Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính ở Phú Yên
Những tháng đầu năm 2025, nhiều chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Phú Yên cao hơn mức trung bình cả nước, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 94,10%; hồ sơ thanh toán trực tuyến là 76,85%...
Tỉnh Phú Yên phát huy các tổ cộng đồng trong tuyên truyền về chuyển đổi số. 
Ảnh: Tường Quan – TTXVN

Tại Phú Yên, phát triển chính quyền số được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Những tháng đầu năm 2025, tỉnh đã nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về các chỉ số đánh giá chuyển đổi số và cải cách hành chính. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các giao dịch giữa người dân với chính quyền, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tại thành phố Tuy Hòa, mô hình “Ngày không hẹn” trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân được triển khai ở tất cả phường, xã. Theo đó, vào các ngày thứ Ba, thứ Năm hằng tuần, công dân nộp hồ sơ có thành phần và nội dung đúng theo quy định sẽ được tiếp nhận, chuyển xử lý, giải quyết và trả kết quả không quá 2 giờ làm việc.

Chỉ trong thời gian ngắn, anh Trương Văn Dũng (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) đã thực hiện xong thủ tục chứng thực. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ ở bộ phận một cửa, anh chỉ cần vài thao tác nhập thông tin trên điện thoại thông minh, thủ tục hành chính đã được xử lý. Thay vì phải chờ đợi như trước đây, nay việc kết nối giữa người dân với cán bộ được thực hiện nhanh, gọn…

Những tháng đầu năm 2025, nhiều chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Phú Yên cao hơn mức trung bình cả nước. Cụ thể: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 94,10%; hồ sơ thanh toán trực tuyến là 76,85%; hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 99,35%; trong khi cả nước mức tương ứng là 52,90%, 63,62%, 68,03%… Tháng 2/2025, bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia của tỉnh đạt 83,08 điểm và xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Huyện Đồng Xuân tổ chức ngày hội chuyển đổi số để người dân tiếp cận các dịch vụ tiện ích, hiện đại. 
Ảnh: Tường Quan – TTXVN

Ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho biết, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã chủ động, trách nhiệm trong thực hiện cải cách hành chính. Những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đồng bộ, hiệu quả đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp. Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” không làm ảnh hưởng đến nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, xử lý 39/39 phản ánh, kiến nghị đúng hạn. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng về xử lý phản ánh, kiến nghị của tỉnh đạt 95%.

Tại Phú Yên, 100% xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 76%… Để người dân thuận lợi tiếp cận với các nền tảng số, tỉnh đã duy trì hoạt động của 509 tổ công nghệ số cộng đồng với 3.149 thành viên tham gia hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng.

Theo bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, địa phương đặt mục tiêu số hóa tất cả thủ tục hành chính và cung cấp trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Cùng với đó, hệ thống quản lý tài liệu điện tử, số hóa hồ sơ, tài liệu và chứng từ được thực hiện nhằm giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ, tăng tính hiệu quả và minh bạch… Để nâng cao hiệu quả ứng dụng số, chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Phú Yên hướng tới sử dụng Big Data, AI để thu thập, phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hỗ trợ việc dự báo và ra quyết định chính xác trong quản lý hành chính và phát triển kinh tế - xã hội...

Với mục đích tạo sự đột phá và thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt 8% trong năm 2025, tỉnh đang xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác công - tư trong phát triển chuyển đổi số. Chính quyền địa phương có sự kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn, tổ chức quốc tế để học hỏi và ứng dụng các mô hình thành công, triển khai các dự án chuyển đổi số hiệu quả./.

Tin liên quan

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số

Để được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục

Đột phá theo Nghị quyết 57: Tính chiến lược của chủ trương đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang tính chiến lược rất cao, cả về thời điểm lẫn nội dung. Đây là nhận định được Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), đưa ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”

Ngày 20/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025, nhằm góp phần thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố nền tảng xã hội, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.  

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 3 0% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.  

Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Cộng hoà Dominicana đến chào từ biệt

Sáng 20/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Dominicana Jaime Francisco Rodriguez đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.Chủ tịch nước Lương Cường chúc mừng Ngài Đại sứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác, đóng góp tích cực vào việc tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dominicana.

Gạo Việt Nam tìm chỗ đứng tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh giá gạo tại Nhật Bản vẫn ở mức cao, nhu cầu về gạo nhập khẩu rẻ hơn đang tăng lên. Trong số các loại gạo được nhập khẩu vào Nhật Bản, gạo Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vì được đánh giá gần giống với gạo Nhật.