Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Không né tránh vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận việc tiếp thu, giải trình 10/11 dự án Luật đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 5 được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do nhiệm vụ công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn, số lượng các luật ngày càng tăng, việc tổ chức phiên họp chuyên đề lần này rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. 
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã hoàn thành 131 nhiệm vụ lập pháp, đạt 83,97%. Đối với 3 kỳ họp còn lại của nhiệm kỳ khóa XV, với sự quan tâm của các bộ, ngành, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành khối lượng công việc theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận việc tiếp thu, giải trình 10/11 dự án Luật đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7; trong đó có Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên. Riêng dự án Luật Phòng không nhân dân sẽ chuyển sang Phiên họp thường kỳ thứ 36 do cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan chưa chuẩn bị kịp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, 10 dự án Luật được xem xét tại Phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp như dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội được người dân quan tâm nhất là dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Kỳ họp thứ 7, hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường, 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo rõ vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do những vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. “Dù một ý kiến khác nhau phải có giải trình, tiếp thu cặn kẽ để đại biểu Quốc hội thấy đóng góp của mình vào việc giải trình, tiếp thu của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu trong xây dựng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tiến hành nhiều cuộc khảo sát. Các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra họp nhiều cuộc, nhiều vòng để hoàn thiện các dự án Luật cho Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. 
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, chỉ đạo đã được thống nhất từ khâu xây dựng và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; đồng thời cần nghiên cứu, tận dụng kết quả sau cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm rút ra được vấn đề gì để hoàn chỉnh, sửa đổi các luật này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp vướng mắc, cần tháo gỡ để chỉnh lý quy định, đảm bảo khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội triển khai nghiêm túc quy định này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phát biểu rõ quan điểm, chính kiến một cách khách quan, không né tránh những vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây, Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn xây dựng pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn về công tác lập pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lập pháp, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, các nhà khoa học, các chuyên gia... đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Doanh nhân kiều bào tâm huyết với việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường Thái Lan

“Chúng tôi sẽ luôn tích cực thực hiện và hưởng ứng Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ về ‘Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024’”. Đây là khẳng định của ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái-Việt toàn Thái Lan tại hội nghị thường niên lần thứ nhất năm 2024 của Hiệp hội diễn ra mới đây tại tỉnh Udon Thani.

Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố đoàn kết dân tộc và đặt nền móng cho một xã hội kiên cường

Bài viết với tựa đề “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm là tuyên bố tầm nhìn mạnh mẽ, nêu bật những ưu tiên trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Đây là đánh giá của Giáo sư Archana Upadhyay, trường Đại học Jawaharlal Nehru, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.

Tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của những người trở về từ cuộc chiến, bởi di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo; mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Học giả Argentina bày tỏ tin tưởng vào công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires nhân sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kiện toàn chức danh Tổng Bí thư, nhà báo Gaston Fiorda - chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina - bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những bước phát triển rực rỡ và nâng vị thế quốc tế của Việt Nam lên tầm cao mới.

Học giả Cuba nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Việc bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư là quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp, uy tín của ông, đồng thời khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước. Đây là nhận định được Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại La Habana.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka: Việt Nam tiếp tục vững bước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á về việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka G. Weerasinghe nhận định với những gì Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đồng chí Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vĩ đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tiếp tục vững bước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông G. Weerasinghe bày tỏ tin tưởng đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định chính trị, trật tự xã hội, không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò và vị thế của mình ở khu vực và quốc tế.

Chính trị gia Ấn Độ: Chính sách đối ngoại chủ động của Việt Nam giúp định hình tương lai đất nước

Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 5 vấn đề ưu tiên của đối ngoại Việt Nam, trong đó có tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho thấy cam kết quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia toàn cầu. Đây là nhận định được Tổng Thư ký đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB) G. Devarajan đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.