Giám sát đến cùng việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Phiên chất vấn được truyền hình trực tuyến đến 62 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Các vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều. Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị cho hoạt động này, ngay từ rất sớm (tháng 2/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan có liên quan chủ động chuẩn bị thực hiện. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị và đã gửi đến các đại biểu Quốc hội 16 báo cáo về các lĩnh vực, trình bày khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã có 8 báo cáo nêu ý kiến, đánh giá cụ thể đối với việc thực hiện của từng lĩnh vực; Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo tổng hợp đánh giá việc thực hiện của từng lĩnh vực theo các nghị quyết.

Theo chương trình phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Thời gian chất vấn trong 1,5 ngày. Để đảm bảo sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi đại biểu nêu vấn đề không quá 1 phút và mỗi câu hỏi tập trung vào 1 vấn đề tâm đắc nhất, thuộc phạm vi của 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nói chậm, nói rõ để Bộ trưởng, Trưởng ngành theo dõi, thuận lợi trong việc ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng và trúng vấn đề mà đại biểu quan tâm. Đại biểu được tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; đại biểu không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

Tiếp nối thành công của hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và nắm chắc tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở của các đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu, đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tin tức TV: Tháo rào cản giải ngân vốn nhà ở xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2%. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng mới giải ngân được khoảng 1%.

Đặc sắc không gian văn hóa Việt tại Slovakia

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, sự kiện Ngày Việt Nam tại Slovakia lần thứ 3 đã thu hút hơn 10.000 lượt người tham quan, trong đó phần lớn là người dân sở tại. Đây là sự kiện quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia cùng cộng đồng người Việt Nam tổ chức.

Đối thoại chính sách nông nghiệp: Cơ hội lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản

Ngày 20/8, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị “Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”.

Mở ra chương mới trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chuyến thăm lịch sử kế thừa quá khứ và mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam và thúc đẩy cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu và thực chất.

Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân

Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2 tháng 7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước. Phong trào Vệ sinh yêu nước với mục đích nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe. Những năm qua phong trào đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ. Thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản. Công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã từng bước được cải thiện. Các kết quả này đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta…

Tổng Giám đốc TTXVN tiếp Tổng Giám đốc PRD

Chiều 20/8, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang đã tiếp Tổng giám đốc Cục Quan hệ công chúng Thái Lan (PRD), bà Sudruetai Lertkasem nhân dịp thăm, làm việc tại Việt Nam.