Tại hội nghị, sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế trình bày dự thảo các đề án, Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ đã thảo luận sôi nổi về các căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn; sự cần thiết, lý do và các nội dung chính của về “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục, đào tạo” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035”.
Kết luận hội nghị, nhất trí xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về hai nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ; lập Tổ công tác tiếp tục rà soát các Nghị quyết, kết luận, Chỉ thị, chương trình, đề án của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Trong đó, đánh giá tổng thể các kết quả đạt được; những mặt chưa đạt được, còn hạn chế; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong tình hình hiện nay và thời gian tới; đặc biệt là theo các chỉ đạo mới của Tổng bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ khẩn trương hoàn thiện xây dựng các đề án và hồ sơ, văn bản, tài liệu trình xin Bộ Chính trị đảm bảo ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt phải có chương trình, dự án cụ thể, mục tiêu cụ thể, lộ trình cụ thể, sát thực tiễn, có tính khả thi và hiệu quả cao để làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Thủ tướng chỉ đạo đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục, đào tạo” phải nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; dạy và học lý thuyết phải gắn với thực hành; xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, có phẩm chất, năng lực, ý thức công dân, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, có tính chất đòn bẩy, điểm tựa để phát triển giáo dục, đào tạo phù hợp với tình hình. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế; phát triển đội ngũ giáo viên; kiên cố hoá, từng bước hiện đại hoá trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Thủ tướng chỉ đạo đề xuất huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong phát triển giáo dục, đào tạo; tổ chức dạy tiếng Việt và giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện các chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các lĩnh vực ưu tiên, chuyên sâu; nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho người học; xây dựng các mô hình phù hợp với từng vùng, miền, khu vực…
Đối với “Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giải quyết được các thách thức đối với ngành y tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân và nâng cao chất lượng dân số.
Trong đó, lưu ý vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, công nghệ, nguồn nhân lực y tế; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động y tế dự phòng, y tế cơ sở phù hợp trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở hiện nay; đảm bảo mỗi người dân được khám bệnh, chăm sóc sức khoẻ thường xuyên, bảo vệ, sóc sức khoẻ người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, nhất là đối với trẻ em, người cao tuổi...
Nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu phải đưa ra các mục tiêu cụ thể như mỗi người dân được khám bệnh bao nhiêu lần/năm; thời gian nào thì hạn chế, đẩy lùi và giải quyết được những loại dịch bệnh gì, ở mức độ nào; thời gian nào thì giảm tỷ lệ bao nhiêu người mắc, tử vong do các bệnh nan y…, Thủ tướng chỉ rõ, trong năm 2025 phải đưa được 1.000 bác sĩ xuống cơ sở để tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân./.