và Việt Nam là nơi có nền nghệ thuật phong phú với những con người thân thiện, có khát vọng và quyết tâm công hiến trên con đường đi đến những thành công./.

Tâm Hằng - Quang Vinh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng kiểm tra dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Trong chương trình công tác tại Bình Định, chiều 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới khảo sát hầm Sơn Triệu, nghe báo cáo về 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam là Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Việt Nam tăng 8 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có xếp hạng chỉ số hạnh phúc liên tục tăng nhanh, nhất là 3 năm trở lại đây. Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 8 bậc so với năm 2023. Trước đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77 vào năm 2021. Đến năm 2022 vươn lên vị trí thứ 65 và đạt vị trí 54 trong năm 2023. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore.  

Đột phá theo Nghị quyết 57: Tính chiến lược của chủ trương đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang tính chiến lược rất cao, cả về thời điểm lẫn nội dung. Đây là nhận định được Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), đưa ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”

Ngày 20/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025, nhằm góp phần thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố nền tảng xã hội, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.  

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 3 0% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.