Từ ngày 1/7 nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dừng bán
Logo của Manulife tại một toà nhà. Ảnh: manulife.com.vn

Cụ thể, từ ngày 1/7/2025, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ dừng triển khai hàng loạt sản phẩm chính và bổ trợ theo quy định của Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ thời điểm này chỉ được phép bao gồm hai quyền lợi rủi ro: tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Các quyền lợi bổ sung trước đây như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, viện phí... không còn được phép tích hợp vào dòng sản phẩm này sau khi Nghị định có hiệu lực đầy đủ.

Do đó, sau ngày 1/7/2025 (sau thời hạn “2 năm chuyển tiếp” kể từ khi nghị định này bắt đầu có hiệu lực một phần), tất cả các sản phẩm không đáp ứng quy định mới bắt buộc phải ngừng triển khai và bảo vệ quyền lợi mới.

Theo thông báo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, hàng loạt sản phẩm sẽ dừng triển khai kể từ 1/7. Chẳng hạn, AIA Việt Nam thông báo sẽ ngừng bán 16 sản phẩm, trong đó có Trọn Vẹn Cân Bằng, An Phúc Trọn Đời Ưu Việt; Chubb Life Việt Nam công bố dừng 56 sản phẩm thuộc nhiều nhóm bảo hiểm chính và bổ trợ; Manulife Việt Nam dừng triển khai các sản phẩm như Món Quà Tương Lai, Khởi Đầu Hạnh Phúc, An Tâm Vui Sống; Generali Việt Nam sẽ không tiếp tục phát hành các sản phẩm như VITA – Sống Lạc Quan, VITA – Sống Tự Tin, VITA – Cho Con… sau ngày 30/6/2025.

Đáng chú ý, các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nộp trước ngày 1/7 nhưng chưa hoàn tất thẩm định hoặc chưa phát hành hợp đồng cũng sẽ không được tiếp tục xử lý. Trong khi đó, các hợp đồng bảo hiểm đã được phát hành và có hiệu lực trước ngày 1/7/2025 sẽ không bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp bảo hiểm khẳng định tiếp tục đảm bảo đầy đủ quyền lợi như cam kết ban đầu.

Chubb Life cam kết đối với các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết và đang có hiệu lực sẽ tiếp tục được thực hiện đầy đủ các quyền lợi như đã cam kết, tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật. Bên cạnh đó. khách hàng vẫn có thể yêu cầu bổ sung quyền lợi bảo hiểm gia tăng, thay đổi mệnh giá bảo hiểm, khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm, … nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Tuy nhiên, việc ngừng bán đồng loạt nhiều sản phẩm cũng khiến không ít khách hàng lo lắng. Chị Lê Thị Huệ (Thanh Hóa), người đã tham gia hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ năm 2019, chia sẻ, mua bảo hiểm không chỉ để đề phòng rủi ro tử vong mà còn kỳ vọng quyền lợi hỗ trợ viện phí, bệnh hiểm nghèo. Giờ nghe nói các quyền lợi đó không còn tích hợp vào hợp đồng chính nữa, cảm thấy thiệt thòi cho những người mua sau.

Chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) bày tỏ, nếu tách riêng thành sản phẩm bổ trợ thì khách hàng lại phải đóng thêm phí. Trước đây chỉ cần mua một gói, giờ phải tính toán kỹ hơn, chưa kể quyền lợi sẽ bị giới hạn.Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ra mắt các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo đúng tinh thần của Nghị định 46 nhằm phù hợp quy định mới, đồng thời giữ nguyên quyền lợi cho các hợp đồng đã phát hành.

Đại diện một công ty bảo hiểm lớn cho biết, xu hướng sắp tới sẽ là phát triển các sản phẩm bảo hiểm tinh gọn, minh bạch, linh hoạt và dễ hiểu hơn. Việc tách riêng quyền lợi rủi ro theo từng sản phẩm cụ thể giúp người mua bảo hiểm chủ động lựa chọn, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp về sau.

Theo quy định của Nghị định 46, Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định và phê duyệt các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm cập nhật thông tin lên hệ thống dữ liệu quốc gia về kinh doanh bảo hiểm, góp phần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường hiệu quả hơn.

Các chuyên trong ngành bảo hiểm cho rằng, việc ngừng triển khai hàng loạt sản phẩm bảo hiểm không chỉ là một động thái pháp lý, mà còn là bước tái cấu trúc quan trọng của toàn ngành. Trong giai đoạn chuyển đổi này, người tiêu dùng được khuyến nghị tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm và hoàn tất giao kết hợp đồng sớm nếu có nhu cầu, nhằm đảm bảo quyền lợi được duy trì trọn vẹn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Đúng 6 giờ sáng ngày 1/7, các chùa trên toàn quốc cử chuông, trống cầu quốc thái dân an

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, vào lúc 6 giờ ngày 1/7/2025, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trên cả nước đã đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.

Lễ công bố thành lập TP. Hồ Chí Minh mới

Sáng 30/6, cùng với cả nước, Thành uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, các xã, phường, đặc khu. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Đoàn kết bước vào chương mới của đất nước

Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử: Ngày 1/7/2025 - thời điểm chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc. Một hành trình khép lại và một chương mới về quản trị quốc gia được mở ra để phù hợp với sứ mệnh và khát vọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Lan tỏa niềm vui an cư

Sau 6 tháng triển khai khẩn trương, quyết liệt, đến nay tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành toàn bộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.

Dầu ăn “bẩn” - trách nhiệm không thể “trôi” theo dầu

Liên quan đến vụ việc triệt phá một đường dây chế biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành cho người với số lượng đã tiêu thụ lên tới hàng chục nghìn tấn tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, người tiêu dùng không khỏi bất an khi hàng chục nghìn tấn dầu ăn dành cho vật nuôi có thể trót lọt vào chuỗi thực phẩm cho người mà không bị phát hiện trong nhiều năm.