Gạo Việt Nam tìm chỗ đứng tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh giá gạo tại Nhật Bản vẫn ở mức cao, nhu cầu về gạo nhập khẩu rẻ hơn đang tăng lên. Trong số các loại gạo được nhập khẩu vào Nhật Bản, gạo Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vì được đánh giá gần giống với gạo Nhật.

Trao đổi với báo giới, ông Takashi Takanashi, Giám đốc hội đồng quản trị Spice House Co. tại tỉnh Kanagawa, chuyên cung cấp thực phẩm nhập khẩu cho các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ, cho biết: "Chúng tôi đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu về gạo Việt Nam".

Giá gạo Japonica sản xuất tại Việt Nam tại một cửa hàng trực thuộc công ty trên có giá 3.240 yen (khoảng 21,80 USD) cho 5 kg, trong khi loại gạo này sản xuất tại Nhật Bản có giá khoảng 4.000 yen (khoảng 27 USD) cho cùng số lượng.

Gạo Japonica là giống gạo chủ đạo ở Nhật Bản, có hạt nhỏ và ngắn. Theo Giám đốc Takanashi, gạo Việt Nam trông giống như các sản phẩm của Nhật Bản và hương vị cũng gần như giống hệt. Công ty bắt đầu kinh doanh gạo Việt Nam vào năm 2024. Do nhu cầu tăng cao, công ty hầu như không còn hàng tồn kho và hiện đang giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một bao.

Gạo Việt Nam đang trở thành mặt hàng nổi bật trong bối cảnh thị trường gạo Nhật Bản đang gặp khó khăn. Việt Nam là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ 5 trên thế giới, trong khi Nhật Bản đứng thứ 10. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, lượng gạo nhập khẩu tư nhân đã tăng mạnh, từ 368 tấn trong năm tài chính 2023 lên tới 991 tấn vào cuối tháng 1/2025.

Công ty thương mại tổng hợp Kanematsu Corp. cũng đang chuẩn bị nhập khẩu 10.000 tấn gạo "Calrose" của Mỹ trong năm 2025. Đây là giống gạo hạt trung bình có kết cấu chắc, lớn hơn gạo Japonica hạt ngắn. Tuy nhiên, công ty cho biết nhu cầu về loại gạo này rất cao từ khách hàng chủ yếu trong ngành dịch vụ thực phẩm.

Sự phổ biến của gạo nhập khẩu cũng thể hiện rõ ở loại gạo "tiếp cận tối thiểu" do chính phủ Nhật Bản quản lý, theo đó 770.000 tấn gạo được nhập khẩu miễn thuế. Trong số này, 100.000 tấn được đấu giá để sử dụng làm thực phẩm và trong năm tài chính 2024, toàn bộ số gạo này đã được đấu giá lần đầu tiên sau 7 năm.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể ổn định giá gạo bằng cách giải phóng gạo dự trữ, sự bất ổn về giá gạo vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Sự phổ biến của gạo nhập khẩu có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, khi giá gạo trong nước vẫn ở mức cao./.

Nguyễn Tuyến

Tin cùng chuyên mục

Quan chức Mexico đánh giá Việt Nam là hình mẫu phát triển kinh tế

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm dân tộc Việt Nam vừa giành độc lập, trong suốt 50 năm qua, Mexico đã chứng kiến những kỳ tích trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển kinh tế tại quốc gia nhỏ bé này, coi đó là hình mẫu không chỉ đối với khu vực Mỹ Latinh mà trên quy mô quốc tế. Đây là nhận định của bà Yeidckol Polevnsky Gurwitz, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mexico, trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Mexico Nguyễn Văn Hải ngày 18/3, sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (19/5/1975 – 19/5/2025).

Lung linh lễ hội hoa đào nơi biên cương Tổ quốc

Trong hai ngày 15 và 16/3, tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) phối hợp với công ty Du lịch Hà Giang trẻ đã tổ chức Lễ hội hoa Đào năm 2025 với chủ đề “Lung linh sắc đào - Xuân về biên cương”. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh vẻ đẹp rực rỡ của hoa đào Hà Giang mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa, du lịch và đời sống của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.

Vĩnh Phúc tiên phong hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa

Trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, chiều 16/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị để Vĩnh Phúc phát triển nhanh bền vững.

Việt Nam - Điểm sáng trong chiến lược châu Á của Italy

Hơn 120 đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao, chính quyền và doanh nghiệp đã tham dự hội nghị "Gặp gỡ châu Á" được tổ chức cuối tuần qua tại Tòa thị chính Rome, Italy, nhằm thảo luận về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại, văn hóa và du lịch.

Diễn đàn kết nối thương mại và du lịch Nhật Bản - Thái Lan -Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 15/3, tại tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan đã diễn ra Diễn đàn kết nối thương mại, du lịch Việt Nam – Thái Lan - Nhật Bản. Đây là hoạt động đầu tiên do hai Tổng Lãnh sự quán của Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) và tại Khon Kaen (Thái Lan) phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hội đoàn người Việt và cộng đồng doanh nhân người Việt tại Nhật Bản và Thái Lan tổ chức. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo tỉnh Udon Thani cùng đông đảo cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan và Nhật Bản.