Nền tảng thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW - Bài 2: Xây dựng các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ
UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Đào tạo nhân lực công nghệ cao đến năm 2035, tầm nhìn 2045.
Ảnh: TTXVN phát

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, phải phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đi cụ thể, với nền tảng là các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

* Hình thành trung tâm nghiên cứu tầm thế giới

Sáng 27/6 vừa qua, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Quốc hội thông qua, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; phát triển kết nối hạ tầng giữa viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Luật cũng quy định đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được, Thành phố đang định hướng phát triển mạnh hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ; hình thành các trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ thống hỗ trợ tài chính, dịch vụ, thị trường và hạ tầng. Thành phố thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ lớn đến đầu tư tại Thành phố.

Cùng với đào tạo nhân lực chất lượng cao, việc đầu tư cho hạ tầng khoa học công nghệ phải đặc biệt chú trọng, qua đó, đáp ứng nhu cầu của nhà khoa học trong nghiên cứu. Cuối tháng 6 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố tổ chức công lập đầu tiên tham gia Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE). Đó là Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố.

Các hướng nghiên cứu INOMAR đang triển khai là thiết kế và chế tạo các vật liệu khung hữu cơ - kim loại, xốp chức năng, bán dẫn, cảm biến sinh học, nano dẫn truyền thuốc trúng đích, lưu trữ năng lượng, mô phỏng vật liệu AI... Theo Giáo sư Phan Bách Thắng, Giám đốc INOMAR, các chủ đề nghiên cứu của INOMAR phù hợp trực tiếp với các công nghệ và sản phẩm chiến lược quốc gia được xác định tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ hội để INOMAR nâng cấp toàn diện năng lực nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế, thương mại hóa kết quả và đào tạo thế hệ nghiên cứu trẻ chất lượng cao.

“Chúng tôi đã xây dựng INOMAR là một trung tâm nghiên cứu “mở” sẵn sàng chia sẻ nguồn lực với trong và ngoài hệ thống thông qua mô hình nhân sự kiêm nhiệm, phòng thí nghiệm liên kết… lấy chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo và tiến độ triển khai, hoàn thành công việc là thước đo của sự hợp tác”, Giáo sư Phan Bách Thắng chia sẻ.

Đề án CoE được UBND Thành phố ban hành cuối năm 2023 như một hành lang thể chế mới, tạo đột phá trong cơ chế tài chính, nhân lực và quản trị nghiên cứu. Tổ chức tham gia sẽ được tiếp cận gói chính sách ưu đãi chưa từng có tiền lệ - từ thu nhập lên đến 120 triệu đồng/tháng cho lãnh đạo, đến hỗ trợ toàn diện về đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và chương trình nghiên cứu trung - dài hạn. Đây là bước khởi đầu cho mục tiêu đến năm 2045, Thành phố hình thành 5 trung tâm nghiên cứu tầm cỡ khu vực và thế giới.

Thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng phòng thí nghiệm mở và phát triển hạ tầng số.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển các trung tâm CoE được xác định là một công cụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực nội sinh, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế tri thức và khả năng hội nhập toàn cầu. Mô hình CoE sẽ là điểm tựa cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt hệ sinh thái trí thức của địa phương.

*Cơ chế vượt trội

Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố những năm qua cho thấy, những rào cản, tồn tại cần tháo gỡ là sự thiếu hụt cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt, số lượng công bố quốc tế còn khiêm tốn, nguồn lực đầu tư hạn chế, đặc biệt là thiếu các chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Thực tế, nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng.

Theo Vụ Học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện học sinh, sinh viên có xu hướng lựa chọn các ngành kinh tế - dịch vụ, ít quan tâm tới ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ, dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu nhân lực. Đề án đào tạo nhân lực công nghệ cao đến năm 2035, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu tỷ lệ người học các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) đạt 40% vào năm 2035. Những năm gần đây, dù số sinh viên STEM tăng hơn 10% mỗi năm nhưng nhóm này chỉ chiếm khoảng 27-29% tổng sinh viên đại học cả nước, thấp so với các nước phát triển.

Trên thực tế, việc học các ngành khoa học cơ bản và công nghệ chiến lược đòi hỏi người học có nền tảng tốt, quá trình học dài, học phí cao, cơ hội việc làm ban đầu chưa rõ ràng nên khó thu hút người học nếu không có chính sách hỗ trợ hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số càng cần có chính sách thu hút mạnh mẽ hơn để khuyến khích người học chọn các ngành STEM.

Là một trong những cơ sở hàng đầu về đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có số sinh viên STEM chiếm đa số và mỗi năm tuyển hơn 7.000 sinh viên. Để tăng mạnh lượng thí sinh theo học ngành kỹ thuật, nhà trường có chính sách học bổng đa dạng như, năm 2024 dành hơn 60 tỷ đồng cấp học bổng cho sinh viên. Trường còn áp dụng cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh trúng tuyển có tổng điểm cao; cấp học bổng cho sinh viên nữ vào học các ngành kỹ thuật; học bổng tài năng, học bổng do doanh nghiệp tài trợ…

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố cho biết, chi phí đào tạo các ngành STEM thường cao hơn do yêu cầu phòng thí nghiệm, thực hành, dự án... Trong đó, chương trình học theo dự án còn có thể tạo áp lực tài chính cho sinh viên. Vì vậy, học bổng và hỗ trợ học phí trở thành đòn bẩy quan trọng giúp sinh viên yên tâm theo học các ngành này.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Nhà nước và các trường cần tăng tỷ trọng ngân sách dành cho học bổng, miễn giảm học phí ở các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt, công nghệ chiến lược. Để nâng cao hiệu quả lâu dài của chính sách, học bổng nên được lồng ghép với các chương trình cố vấn học tập và hướng nghiệp; xây dựng cơ chế để sinh viên được chính sách hỗ trợ tài chính gắn bó với lĩnh vực này sau khi khi tốt nghiệp…

Từ nhu cầu thực tiễn và yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 57-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chính sách học bổng quốc gia cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Trong đó, nhiều chính sách như xét cấp học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành thuộc những lĩnh vực nêu trên đang được Bộ xây dựng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương mạnh dạn đề xuất và được phê duyệt cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; bao gồm các chính sách ưu đãi về lương, phúc lợi cho lãnh đạo khoa học công nghệ công lập; hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; cơ chế thu hút nhân tài.

Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, UBND Thành phố định hướng xây dựng chiến lược 5 năm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM/STEAM, thu hút học sinh giỏi theo học; xây dựng và triển khai chính sách phát hiện, bồi dưỡng tài năng STEM/STEAM từ sớm, quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên.

Thành phố tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học - y tế, công nghệ vật liệu mới, chuyển đổi số ngành Công thương - Logistics - Tài chính - Giáo dục; đồng thời thúc đẩy hình thành các trung tâm công nghệ liên ngành và cụm nghiên cứu - đổi mới sáng tạo chuyên sâu, có khả năng giải quyết bài toán thực tiễn của Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, xác định việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Thành phố tập trung hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực đột phá cho phát triển.

Nhiều mô hình sẽ được Thành phố ưu tiên thí điểm như: Quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách; cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hỗ trợ phòng thí nghiệm mở; thu hút nguồn lực xã hội... Những định hướng này là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và hiện đại, đóng vai trò đầu tàu cả nước trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.


Tin liên quan

Thanh niên hăng hái đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định rõ vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc

Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông (Trung Quốc) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) cùng một số đơn vị, nhà lưu niệm và bảo tàng của Trung Quốc đang cùng phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề “Đường cách mạng - Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025 và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025).

Tin cùng chuyên mục

Tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc

Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông (Trung Quốc) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) cùng một số đơn vị, nhà lưu niệm và bảo tàng của Trung Quốc đang cùng phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề “Đường cách mạng - Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025 và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025).

Thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân”

Chiều 2/7, dự Hội nghị Quân chính toàn quân đánh giá tình hình công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 do Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, quân đội đã thực hiện tốt chức năng, thực sự là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất.

Tình quân dân nơi biên giới

Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu (Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Nai) không chỉ là lá chắn vững chắc nơi phên dậu Tổ quốc, mà còn là điểm tựa nghĩa tình giúp nhiều hộ đồng bào biên giới xã Hưng Phước phát triển kinh tế.

Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 1/7, tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915–2025). Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo các thời kỳ, cùng đại diện gia đình và quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh.