Phó Giáo sư Đại học Cambridge: Việt Nam có nền tảng phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Việt Nam có nền tảng và cơ hội để xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế. Đây là đánh giá của Phó Giáo sư (PGS) chuyên ngành tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bằng, Trường quản lý kinh doanh Judge Business School, Đại học Cambridge.

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh, PGS Nguyễn Đăng Bằng cho biết mặc dù quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện tại chưa lớn, nhưng nếu duy trì được đà tăng trưởng tốt như hiện nay, việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam là tất yếu khách quan khi quy mô nền kinh tế phát triển.

Theo PGS Nguyễn Đăng Bằng, với mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế không chỉ phục vụ nhu cầu về vốn và những yêu cầu tài chính của Việt Nam mà còn phục vụ thế giới, Việt Nam có những nền tảng để thực hiện mục tiêu này.

Thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế rất mở, hiện nay được coi là một trong 5 nền kinh tế mở nhất trên thế giới, với chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là hơn 1,5 lần. Nền kinh tế mở kéo theo giao thương tài chính mở, là cơ sở và điều kiện tốt để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở châu Á, giữa Đông Nam Á và Đông Á, nơi có tốc độ phát triển kinh tế lớn nhất thế giới. PGS Nguyễn Đăng Bằng cho rằng đây là thuận lợi lớn khi Việt Nam nằm ở một trung tâm năng động, với nhu cầu về tài chính và dịch vụ tài chính rất lớn và phần lớn những sản phẩm và dịch vụ của một thị trường tài chính quốc tế hiện đã có ở khu vực.

Tiếp đến, Việt Nam là một nước tương đối lớn, có hơn 100 triệu dân với dân số trẻ và có một thị trường nội địa quan trọng. Theo PGS Nguyễn Đăng Bằng, đây là nền tảng tốt và là một lợi thế so với một số trung tâm tài chính hiện nay ở khu vực, ví dụ như Singapore, trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất châu Á, một quốc gia nhỏ chỉ khoảng 6 triệu dân và diện tích tương đương đảo Phú Quốc.

Cuối cùng, Việt Nam có lợi thế địa chính trị trong khu vực để phát triển trung tâm tài chính quốc tế mà không phải quốc gia nào cũng có. PGS Nguyễn Đăng Bằng chỉ ra rằng một số quốc gia có rủi ro địa chính trị ở khu vực khó có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế hoặc những người sở hữu nhiều tài sản.

PGS Nguyễn Đăng Bằng lưu ý, mặc dù có những nền tảng tốt, nhưng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam cũng có nhiều thách thức lớn. PGS Nguyễn Đăng Bằng chỉ ra những điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế mà Việt Nam hiện còn thiếu hoặc còn yếu và sẽ phải đầu tư để đáp ứng những điều kiện này.

Theo PGS Nguyễn Đăng Bằng, điều kiện đầu tiên là nền tảng luật pháp điều chỉnh hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế, một trong những nền tảng phức tạp nhất mà không nhiều nước trên thế giới làm được. Ông cho biết một trong những tài sản lớn nhất của Anh, khiến London trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, là hệ thống luật pháp nghìn năm tuổi của nước này, với tính ổn định rất cao đồng thời có độ mở rất cao, giúp bảo vệ mạnh mẽ, hiệu quả tài sản của nhà đầu tư và trừng phạt những vi phạm pháp luật trên thị trường tài chính quốc tế London.

Theo PGS Nguyễn Đăng Bằng, chức năng lớn nhất của cơ quan quản lý thị trường tài chính quốc tế là làm luật và thực hiện luật để điều tiết, thay vì cản trở, hoạt động của thị trường. Ông nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam hầu như không có các chuyên gia trong lĩnh vực này và cũng chưa có kinh nghiệm để điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, ngay từ bây giờ Việt Nam phải chuẩn bị nền tảng pháp lý sẵn sàng khi thị trường tài chính đi vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu khi chưa kịp đào tạo và tổ chức thị trường, sẽ buộc phải thuê chuyên gia dù chi phí cao.

Điều kiện thứ hai là đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ để phục vụ hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế. Nguồn nhân lực này phải có sức cạnh tranh toàn cầu trong ngành tài chính, gồm 3 trụ cột: tài chính; công nghệ gắn với tài chính, gồm ngành khoa học máy tính và khoa học dữ liệu và nguồn nhân lực.

PGS Nguyễn Đăng Bằng cho rằng đảm bảo nguồn nhân lực tài chính là thách thức rất lớn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức đào tạo bài bản, khoa học để đảm bảo đầu ra là những nhân sự có năng lực cạnh tranh quốc tế. Theo ông, muốn xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam ít nhất phải đạt mức như Singapore, với 3 trường đại học hàng đầu nước này đều có mặt trong danh sách 50 khoa tài chính tốt nhất thế giới, và top 8 khoa tài chính tốt nhất châu Á.

Điều kiện tiếp theo là đảm bảo hạ tầng phần cứng. PGS Nguyễn Đăng Bằng cho rằng Việt Nam đang làm nhanh, thậm chí tốt hơn nhiều nước, về phát triển hạ tầng phần cứng như đường truyền Internet, kết nối giao thông, kết nối sân bay… Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hạ tầng phần cứng phải bao gồm trường học và bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, bởi một trung tâm tài chính phục vụ khách hàng quốc tế phải đảm bảo tốt những hạ tầng cơ bản như y tế, giáo dục.

PGS Nguyễn Đăng Bằng cũng nhấn mạnh, muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam phải có khả năng thu hút nhân tài thế giới. Ngoài việc có nhân sự bản địa tốt, có năng lực cạnh tranh, một trung tâm tài chính quốc tế phải thu hút được nhân tài thế giới trong ngành tài chính, các chủ doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech), chủ ngân hàng và nhà đầu tư đến Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là một trung tâm tài chính.

PGS Nguyễn Đăng Bằng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế trong việc thu hút nhân tài và các nhà đầu tư quốc tế, với sức hấp dẫn về văn hóa, lịch sử lâu đời và đời sống xã hội phong phú, so với Singapore, đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở khu vực về phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Ông cho rằng môi trường sống góp phần quan trọng trong quyết định chọn nơi sinh sống và làm việc của các nhà đầu tư./.

Minh Hợp-Phong Hà-Hữu Tiến

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài cuối: Động lực bứt phá mạnh mẽ

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ vùng đất bom đạn trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ dấu ấn kiên cường trong kháng chiến đến những bước phát triển thần tốc trong thời kỳ đổi mới, Bình Dương không ngừng khẳng định vị thế của mình bằng tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và khát vọng bứt phá, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mô hình phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài 2: Vẹn nguyên ký ức hào hùng đoàn quân giải phóng

Tháng 4/1975, cả nước sục sôi khí thế Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân. Chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn quyết định, từng cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn, siết chặt vòng vây. Tại Bình Dương, chiến trường nóng bỏng với những trận đánh mang tính bước ngoặt. Những đoàn quân giải phóng ào ạt tiến ra mặt trận, bẻ gãy từng cứ điểm phòng ngự của địch, mở đường cho quân ta tiến công đến đâu, giải phóng đến đó. Trên khắp các ngả đường, khí thế cách mạng dâng trào, quân và dân Bình Dương đồng lòng nổi dậy, viết nên những trang sử hào hùng trong ngày toàn thắng.

Bình Dương - Từ đất lửa đến khát vọng vươn xa - Bài 1: Mắt xích lịch sử mùa Xuân 1975

Năm mươi năm đã qua, Chiến thắng Dầu Tiếng vẫn vang vọng như một bản hùng ca, mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trận đánh này không chỉ phá vỡ mắt xích, chọc thủng tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn mà còn tạo bước ngoặt chiến lược, góp phần đưa mặt trận kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Hôm nay, trở lại Dầu Tiếng - mảnh đất anh hùng năm xưa, giữa những tán cao su mùa thay lá, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của những người đã đi qua thời khắc lịch sử. Những góc phố, con đường vẫn lưu giữ ký ức một thời lửa đạn, về một Dầu Tiếng không chỉ là địa danh mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí quật cường.

Xã hội hóa giúp xóa nhà tạm, dột nát

Các công trình nhà ở được hỗ trợ đều phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng gia đình, địa phương; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, có khu vực để ở, nấu ăn, vệ sinh riêng và “3 cứng”.

Tục lệ đẹp về tinh thần trọng thọ, đạo lý báo hiếu

Lễ Trương Yến từ lâu đã trở thành ngày hội, nét đẹp văn hóa, được nhân dân duy trì và phát triển, không chỉ thể hiện đạo lý kính lão mà còn là cách để người dân Hành Thiện giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo và sự tự hào về quê hương, dân tộc.