Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với kịch bản tăng tốc để về đích 65 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp và môi trường đã nỗ lực đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu cả năm 65 tỷ USD, ngành sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong nửa cuối năm.
Những quả vải thiều Hải Dương đầu tiên của mùa vụ 2025 đã lên kệ siêu thị ở Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN

Năm 2025 tiếp tục là một năm nhiều biến động với bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu phức tạp, nhất là sự điều chỉnh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ ngay từ đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp và môi trường đã nỗ lực đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu cả năm 65 tỷ USD, ngành sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong nửa cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lên kịch bản và đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho các quý còn lại của năm 2025 như: quý III đạt từ 14 - 15 tỷ USD; quý IV tăng tốc xuất khẩu, tận dụng cơ hội nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng dịp cuối năm dương lịch, lễ, Tết để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt đạt 16 tỷ USD trở lên.

*Tập trung vào những mặt hàng có dư địa tăng trưởng

Các mặt hàng như cà phê, chè, hồ tiêu hạt điều, cao su và sản phẩm chăn nuôi… tiếp tục được kỳ vọng giữ đà xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào mục tiêu 65 tỷ USD.

Ngành hàng cà phê ghi nhận kết quả bứt phá ngay trong nửa đầu năm với kim ngạch ước đạt 5,5 tỷ USD, tương đương kế hoạch đề ra cho cả năm. Mặc dù sản lượng cà phê Việt Nam chủ yếu tập trung vào vụ thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, khiến nguồn cung trong nửa cuối năm hạn chế hơn, tuy nhiên ngành vẫn có thể đạt mốc 7,5 tỷ USD vào cuối năm, tăng tới 36,9% so với năm 2024.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cà phê Việt Nam tiếp tục khai thác các cơ hội thương mại mới, đặc biệt từ việc Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tăng cường hợp tác tại châu Á và Trung Đông. Cùng với đó là chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ cà phê robusta lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Trong dài hạn, khu vực Đông Bắc Á được đánh giá là thị trường trọng điểm có thể bù đắp cho sự suy giảm nếu thị phần tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích.

Ngành hàng điều đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD, tăng nhẹ 2,7% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc duy trì các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và điều chỉnh chiến lược xuất khẩu hướng đến các thị trường có nhu cầu cao nhưng hiện tại thị phần còn thấp như khu vực Trung Đông – đặc biệt là UAE và Ả Rập Xê Út.

Thị trường EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hạt điều Việt Nam và đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không đơn giản do các quy định chặt chẽ về sản phẩm phải được sản xuất bền vững, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và không làm mất rừng trong quá trình canh tác. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cao su là một trong những ngành hàng chủ lực với kế hoạch xuất khẩu năm 2025 khoảng 3,3 tỷ USD, dù giảm nhẹ 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường truyền thống gặp khó, ngành cần đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc – những nơi có nhu cầu tiêu thụ đang tăng mạnh nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, ngành cũng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Brazil, Nhật Bản, Đức, Malaysia… - những quốc gia có xu hướng nhập khẩu tốt trong thời gian qua. Đặc biệt, cần cải tiến khâu chế biến, nâng cao chất lượng để mở rộng xuất khẩu sang các phân khúc trung và cao cấp phục vụ ngành thời trang, nội thất tại EU. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đạt các chứng nhận quốc tế như FSC là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Sản phẩm chăn nuôi hiện được xem là nhóm hàng còn nhiều dư địa phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường đã chính thức mở cửa. Một số sản phẩm đã có mặt tại các thị trường có yêu cầu cao như thịt gà chế biến vào Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc); thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh vào Hong Kong; trứng và các sản phẩm từ trứng gia cầm xuất sang: Singapore; Nhật Bản; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc).

Để mở rộng thị phần, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường dễ tính, có thể đáp ứng ngay các quy định và yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thêm một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Singapore cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như thịt, trứng gia cầm và thịt lợn.

*Ứng phó với những ngành hàng suy giảm

Bên cạnh những ngành hàng đang có tín hiệu tăng trưởng tích cực, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận diện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp khó khăn và chịu sức ép lớn, đặc biệt từ các chính sách thuế tại thị trường Hoa Kỳ – đối tác thương mại lớn hiện nay.

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng chịu áp lực lớn nhất từ thuế suất tại thị trường Hoa Kỳ do chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao. Kế hoạch năm 2025, ngành đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 18,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2024. Trong số đó, 6 tháng đầu năm là 8,4 tỷ USD và 6 tháng cuối năm khoảng 10,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, với thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, sự mất cân đối giữa kim ngạch và thuế suất đã khiến hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh, khách hàng có xu hướng tìm nguồn cung từ các quốc gia khác. Để ứng phó, ngành phát huy lợi thế sản phẩm đa dạng, chi phí hợp lý, năng lực sản xuất và tuân thủ tốt tiêu chuẩn gỗ hợp pháp. Đồng thời, các doanh nghiệp nên tiếp tục duy trì những dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường Hoa Kỳ.

Một giải pháp quan trọng khác là góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương bằng cách tăng nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ. Điều này không chỉ giảm thâm hụt mà còn hỗ trợ đảm bảo yếu tố truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm.

Ngoài ra, ngành đẩy mạnh mở rộng thị trường sang Trung Quốc (đối với dăm gỗ, ván bóc, gỗ xẻ, ván ghép...), Nhật Bản, EU, Australia, Canada và Trung Đông – nơi đang có nhiều dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, xem xét chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường nội địa và điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất kinh doanh theo biến động thị trường.

Thủy sản là nhóm hàng tiếp theo chịu tác động lớn từ các chính sách thuế và hàng rào kỹ thuật tại Hoa Kỳ – thị trường chiếm 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mục tiêu năm 2025, ngành thủy sản đặt kỳ vọng đạt 10,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước. Dự báo 6 tháng đầu năm đạt 5,1 tỷ USD nên 6 tháng cuối năm cần đạt 5,4 tỷ USD.

Tại Hoa Kỳ, thủy sản Việt Nam chịu tác động lớn từ thuế đối ứng so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Ecuador. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng suy giảm, nhất là với các mặt hàng như tôm và cá hồi. Đồng thời, quy định ngày càng siết chặt về truy xuất nguồn gốc và bảo vệ động vật biển cũng tạo thêm rào cản.

Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định cần chú trọng thúc đẩy xuất khẩu cá tra – sản phẩm có nhiều lợi thế so sánh. Song song với đó là rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA) của Hoa Kỳ.

Ngoài Hoa Kỳ, thủy sản Việt Nam cần duy trì thị phần tại Trung Quốc với mặt hàng tươi sống; mở rộng xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng vào EU; đẩy mạnh giao thương với Nhật Bản (đặc biệt là cá ngừ), Hàn Quốc và mở rộng tìm kiếm bạn hàng tại thị trường Trung Đông.

Mặt hàng gạo tuy không chịu áp lực lớn từ thuế suất Hoa Kỳ do thị phần nhỏ, nhưng lại đối mặt với khó khăn khác như cung vượt cầu và giá xuất khẩu thấp. Các quốc gia nhập khẩu chính hiện đang chờ giá giảm trước khi gia tăng mua vào. Theo kế hoạch, năm 2025 ngành gạo đặt mục tiêu đạt 5,7 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so với năm 2024. Tuy nhiên, với tình hình xuất khẩu nửa đầu năm 2025, ước tính kim ngạch có thể chỉ đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,4%.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định cần duy trì vững chắc các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Malaysia. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường và nguồn nguyên liệu nhằm giảm áp lực về giá và rào cản thuế.

Một hướng đi triển vọng là chuyển mạnh sang thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đặc biệt với các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, mì, nui. Ngoài ra, cần cải thiện chi phí logistics để mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE – nơi có nhu cầu cao đối với gạo trắng và gạo thơm.

Ngành hàng rau quả cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc – vốn chiếm tỷ trọng lớn. Các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối và mít đều ghi nhận kim ngạch giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2025. Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu rau quả năm nay là 7,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với 2024. Tuy nhiên, theo tình hình xuất khẩu nửa đầu năm 2025, kim ngạch có thể chỉ đạt khoảng 6,6 tỷ USD, tức giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trước nguy cơ này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực duy trì và phát triển các thị trường lớn có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc. Việc ưu tiên các thị trường có tiêu chuẩn cao sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển dài hạn.

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới và trong nước còn tiềm ẩn nhiều thách thức và cơ hội đan xen, ngành nông nghiệp và môi trường tiếp tục kiên định định hướng phát triển theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến nhằm gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn chính sách và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển theo ngành hàng (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp), chủ động điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu.

Công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc được siết chặt nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, mở rộng hiện diện tại EU, Nhật Bản, đồng thời tiếp tục đàm phán mở cửa cho các nhóm hàng chủ lực như trái cây, sản phẩm chăn nuôi – những mặt hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết./.

Tin liên quan

Vải thiều Việt Nam mùa 2025 "cập bến" thị trường Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 2/6, những trái vải thiều tươi đầu tiên của mùa vụ 2025 từ Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Pháp, mở ra triển vọng mới cho ngành xuất khẩu nông sản nước nhà trên con đường chinh phục các thị trường khó tính.

Tin cùng chuyên mục

Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 1/7, tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915–2025). Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo các thời kỳ, cùng đại diện gia đình và quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Từ 1/7, bán hàng online sẽ được sàn thương mại điện tử hỗ trợ nộp thuế

Từ ngày 1/7/2025, theo quy định tại Nghị định 117/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân. các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop... sẽ chính thức thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với người bán hàng qua nền tảng của mình.

Đúng 6 giờ sáng ngày 1/7, các chùa trên toàn quốc cử chuông, trống cầu quốc thái dân an

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, vào lúc 6 giờ ngày 1/7/2025, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trên cả nước đã đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.

Lễ công bố thành lập TP. Hồ Chí Minh mới

Sáng 30/6, cùng với cả nước, Thành uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, các xã, phường, đặc khu. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Đoàn kết bước vào chương mới của đất nước

Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử: Ngày 1/7/2025 - thời điểm chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc. Một hành trình khép lại và một chương mới về quản trị quốc gia được mở ra để phù hợp với sứ mệnh và khát vọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.