Thực phẩm Việt Nam thu hút sự quan tâm trên thị trường Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/3, Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Foodex Japan 2025 khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Tokyo Big Sight, Nhật Bản. Đây là một trong những sự kiện thương mại thường niên quốc tế, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp thực phẩm đồ uống trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với ngành sản xuất kinh doanh, thực phẩm và đồ uống tại thị trường Nhật Bản, Hội chợ Foodex Japan là cơ hội để quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản. Foodex Japan 2025 có sự tham gia các doanh nghiệp đến từ 68 nước và vùng lãnh thổ với trên 3.144 gian hàng có tổng diện tích trưng bày gần 30.000 m2.

Trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổ chức đoàn gồm 27 doanh nghiệp tham gia Khu gian hàng Việt Nam tại Foodex Japan 2025.

Chủ đề của Khu gian hàng Việt Nam gửi tới khách hàng tham quan là: Những nhà chế biến thực phẩm hàng đầu từ Việt Nam – “FOODS OF VIỆT NAM”. Khu gian hàng Việt Nam có diện tích 210 m2 gồm các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh sang thị trường Nhật Bản như rau củ quả, trái cây chế biến – đóng hộp, hạt điều, hồ tiêu, quế hồi, gia vị chấm, gạo và các sản phẩm từ gạo, các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo các loại như cacao, kẹo chocolate... Đây là các sản phẩm được được Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Khu gian hàng được thiết kế đặc sắc, với nhiều gam màu kết hợp hình ảnh sản phẩm đặc trưng Việt Nam, đem đến sự khác biệt và nổi bật tại hội chợ. Các doanh nghiệp lựa chọn kỹ lưỡng sản phẩm, trưng bày đẹp mắt, đồng thời mời khách nếm thử món ăn ngay tại Hội chợ nhằm thu hút khách đến tham quan giao dịch tại gian hàng.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Yến, cho biết Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức lựa chọn được 27 đơn vị, doanh nghiệp là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp đến tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm thế mạnh. Theo bà Nguyễn Thị Yến, những doanh nghiệp tham gia Foodex Japan 2025 là những đơn vị đã có sự hiện diện nhất định tại thị trường Nhật Bản, nên mục tiêu năm nay là giữ vững thị trường Nhật Bản, đồng thời phát triển và mở rộng hơn nữa thị trường Nhật Bản cũng như các thị trường quốc tế khác. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh thông qua Foodex Japan 2025, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập, khai thác thị trường Nhật Bản từ đó gia tăng xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản vào thị trường này.

Các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan tới tìm hiểu các sản phẩm của Việt Nam. Nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận về triển vọng hợp tác làm ăn đã được khởi nguồn và tiến hành ngay tại hội chợ.

Trong số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia có những tên tuổi lớn trong ngành kinh doanh thực phẩm, đồ uống như Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Masan, Vinamilk… với các thương hiệu quen thuộc như rau củ quả chế biến, đóng hộp; nước hoa quả đóng hộp; mì ăn liền Omachi; tương ớt Chinsu; sữa Ngôi sao Phương Nam…

Điều thú vị là bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam, tại hội chợ Foodex Japan lần này, các sản phẩm gia vị như nước mắm và thức ăn nhanh như mì ăn liền của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm và đón nhận của các doanh nghiệp thực phẩm và người tiêu dùng Nhật Bản.

Bà Toshihiko Matsushita, chủ một doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản cho biết thường sử dụng nước mắm của Việt Nam cho các món ăn như lẩu, rau xào và mì xào vì nước mắm có hương vị gần giống với một loại nước chấm của tỉnh Niigata mà bà rất thích. Bên cạnh đó, các loại mì Việt Nam, trong đó đặc biệt là phở cũng rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Bà cho rằng người Nhật Bản vốn có văn hóa ăn mì vì vậy các loại mì Việt Nam có thể dễ dàng kết hợp với phong cách ẩm thực Nhật Bản để tạo ra những món ngon đặc trưng.

Đề cập đến triển vọng mì ăn liền Việt Nam trở nên phổ biến tại Nhật Bản, ông Masae Okamoto, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Nhật Bản cho rằng đây là một điều hoàn toàn có thể. Theo ông Okamoto, vì số lượng hộ gia đình mà cả vợ và chồng cùng đi làm đang tăng lên cũng như giới trẻ Nhật Bản không thích công việc bếp núc, vì vậy mì ăn liền là một loại thực phẩm phù hợp với lối sống của người Nhật. Ông cho rằng mì ăn liền Việt Nam hoàn toàn có cơ hội được nhiều người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng vì có đặc trưng riêng. Ông nêu lên một đặc trưng của mì ăn liền Việt Nam là vị cay mà mì ăn liền Nhật Bản không có và cho rằng đó là một trong những ưu điểm giúp mì ăn liền Việt Nam được ưa chuộng.

Hội chợ Foodex Japan 2025, diễn ra từ ngày 11-14/3, dự kiến sẽ thu hút khoảng 76.000 khách đến tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng./.

Nguyễn Tuyến – Phạm Tuân

Tin cùng chuyên mục

Nhiều doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển giao thương với Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc mới đây tại các địa phương của tỉnh Hérault thuộc vùng Occitanie ở miền Nam nước Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ với gần 20 doanh nghiệp đang làm ăn, hoặc có ý định phát triển giao thương với Việt Nam.

Tầm nhìn chiến lược cho quan hệ Việt Nam-Singapore

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức, Việt Nam đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới với sự chủ động rất cao trong tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong đó Singapore là một điển hình. Trao đổi với phóng viên TTXVN Singapore, Giáo sư Vũ Minh Khương, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh cả Việt Nam và Singapore đều có những tiềm năng to lớn để đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Nâng tầm quan hệ Việt Nam – Singapore: Phát triển AI làm trụ cột hợp tác khoa học công nghệ

Trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Singapore, các chuyên gia, học giả tại địa bàn sôi nổi “hiến kế” để thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia giữa hai nước, đưa KHCN trở thành động lực phát triển mới để mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nữ bác sĩ tận tâm chữa bệnh, cứu người

Khoa Tuyến vú do bác sĩ Chí phụ trách liên tiếp nhận được những lá thư bày tỏ lòng biết ơn từ bệnh nhân và người nhà. Những lá thư ấy là sự trân trọng đối với chuyên môn, sự tận tâm, tận tụy của bác sĩ đối với người bệnh.

2 tháng năm 2025: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 35,5%

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,90 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024.  

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” diễn ra từ ngày 9-13/3/2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn và ấn tượng. Lễ hội là sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); đồng thời là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”.