Chuyên gia tài chính Anh: Cần linh hoạt trong lựa chọn mô hình trung tâm tài chính ở Việt Nam
Việt Nam không nhất thiết phải lựa chọn cứng nhắc giữa việc xây dựng trung tâm tài chính chuyên môn khu vực hay trung tâm tài chính toàn diện khu vực mà có thể phối hợp linh hoạt để tận dụng các cơ hội.

Đây là ý kiến của Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính-Kế toán, Đại học Bristol (Anh), trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh trước thềm chuyến thăm Anh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình từ ngày 16-20/3. Một trong những trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế.

Với đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn lưu ý trước hết cần phân biệt giữa trung tâm tài chính “quốc tế” và “khu vực”. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là một trung tâm tài chính chuyên môn khu vực, xếp hạng 105/121 các trung tâm tài chính quốc tế, và thuộc nhóm trung tâm tài chính chuyên môn địa phương (local specialist). Nhóm này gồm các trung tâm như Thành Đô, Thiên Tân, Nam Kinh, Đại Liên (Trung Quốc), Tallinn (Phần Lan), Lugano (Thụy Sĩ), chủ yếu phục vụ thị trường tài chính trong nước và khu vực, chưa có sức cạnh tranh toàn cầu, và chỉ chuyên môn hóa vào một số dịch vụ tài chính nhất định, thay vì phát triển toàn diện như New York hay London. Các ngân hàng cũng chủ yếu phục vụ doanh nghiệp trong nước, tài trợ thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho biết đây chính là mẫu hình của trung tâm tài chính xếp hạng “khu vực” được đề cập trong các dự thảo về trung tâm tài chính ở Việt Nam. Trung tâm này gồm thị trường vốn, tiền tệ, hàng hóa phái sinh và thử nghiệm các cơ chế sandbox.

Trong khi đó, một trung tâm tài chính đạt tới mức xếp hạng “quốc tế” (international) là những trung tâm đã có tên tuổi và định hình rõ ràng hơn, có bề dày truyền thống phục vụ các giao dịch quốc tế như Sydney, Melbourne, Rome, Chicago, Toronto.

Cuối cùng là những trung tâm trong nhóm cao nhất, nhóm “toàn cầu” (global), gồm những thương hiệu nổi bật như London, New York, Paris, Tokyo, Zurich, Amsterdam. Gần đây trong các xếp hạng đã xuất hiện thêm những trung tâm tài chính toàn cầu mới nổi (global contenders) như Bắc Kinh, Thượng Hải và Istanbul, thách thức vị trí truyền thống của nhóm có bề dày toàn cầu.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho biết có hai hướng truyền thống phát triển trung tâm tài chính, đó là chuyên sâu và đa dạng hóa. Theo ông, nếu phát triển theo hướng chuyên sâu, Việt Nam có thể phát triển lên nhóm thị trường tài chính chuyên môn của khu vực, ví dụ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), như Tel Aviv, Mumbai, tập trung vào một số dịch vụ tài chính nhất định, hoặc đặt tham vọng xa hơn là nhóm thị trường tài chính chuyên môn tầm vóc toàn cầu như Dubai, Hong Kong và Luxembourg.

Một lựa chọn khác là phát triển theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm, nghĩa là cung cấp đồng bộ nhiều loại dịch vụ tài chính, thay vì tập trung vào chuyên môn hóa thì có thể phát triển thành trung tâm đa dạng hóa địa phương (như Lisbon, Atlanta, Helsinki), rồi chuyển dần lên cạnh tranh với các trung tâm khu vực (như Bangkok, Madrid, Stockholm). Cuối cùng là nhóm đa dạng hóa toàn cầu như London, New York, Paris, Tokyo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn chỉ ra rằng Việt Nam không nhất thiết phải lựa chọn chỉ phát triển chuyên sâu hay theo chiều rộng, đồng nghĩa không cứng nhắc xác định chỉ có thể phát triển trung tâm tài chính chuyên môn khu vực hay trung tâm tài chính toàn diện khu vực. Thay vào đó, Việt Nam có thể phối hợp linh hoạt để tận dụng các cơ hội. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang là một trung tâm tài chính chuyên môn khu vực.

Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, ngay cả khi lựa chọn phát triển thành trung tâm tài chính toàn diện, Việt Nam vẫn có thể học tập mô hình trung tâm chuyên môn của Dubai để đẩy nhanh phát triển dịch vụ về fintech, cụ thể là hai mảng AI/Machine Learning (học máy) và tài sản số. Ông cho rằng việc phát triển theo mô hình trung tâm chuyên môn sẽ tận dụng được các lợi thế của Việt Nam như khả năng đào tạo, tiếp cận và áp dụng AI/Machine Learning (học máy).

Do đó, tùy vào điều kiện địa lý, doanh nghiệp địa phương, khả năng thu hút các loại hình doanh nghiệp và tổ chức tài chính nước ngoài và nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có thể có những lựa chọn khác nhau, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn khuyến nghị. Ông cũng lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần tránh "dẫm chân lên nhau" trong việc lựa chọn lĩnh vực phát triển chuyên sâu. Ví dụ, chỉ một trong hai thành phố chọn fintech là lĩnh vực chuyên sâu. Tương tự khi nói đến hướng phát triển theo trí tuệ nhân tạo (AI).

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn dẫn lời ông Axel Weber, Chủ tịch UBS và cựu chủ tịch Bundesbank tại Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng toàn cầu năm 2020, nhấn mạnh sở dĩ các trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu châu Âu như Frankfurt, Paris không thể phát triển bằng London là do bị “phân mảnh quy định”, khiến tất cả các bên tham gia cuộc chơi có tổng bằng 0, bên này thắng thì bên khác ắt thua, cho rằng đây là bài học cần ghi nhớ.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn nhân lực, một trong 5 nhân tố đầu vào quan trọng để phát triển thành công một trung tâm tài chính. Theo Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFC), 5 nhân tố đầu vào này gồm môi trường kinh doanh (bao gồm ổn định chính trị, vĩ mô và luật pháp rõ ràng, có tính thực thi cao); vốn nhân lực; hạ tầng; phát triển thị trường tài chính; và thương hiệu/danh tiếng (gồm cả yếu tố văn hóa tổ chức, đổi mới sáng tạo).

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn lưu ý trong khi hầu các thảo luận tập trung vào pháp lý, mô hình kinh doanh, thể chế và hạ tầng, vốn nhân lực luôn được nhắc tới, song dường như chỉ ở dạng “đính kèm” bất chấp vai trò quan trọng nguồn nhân lực trong các khâu vận hành, phản hồi chính sách và đổi mới sáng tạo./.

Minh Hợp

Tin cùng chuyên mục

Diễn đàn kết nối thương mại và du lịch Nhật Bản - Thái Lan -Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 15/3, tại tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan đã diễn ra Diễn đàn kết nối thương mại, du lịch Việt Nam – Thái Lan - Nhật Bản. Đây là hoạt động đầu tiên do hai Tổng Lãnh sự quán của Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) và tại Khon Kaen (Thái Lan) phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hội đoàn người Việt và cộng đồng doanh nhân người Việt tại Nhật Bản và Thái Lan tổ chức. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo tỉnh Udon Thani cùng đông đảo cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan và Nhật Bản.

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài cuối: Động lực bứt phá mạnh mẽ

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ vùng đất bom đạn trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ dấu ấn kiên cường trong kháng chiến đến những bước phát triển thần tốc trong thời kỳ đổi mới, Bình Dương không ngừng khẳng định vị thế của mình bằng tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và khát vọng bứt phá, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mô hình phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài 2: Vẹn nguyên ký ức hào hùng đoàn quân giải phóng

Tháng 4/1975, cả nước sục sôi khí thế Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân. Chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn quyết định, từng cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn, siết chặt vòng vây. Tại Bình Dương, chiến trường nóng bỏng với những trận đánh mang tính bước ngoặt. Những đoàn quân giải phóng ào ạt tiến ra mặt trận, bẻ gãy từng cứ điểm phòng ngự của địch, mở đường cho quân ta tiến công đến đâu, giải phóng đến đó. Trên khắp các ngả đường, khí thế cách mạng dâng trào, quân và dân Bình Dương đồng lòng nổi dậy, viết nên những trang sử hào hùng trong ngày toàn thắng.

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài 1: Mắt xích lịch sử mùa Xuân 1975

Năm mươi năm đã qua, Chiến thắng Dầu Tiếng vẫn vang vọng như một bản hùng ca, mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trận đánh này không chỉ phá vỡ mắt xích, chọc thủng tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn mà còn tạo bước ngoặt chiến lược, góp phần đưa mặt trận kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Hôm nay, trở lại Dầu Tiếng - mảnh đất anh hùng năm xưa, giữa những tán cao su mùa thay lá, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của những người đã đi qua thời khắc lịch sử. Những góc phố, con đường vẫn lưu giữ ký ức một thời lửa đạn, về một Dầu Tiếng không chỉ là địa danh mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí quật cường.

Xã hội hóa giúp xóa nhà tạm, dột nát

Các công trình nhà ở được hỗ trợ đều phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng gia đình, địa phương; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, có khu vực để ở, nấu ăn, vệ sinh riêng và “3 cứng”.