Phát huy vai trò và sức mạnh của kiều bào với quê hương, đất nước |
Không chỉ dành sự quan tâm ở những định hướng lớn, về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước những ngày đầu cách mạng mà Bác còn dành sự quan tâm đặc biệt trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong thư chúc Tết kiều bào năm 1946, Bác khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Đặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp lịch sử năm 1946, Bác đã có gần 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi công việc với đại biểu các giới kiều bào.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác cùng Ðảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón kiều bào về nước. Ngày 10/1/1960, đích thân Bác xuống cảng Hải Phòng đón chuyến tàu đầu tiên đưa những người con xa xứ trở về đất mẹ.
Kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Kiều bào luôn được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước, như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn….
Đồng thời, các hoạt động thường niên như Xuân Quê hương, dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường xuyên được đổi mới, thu hút đông đảo kiều bào tham gia. Từ đó động viên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn của Kiều bào với quê hương, đất nước. Những đóng góp, hiến kế của kiều bào tại các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và nhiều hội nghị, hội thảo khác; hay sự phát triển của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, chính là minh chứng sinh động cho tinh thần cống hiến và ý thức trách nhiệm của kiều bào đối với sự phát triển của quê hương. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy sức mạnh “mềm”, là cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới./.
Phương Dung - Thu Hạnh