Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” |
Với tiết kiệm sức lao động, Bác cho rằng: “một người làm bằng hai, ba người”. Với tiết kiệm thời gian, Bác nhấn mạnh: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Với tiết kiệm lời nói, Bác nhấn mạnh: “nói ít, làm nhiều”, “bắt đầu bằng hành động”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là”.
Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm vấn đề thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài THỰC HÀNH TIẾT KIỆM viết ngày 1/6/2025 đã nhấn mạnh: “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những giải pháp căn cơ nhất để đất nước vượt qua mọi bão giông...”. Câu nói ấy vừa hàm chứa tính cấp bách, vừa chỉ rõ tầm nhìn lâu dài.
Tổng Bí thư đề nghị xây dựng văn hóa tiết kiệm; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Điều đó cho thấy, tiết kiệm không phải là một khái niệm trừu tượng, càng không chỉ giới hạn trong sổ sách tài chính hay báo cáo quản lý ngân sách. Tiết kiệm, theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư đề cập, là một hành vi văn hóa - nghĩa là nó phải xuất phát từ nhận thức, ăn sâu vào thói quen, và trở thành một phần của nếp sống cá nhân, gia đình, tổ chức và cộng đồng.
Việc Tổng Bí thư đề xuất nghiên cứu phát động và duy trì thường niên “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” để thúc đẩy, lan tỏa phong trào toàn xã hội nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm là một sáng kiến có ý nghĩa rất lớn về mặt tư tưởng, văn hóa và xã hội.
Tiết kiệm trong kỷ nguyên mới cần được hiểu theo một nghĩa rộng hơn - tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm dữ liệu, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm không gian sống… Tức là, không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách hay sinh hoạt thường nhật, mà còn là cách chúng ta quy hoạch đô thị hợp lý, giảm phát thải carbon, tối ưu hóa công nghệ, xây dựng hệ thống giáo dục - y tế - giao thông thông minh và tiết kiệm chi phí vận hành. Đó là tư duy tiết kiệm mang tính đổi mới sáng tạo, đặt trong tầm nhìn quốc gia phát triển nhanh và bền vững./.
Phương Dung - Thanh Hoa