Ông Đoàn Hùng Vũ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến tháng 3/2025, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của tỉnh đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý được số hóa, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.
Đồng Tháp đã hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Nông nghiệp đồng bộ các cấp; xây dựng 7 làng thông minh, 7 hội quán ứng dụng internet vạn vật vào sản xuất; có 15% đến 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử; 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử…
![]() |
Cánh đồng ở xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). |
Ảnh: Nhựt An - TTXVN |
Đây là kết quả từ việc các cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2022-2025, đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, nhờ đó tạo được sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số nông nghiệp. Kết quả thực hiện Đề án đến nay đạt 12/12 chỉ tiêu.
Nổi bật có “số hóa” Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, là điển hình ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã này cho biết, để thực hiện mục tiêu số trong nông nghiệp, đơn vị từng bước đưa công nghệ vào sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành. Hợp tác xã đang quản lý gần 1.200 ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm của Hợp tác xã làm ra như: lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn QR code để minh bạch trong sản xuất, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Hợp tác xã sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm... Nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã cao gấp nhiều lần so với trước đây. Hợp tác xã còn đầu tư mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh để tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy.
Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười có 570 ha lúa áp dụng một trạm giám sát sâu rầy thông minh. Theo anh Sơn Hoàng Phương, nhân viên kỹ thuật của Công ty RYNAN-TECNOLOGIES tại Trạm giám sát sâu rầy thông minh xã Mỹ Đông cho biết, Trạm giám sát sâu rầy thông minh có tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS. Nhờ ứng dụng bẫy đèn thông minh, dự báo sâu bệnh giúp Hợp tác xã thực hiện quản lý sâu rầy bằng mạng lưới giám sát thông minh, người dân có thể theo dõi tình hình sâu hại trên đồng ruộng qua điện thoại, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ.
Để chuyển đối số trên lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả. Toàn tỉnh đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước, 15 trạm giám sát côn trùng sử dụng internet vạn vật trong việc tự động thu thập dữ liệu, phục vụ cảnh báo, dự báo các bất lợi do thiên nhiên và dịch bệnh gây ra để kịp thời ứng phó; duy trì vận hành 28 phần mềm/Cơ sở dử liệu; trong đó có 19 phần mềm do các đơn vị thuộc trung ương triển khai, 9 phần mềm do ngành Nông nghiệp, các đơn vị thuộc UBND tỉnh triển khai.
Việc sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của tỉnh. Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp được duy trì ổn định với 15 biểu mẫu báo cáo thuộc các lĩnh vực quản lý về trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thủy sản, phát triển nông thôn, kiểm lâm.../.