Tục lệ đẹp về tinh thần trọng thọ, đạo lý báo hiếu
Lễ Trương Yến từ lâu đã trở thành ngày hội, nét đẹp văn hóa, được nhân dân duy trì và phát triển, không chỉ thể hiện đạo lý kính lão mà còn là cách để người dân Hành Thiện giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo và sự tự hào về quê hương, dân tộc.
Đoàn rước các cụ làm Trương Yến lên chùa Keo Hành Thiện hành lễ.
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường không chỉ nổi tiếng là ngôi làng hiếu học của tỉnh Nam Định mà còn là nơi đang lưu giữ tục tổ chức lễ Trương Yến, nét đẹp văn hóa được người dân giữ gìn và thực hiện, thể hiện tinh thần trọng thọ, đạo lý báo hiếu đối với bậc sinh thành.

Tục lệ đẹp của làng Hành Thiện

Cứ 3 năm một lần, vào đầu tháng 2 âm lịch các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, người dân làng Hành Thiện lại náo nức chuẩn bị lễ Trương Yến (Yến lão) cho các cụ ông, cụ bà từ 70 tuổi trở lên trong làng.

Cụ Nguyễn Văn Bảo, 88 tuổi, ở Xóm 10 cho biết, người Hành Thiện không biết lễ Trương Yến có từ khi nào. Các cụ được nghe người xưa kể lại, rằng thời phong kiến, làng có nhiều người học giỏi tham gia thi cử. Vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi sẽ diễn ra kỳ thi Hội, thi Đình. Những người đỗ đạt được vua đãi yến tiệc. Trên cỗ thường có món yến sào, là món ăn bổ dưỡng và quý nhất ngày ấy. Nhớ công cha mẹ dưỡng dục, những người này thường mang món yến về làm quà dâng bậc sinh thành, tỏ lòng hiếu kính. Họ trở về đến quê cũng vào dịp đầu tháng 2 âm lịch năm sau. Người làng truyền bảo nhau và dần hình thành tục lệ này.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, khi xưa cuộc sống khó khăn, những nhà có người được thọ là có phúc. Dân làng cứ 3 năm một lần tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ. Những gia đình khá giả trên cỗ dâng thường có món yến sào nên tục lệ còn có tên gọi là Yến lão.

Theo quy định khi xưa của làng, người nào từ 60 tuổi trở lên sẽ được dòng họ mời dự yến, từ 70 tuổi trở lên làng xã tổ chức lễ Trương Yến. Làng quy định, trong ngày Trương Yến, màu sắc khăn áo cho các cụ theo thứ tự: Từ 70 đến 79 tuổi mặc áo, đội khăn vải đỏ; từ 80 đến 89 tuổi, mặc áo và thắt khăn lụa đỏ; từ 90 tuổi trở lên mặc áo và đội khăn nhiễu đỏ; trên 100 tuổi mặc áo lụa vàng…

Các cụ làm lễ ở chùa Keo Hành Thiện.
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Nếu tính chu kỳ 10 năm thì 3 năm đầu được gọi là trương đầu. Những người làm trương đầu (thường là 70, 71, 72, 80, 81, 82 tuổi...) phải chuẩn bị kỹ càng về khăn áo. Trước khi làm Trương Yến, gia đình đưa các cụ đi may áo dài, sau đó mang khăn áo lên chùa Keo (chùa Thần Quang) trình, báo cáo, xin phép được làm Trương Yến. Đối với các cụ đã qua trương đầu, những năm sau gọi là nhuộm lại, không phải trình khăn áo.

Vào ngày đại lễ (thường là ngày 14/2 âm lịch), con cháu rước các cụ từ nhà ra miếu Tam giáp sau đó là lễ Phật, lễ Thánh ở chùa Keo ngoài và chùa Keo trong (chùa Thần Quang). Lễ rước được tổ chức long trọng như ngày hội lớn. Theo lời kể của các cụ trong làng, xưa kia, nhà cụ nào có điều kiện thì dùng kiệu, dùng võng, nhà nào nghèo khó thì con cháu cõng lên chùa để dự lễ yến. Đi cùng đoàn rước là đội nhạc trống, đàn sáo tấu các làn điệu lưu thủy. Khi đoàn rước về đến chùa, mọi người dâng lễ lên thần, Phật và nghe văn chúc thọ. Sau khi tiệc Yến lão kết thúc, các lão ông, lão bà được làng biếu lộc mang về chia cho con cháu cùng hưởng. Lộc ở đây thường là bánh giày gửi gắm lời chúc mọi sự tròn đầy, viên mãn.

Giáo dục đạo đức cho con cháu

Lễ Trương Yến năm nay, làng Hành Thiện có hơn 960 cụ được thọ (bao gồm cả các cụ nhuộm lại) trong đó có hơn 180 cặp song toàn (cả cụ ông và cụ bà được thọ), trên 260 cụ được Trương Yến lần đầu, 3 cụ đại thọ (trên 100 tuổi).

Cụ Nguyễn Thị Hợi, xóm 4, làng Hành Thiện là cụ cao tuổi nhất (103 tuổi) dự lễ Trương Yến
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Từ những ngày đầu tháng 2 âm lịch, những con đường làng Hành Thiện trở nên tấp nập và huyên náo. Trên từng ngả đường, không khó để tìm thấy những gia đình có cụ được dự Trương Yến bởi ngay từ ngoài cổng, các gia đình đã dán chữ thọ màu đỏ và dựng khung rạp để tổ chức Trương Yến cho ông bà, cha mẹ.

Ông Đặng Hồng Mạnh, ở Xóm 10, làng Hành Thiện cho biết, năm nay là năm đầu tiên gia đình ông làm lễ Trương Yến cho 2 anh chị của ông. Để làm lễ, gia đình đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Con cháu trong nhà ở xa cũng thu xếp công việc để trở về mừng thọ các bác, các cụ.

Ông Mạnh chia sẻ, trước kia kinh tế khó khăn, số cụ được dự Trương Yến trong làng không nhiều; có cụ được dự 1, 2 lần rồi "khuất núi", có cụ dâng khăn áo xong còn chưa kịp mặc 1 lần. Điều đó càng làm cho mỗi người ý thức hơn về sự gắn bó với nhau trong cuộc sống. Với ông, được chuẩn bị áo the, khăn xếp đưa các cụ lên chùa làm lễ là cái phúc của gia đình. Đây cũng là dịp để gia đình bảo ban con cháu về lòng hiếu thuận, kính trên, nhường dưới, gìn giữ những nét đẹp, bản sắc quê hương trong thời đại mới.

Các cụ dự lễ Trương Yến năm Ất Tỵ - 2025 làng Hành Thiện.
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Với các cụ lần đầu được tham dự lễ Trương Yến, niềm vui luôn ngập tràn trong ánh mắt. Cụ Nguyễn Văn Luân, 71 tuổi, xóm Chùa Ngoài tâm sự, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của cuộc sống, do đó được dự lễ Trương Yến của làng là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ bởi mình đạt tuổi thọ mà còn bởi thấy được sự hiếu thuận của con cháu, nhận thức được sự tôn trọng của cộng đồng, xã hội dành cho người cao tuổi. Từ đó, các cụ có thêm động lực để sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục bảo ban con cháu, cống hiến cho quê hương khi còn có thể.

Chúc thọ, mừng thọ nơi đâu cũng có với những cách thức khác nhau nhưng với người Hành Thiện thì “Giời cho nhà ngói ba tòa - Chẳng bằng cho được yến ca một lần”. Lễ Trương Yến từ lâu đã trở thành ngày hội, một nét đẹp văn hóa được nhân dân duy trì và phát triển không chỉ thể hiện đạo lý kính lão mà còn là cách để người dân nơi đây giáo dục con cháu, thế hệ trẻ trong làng về lòng hiếu thảo và sự tự hào về quê hương, dân tộc./.

Tin liên quan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.

Những dấu ấn nổi bật trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân

Một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của ngành y tế là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, mang lại cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân, tạo được nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội. Trải qua 70 năm xây dựng, lao động, cống hiến và trưởng thành (27/2/1955 - 27/2/2025), ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn về chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng từ khoảng 60 tuổi (giai đoạn 1975-1980) lên mức trung bình 74,5 tuổi hiện nay. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt hơn 94% dân số, góp phần bảo đảm mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí hợp lý. Người dân được khám chữa bệnh với dịch vụ, kỹ thuật y học hiện đại không thua kém các nước phát triển như: Ghép tạng, phẫu thuật bằng robot, áp dụng chữa bệnh công nghệ tế bào gốc…

Tin cùng chuyên mục

Cựu Bộ trưởng Công thương Ấn Độ: Việt Nam là hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chứng kiến những biến động trước nguy cơ áp thuế từ chính quyền Mỹ, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn cựu Bộ trưởng Công thương Ấn Độ, ông Suresh Prabhu để có thêm thông tin tư vấn giúp các quốc gia đang chịu áp lực bởi những biến động trên.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Hoa Ban năm 2025

Lễ hội Hoa Ban 2025 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII diễn ra từ ngày 13 - 16/3/2025, tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Đặc biệt, Lễ hội Hoa Ban năm 2025, sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Điện Biên, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, ghi dấu ấn với nhiều hoạt động điểm nhấn, nhiều điểm mới như: Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban; diễu hành đường phố; không gian văn hóa, ẩm thực vùng cao; thi đẩy xe đạp thồ, tải đạn; trình diễn Show thực cảnh và giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu, trò chơi dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái “Huyền tích U Va”…

12 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (tính đến 12/3/2025)

Ngày 12/3/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore (từ ngày 11 đến 13/3/2025) của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp quan hệ Việt Nam - Singapore lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Tính đến ngày 12/3/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024), New Zealand (2/2025), Indonesia (10/3/2025) và Singapore (12/3/2025).

VietJet Air công bố đường bay thẳng Singapore - Phú Quốc

Nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 11-13/3/2025, chiều ngày 11/3/2025, Vietjet công bố mở đường bay thẳng Singapore - Phú Quốc và ký kết thỏa thuận tài trợ mua tàu bay trị giá 300 triệu USD với Carlyle Aviation Partners. Sự kiện tại Singapore đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác Việt Nam - Singapore, tăng cường kết nối và phát triển bền vững giữa hai quốc gia.  

Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025”

Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025” (AISC 2025) được tổ chức với chủ đề “Kiến tạo tương lai: Kết nối AI và công nghệ bán dẫn toàn cầu” diễn ra từ ngày 12 - 16/3/2025 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng về sự kết hợp giữa AI và bán dẫn, mang đến cơ hội tiếp cận những thông tin mới nhất và khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo toàn cầu.  

Thực phẩm Việt Nam thu hút sự quan tâm trên thị trường Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/3, Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Foodex Japan 2025 khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Tokyo Big Sight, Nhật Bản. Đây là một trong những sự kiện thương mại thường niên quốc tế, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp thực phẩm đồ uống trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.