Đột phá theo Nghị quyết 57: Thể chế hóa động lực mới cho phát triển
Nghị quyết 57 là động lực thể chế quan trọng góp phần tháo gỡ nút thắt về năng suất, chất lượng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và từng bước định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Cùng với những nỗ lực đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đi vào cuộc sống của các cơ quan Trung ương, nhiều địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã có những bước triển khai mạnh mẽ để Nghị quyết 57 thực sự là giải pháp chiến lược trong kỷ nguyên phát triển của đất nước.

* Bước tiến về thể chế, chính sách

Quốc hội thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, 5 luật liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được thông qua giúp luật hoá Nghị quyết 57. Đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi); Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm với điểm nhấn là lần đầu tiên đưa cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát” (sandbox) vào luật. Các điều khoản từ Điều 20 đến 23 của Luật đã cung cấp cơ sở pháp lý để các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ tài chính, y tế số... có thể được thử nghiệm trong một khung giám sát chặt chẽ. Khác với sandbox riêng lẻ trước đây, lần này Luật đặt ra cơ chế chung, quy chiếu đa ngành, làm nền tảng cho các sandbox chuyên ngành.

Nếu doanh nghiệp tham gia sandbox đã tuân thủ đúng quy trình mà kết quả không như mong đợi, họ có thể được miễn trách nhiệm hành chính, dân sự, hoặc hình sự (khoản 2, 3 Điều 22). Đây là cách tiếp cận “hậu kiểm thay tiền kiểm” rất đúng với đặc thù của đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 10/2025/TT-BKHCN ngày 1/7/2025 hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ cấp tỉnh, xã, trong đó quy định rõ vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong quản lý, hướng dẫn thử nghiệm sandbox, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ... Cấp xã cũng có Phòng Văn hóa - Xã hội hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển tổ công nghệ số cộng đồng.

* Bước đi cụ thể từ các cơ sở và đơn vị nghiên cứu

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Ảnh: TTXVN

Từ những nội dung tại Nghị quyết 57, nhiều đơn vị nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ đã chuyển đổi thành các hoạt động triển khai hiệu quả.

Tại Trường Đại học Cửu Long, trụ sở tại tỉnh Vĩnh Long, ngôi trường ngoài công lập đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được tổ chức nhằm tạo không gian đối thoại giữa các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và khởi động chương trình hành động thực tiễn.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt đề nghị, thời gian tới, Trường Đại học Cửu Long chủ động tiếp cận tư duy mới về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực mà phải trở thành trung tâm đề xuất giải pháp phát triển cho địa phương, vùng và quốc gia. Nhà trường cũng cần đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, linh hoạt, gắn kết trách nhiệm với kết quả nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy, quản lý và khoa học, công nghệ.

Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Minh Cừ cho biết, trường đã chủ động bố trí 3-5 tỷ đồng mỗi năm cho nghiên cứu, tổ chức 3-5 hội thảo khoa học, triển khai 78 đề tài cơ sở, 149 đề tài sinh viên, 164 giáo trình. Trường xác định xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tế, hướng tới trở thành đại học đổi mới sáng tạo.

Tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ban Chỉ đạo về Khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thành lập, cùng lúc với việc xây dựng Đề án số hóa thư viện, thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của Viện. Hiện đã có hơn 200 đề xuất nghiên cứu độc lập cấp Bộ về 4 Nghị quyết lớn (còn được gọi là bộ tứ trụ cột gồm: gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân) được đề xuất, vượt xa kế hoạch 2025-2026.

Các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập cũng đã nhanh chóng có những đề xuất phù hợp bối cảnh. Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững đã đề xuất công nhận vai trò kiến tạo hệ sinh thái, tạo cơ chế mở cho liên minh giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp, địa phương, linh hoạt tài chính và đặt hàng công. Cùng với đó, các tổ chức cần tăng năng lực quản trị, chuyển đổi cơ chế, xây dựng mô hình kinh doanh khoa học và công nghệ bền vững.

* Vai trò hạt nhân

Sau 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực hàng đầu cả nước với gần 60 trường đại học, trong đó Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm thực hành hiện đại cho sinh viên trong và ngoài nước nghiên cứu, học tập phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. 
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Là đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng triển khai Nghị quyết 57 gắn với Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó xác định sẽ xây dựng Chiến lược đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của địa phương, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Để thực hiện liên kết “ba nhà”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị hình thành và vận hành mô hình “trục tam giác chiến lược” kết nối thông qua các chương trình đặt hàng nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu doanh nghiệp - địa phương; thúc đẩy mô hình spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn) từ đại học, trung tâm nghiên cứu thành các doanh nghiệp công nghệ có sức cạnh tranh toàn cầu

Ngay cuối tháng 6, Thành phố đã ra mắt tổ chức công lập đầu tiên tham gia Đề án xây dựng Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE): Trung tâm INOMAR - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các chủ đề nghiên cứu của INOMAR phù hợp với các công nghệ chiến lược trong Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng.

Đề án CoE cho phép Trung tâm tiếp cận chính sách ưu đãi cho nhân lực chất lượng cao: Lương tới 120 triệu đồng/tháng, hỗ trợ phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu trung - dài hạn. Mục tiêu đến 2045, Thành phố sẽ có 5 trung tâm nghiên cứu tầm cỡ khu vực và thế giới.

Với vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tái cấu trúc chương trình đào tạo tích hợp công nghệ - kinh doanh - quản trị; đào tạo theo đơn đặt hàng; nâng cao kỹ năng số và nghiên cứu phát triển (R&D); xây dựng chương trình liên ngành phục vụ công nghệ lõi như AI, bán dẫn, y sinh, kinh tế số, kinh tế xanh và vật liệu mới.

Xác định hợp tác với các doanh nghiệp là một phần quan trọng triển khai Nghị quyết 57, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn như Becamex IDC, Công ty VNG, Coteccons… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch điện tử - bán dẫn, công nghiệp 4.0; hỗ trợ nghiên cứu và ươm mầm, thương mại hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành Xây dựng…

Nghị quyết 57 đã và đang mở ra một hướng đi chiến lược cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là động lực thể chế quan trọng, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia chủ động, kiến tạo thị trường công nghệ hiện đại, góp phần tháo gỡ nút thắt về năng suất, chất lượng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và từng bước định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 7,63 tỷ USD

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố sáng 5/7, trong tháng 6/2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 5/2025 và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản trong đô thị

Thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự thay đổi đáng kể về thói quen tiêu dùng. Người mua, đặc biệt là người trẻ và các hộ kinh doanh cá thể, có xu hướng tìm kiếm sản phẩm có thể kết hợp giữa ở, làm việc và kinh doanh, thay vì chỉ là nơi ở đơn thuần.