Giá chung cư tăng cao bất thường, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát biến động
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu phối hợp và tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Chung cư tại Nam Trung Yên (phố Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai, nhà ở... và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thị trường bất động sản đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương. Điển hình là hiện tượng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Đặc biệt, tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân.

Đáng chú ý là tại Hà Nội có việc một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường bất động sản theo quy định tại khoản 4 Điều 81 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 7 Điều 35 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó là Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; các công điện, chỉ thị khác của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 5047/BXD-QLN ngày 28/8/2024 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15...

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa bàn; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Đồng thời, chú trọng thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền – Bộ Xây dựng đề nghị.

Trên cơ sở tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua, các địa phương chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó, các địa phương chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng rà soát khâu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ Xây dựng khẳng định, thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương, hướng tới đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân.

Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật. Điều này nhằmg tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Về mặt quản lý nhà nước, các địa phương cần tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.

Đặc biệt, các dự án bất động sản đã được phê duyệt hay chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định cần được thông báo công khai, rộng rãi nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách mới liên quan đến pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản./.

Tin liên quan

Những quy định pháp luật mới trong kinh doanh bất động sản

Cả 3 bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bất động sản (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) đã có hiệu lực góp phần quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp thị trường thêm động lực để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, phát triển theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững.

Đấu giá đất: Làn sóng “giá ảo” và hệ lụy khó chữa

Tình trạng thị trường bất động sản giảm nhiệt, thanh khoản suy yếu, việc “lướt sóng” bán chênh rất khó thực hiện, thậm chí, khu vực ngoại thành Hà Nội không thể tổ chức đấu giá được vì không đủ số lượng người đăng ký diễn ra cách đây một năm giờ đã không còn. Gió đã đổi chiều khi xuất hiện việc đất trúng đấu giá tăng đột biến gấp nhiều lần so với mức giá khởi điểm ở hai phiên đấu giá đất mới đây tại Hà Nội đang khiến dư luận lo ngại về một làn sóng "giá ảo" đang lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục

Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng để giải quyết vấn đề khó

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đã có mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; chủ động lựa chọn vấn đề khó, khâu đột phá tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết có kết quả.

Cảnh giác và triệt tiêu tin giả trong thiên tai

Trong lúc mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và của tại các tỉnh, thành phía Bắc thì nhiều đối tượng đã tung, lan truyền các tin giả trên mạng xã hội để “câu like, câu view”, thậm chí để lừa đảo.

Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc

Công ty Cổ phần Sân bay Quốc tế Incheon (IIAC) vừa công bố kết quả "Khảo sát ý định du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ Chuseok năm 2024" được thực hiện từ ngày 1-7/8 với 1.270 người từ 18 tuổi trở lên đã có lịch sử xuất cảnh thông qua Sân bay Incheon trong vòng 5 năm qua.

Người Việt tại Ba Lan quyên góp, sẻ chia với đồng bào vùng lũ

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) gây ra. Đại sứ Hà Hoàng Hải cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và phu nhân, phu quân, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã tích cực hưởng ứng, phát huy truyền thống tương thân tương ái với mong muốn đóng góp sự hỗ trợ về tình cảm và vật chất giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.