Nhiều doanh nghiệp Pháp mong muốn phát triển giao thương với Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc mới đây tại các địa phương của tỉnh Hérault thuộc vùng Occitanie ở miền Nam nước Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ với gần 20 doanh nghiệp đang làm ăn, hoặc có ý định phát triển giao thương với Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phát biểu tại buổi gặp mặt diễn ra ở lâu đài Les Carrasses, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự quan tâm của các doanh nghiệp địa phương đối với Việt Nam, được thể hiện bằng sự hiện diện của đông đảo doanh nhân tại sự kiện này. Đại sứ cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững và hiệu quả. Với nỗ lực hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Nhờ thỏa thuận này, Pháp đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của châu Âu về thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng hoan nghênh các doanh nghiệp địa phương đã đến Việt Nam để mua các sản phẩm, thiết bị và vật liệu đầu tư cho dự án khách sạn của mình, chào đón các doanh nghiệp trong ngành sản xuất rượu vang và chế biến hải sản của địa phương sang Việt Nam tìm kiếm đối tác phát triển quan hệ thương mại. Bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện và lâu dài giữa Việt Nam và vùng này của Pháp, dựa trên nền tảng bền vững của tình hữu nghị và lợi ích chung của cả hai bên, Đại sứ mời các doanh nghiệp và đại diện địa phương đến thăm Việt Nam để gặp gỡ người dân, giao lưu với doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế, nhằm hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đại sứ cho rằng với bề dày nửa thế kỷ quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước, với việc nâng cấp mối quan hệ Việt-Pháp này lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024, triển vọng hợp tác song phương trong tương lai là rất to lớn, đặc biệt là với sự tham gia của đông đảo các tác nhân chính quyền và cộng đồng ở các địa phương.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, phần lớn doanh nghiệp địa phương bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam và mong muốn phát triển quan hệ làm ăn tại Việt Nam. Ông bà Karl và Anita O’Hanlon sở hữu một nhóm nhỏ khách sạn ở miền Nam nước Pháp cho biết họ đã hợp tác với các nhà sản xuất đồ nội thất và gốm sứ ở Thành phố Hồ Chí Minh từ 6-7 năm qua. Ấn tượng bởi vẻ đẹp hoàn hảo, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý của các sản phẩm thủ công của Việt Nam được trưng bày tại một triển lãm đồ nội thất quốc tế Cologne, doanh nghiệp này đã đến Thành phố Hồ Chí Minh, gặp các đối tác, tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất bàn, ghế, đồ nội thất khách sạn và đồ gốm sứ ở nơi này. Ông Karl O’Hanlon chia sẻ: "Các doanh nghiệp này có truyền thống sản xuất đồ nội thất lâu đời, với những sản phẩm ngoại hạng. Và vì vậy, từ 6-7 năm nay, chúng tôi đã nhập nhiều container đồ trang trí nội thất cho khách sạn của chúng tôi. Chúng tôi vừa mới đến đặt hàng ở Việt Nam cách đây 2-3 tuần, và quan hệ làm ăn này sẽ còn tiếp tục". Trong khi đó, bà Anita O’Hanlon bày tỏ: "Chúng tôi và cả các con tôi đều thích châu Á và Việt Nam. Tôi thấy đất nước các bạn rất trẻ trung, năng động và rất sống động. Các bạn có ý thức đổi mới, có nhiều đam mê, nhiều đức tính đáng yêu và có một tinh thần tích cực, không ngại khó và có thể làm mọi thứ. Chúng tôi rất thích điều đó".

Trồng nho và sản xuất rượu vang là một trong những thế mạnh của vùng Occitanie, và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã bày tỏ mong muốn mang sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng Việt Nam. Tự hào về truyền thống sản xuất rượu vang của gia đình từ 6 đời nay, ông Thomas Bonfils cho biết gia đình ông sở hữu 1.700 héc-ta vườn nho ở vùng Languedoc-Roussillon, sản xuất khoảng 10 triệu chai rượu mỗi năm. Một nửa trong số đó được phân phối ở Pháp, một nửa được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, có mặt ở trên khắp châu Âu, ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, và cả châu Á, trong đó đứng đầu là Trung Quốc.

Phụ trách việc phát triển thị trường quốc tế, ông Quentin Bonfils cho biết mặc dù đã có nền tảng khá vững chắc trên thị trường Pháp và châu Âu, tập đoàn mong muốn mở rộng thị trường châu Á, và Việt Nam là điểm đến trong thời gian tới. Với mong muốn gặp gỡ các nhà nhập khẩu và phân phối, có nhu cầu cùng làm ăn để thiết lập quan hệ đối tác theo cách bền vững nhất có thể, gia đình ông Bonfils đang có các cuộc tiếp xúc và trao đổi với một số nhà phân phối đến từ Việt Nam mà họ đã có cơ hội gặp gỡ tại Hội chợ rượu vang vừa qua ở Paris. Ông Quentin Bonfils coi buổi gặp gỡ Đại sứ và phái đoàn Việt Nam là cơ hội tốt để tìm hiểu thị trường Việt Nam. Ông bày tỏ: "Tôi biết người Việt Nam cũng thích rượu vang. Các bạn đã biết đến vang Bordeaux và Bourgogne. Giờ đây chúng tôi muốn đưa thương hiệu Languedoc lên bản đồ rượu vang ở Việt Nam".

Có cùng tham vọng như gia đình ông Bonfils, đại diện gia đình De Bertier nổi tiếng với nghề trồng nho và sản xuất rượu vang từ hơn 5 thế kỷ, ông Clément De Bertier cho biết các sản phẩm rượu vang của gia đình được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, cả ở châu Âu và Mỹ. Ông bày tỏ: "Chúng tôi muốn xuất khẩu và phát triển thương mại với Việt Nam bởi vì chúng tôi biết đất nước của các bạn rất ưa chuộng sản phẩm Pháp và cũng tiêu thụ nhiều rượu vang Pháp. Việt Nam là một quốc gia có quan hệ rất tốt với Pháp. Tôi rất vui khi hôm nay bạn đến vùng của chúng tôi. Và tôi sẽ vui hơn, khi có thể thực hiện được mong muốn của mình, đó là phát triển giao thương với đất nước xinh đẹp của bạn mà tôi rất muốn có dịp để đến thăm".

Là Tổng giám đốc Tập đoàn Barba chuyên về chế biến hải sản đông lạnh, ông Hervé Barba cũng bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ làm ăn với Việt Nam. Ông nhận định: "Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rất nhiều hải sản, trong khi chúng tôi lại có những sản phẩm chất lượng cao. Do đó, chúng tôi có thể giới thiệu tới người tiêu dùng của các bạn một loạt sản phẩm hải sản của Địa Trung Hải". Về mặt nguyên liệu, ông cho biết tập đoàn Barba nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, và nhiều nước sản xuất, đánh bắt cá ở Thái Bình Dương, cũng như ở Ấn Độ Dương. Ông cho rằng hai bên có thể tìm thấy lợi ích trong việc thiết lập nguồn cung ứng từ Việt Nam, nơi có đường bờ biển lớn và có nhiều tiềm năng đánh bắt hải sản. Ông bày tỏ: "Chúng tôi có thể mua một số nguyên liệu thô mà chúng tôi hiện đang cần để chế biến, cụ thể là cá ngừ, cá kiếm và các loài hải sản thân mềm. Các loài hải sản khác có mặt ở Việt Nam cũng có thể hấp dẫn thị trường Pháp và châu Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm kiếm các cơ hội làm ăn và nếu thuận lợi thì chúng tôi có thể nghiên cứu đến việc xây dựng một chi nhánh của Barba tại Việt Nam".

Là một trong số ít những người Việt Nam tại Pháp sinh sống và lập nghiệp thành công ở mảnh đất ven biển này, ông Jean Lê là thành viên Hội đồng quản trị của mạng lưới chủ doanh nghiệp Pháp (MEDEF) tại Béziers và là Phó chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Béziers. Ông cũng là người kết nối giữa lãnh đạo và doanh nghiệp địa phương với đoàn công tác trong chuyến thăm và làm việc này, nhằm “tạo ra cơ hội giao lưu và hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương với Việt Nam”. Ông Jean Lê giải thích: “Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp của chúng tôi, và cả người dân Pháp ngay từ bây giờ nên hướng về Việt Nam. Tại sao? Bởi vì đó là một thị trường mới, rất năng động, là một quốc gia có 100 triệu dân, nhiều người trẻ, có kỹ năng về nghề thủ công truyền thống. Không phải chờ đến 5 năm nữa, mà là ngay bây giờ đã phải tăng cường quan hệ và tiếp tục trong tương lai. Đó cũng là lý do tôi đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp tới gặp gỡ Đại sứ và đoàn công tác Việt Nam tại Pháp".

Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng các Tham tán thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ của Việt Nam đã trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp về cơ hội đầu tư, môi trường làm ăn ở Việt Nam cũng như đề cập đến những lĩnh vực mà hai bên có triển vọng cùng đi tới. Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp, các doanh nghiệp tại Béziers nhìn nhận Việt Nam như một đối tác tiềm năng dài hạn với nhiều cơ hội hợp tác hai chiều, không chỉ là thị trường để xuất khẩu mà còn là đối tác để cùng phát triển trong nhiều lĩnh vực. Đây là tín hiệu tốt và cuộc gặp gỡ sẽ là tiền đề cho những bước tiến mới trong tương lai./.

Nguyễn Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Tầm nhìn chiến lược cho quan hệ Việt Nam-Singapore

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức, Việt Nam đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới với sự chủ động rất cao trong tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong đó Singapore là một điển hình. Trao đổi với phóng viên TTXVN Singapore, Giáo sư Vũ Minh Khương, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh cả Việt Nam và Singapore đều có những tiềm năng to lớn để đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Nâng tầm quan hệ Việt Nam – Singapore: Phát triển AI làm trụ cột hợp tác khoa học công nghệ

Trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Singapore, các chuyên gia, học giả tại địa bàn sôi nổi “hiến kế” để thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia giữa hai nước, đưa KHCN trở thành động lực phát triển mới để mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nữ bác sĩ tận tâm chữa bệnh, cứu người

Khoa Tuyến vú do bác sĩ Chí phụ trách liên tiếp nhận được những lá thư bày tỏ lòng biết ơn từ bệnh nhân và người nhà. Những lá thư ấy là sự trân trọng đối với chuyên môn, sự tận tâm, tận tụy của bác sĩ đối với người bệnh.

2 tháng năm 2025: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 35,5%

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,90 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024.  

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” diễn ra từ ngày 9-13/3/2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn và ấn tượng. Lễ hội là sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); đồng thời là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”.  

PGS.TS Nguyễn Minh Tân và PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 được trao cho 2 nhà khoa học nữ là PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội và PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, đóng góp quan trọng góp phần vào sự phát triển của đơn vị, của ngành, nhiều kết quả nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tiễn, chuyển giao công nghệ hàng tỉ đồng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.  

Vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước

Với hơn 50,1% dân số, 46,8% tỷ trọng lực lượng lao động trung bình của cả nước, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên bằng tài năng, trí tuệ và trách nhiệm, các tầng lớp phụ nữ khẳng định vai trò to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.