Tránh ‘sập bẫy’ lừa đảo công nghệ cao
Dù vẫn cảnh giác, nhưng nhiều người vẫn mất tiền triệu đến hàng tỷ đồng khi “sập bẫy” lừa đảo tinh vi sử dụng công nghệ cao.

Đã qua thời đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội rồi mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng. Giờ đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng nhiều “chiêu thức” và “bắt trend” theo các vấn đề “nóng” của xã hội.

Theo đó, các đối tượng gọi điện cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực, bảo hiểm xã hội...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử... và điều hướng người dân kết nối Zalo để hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo (tải thông qua các đường link do đối tượng gửi, các ứng dụng, website này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng), sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.

Hay thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, mối quan hệ cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội, lấy những hình ảnh, video cũ của người dân… sau đó sử dụng công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video. Các đối tượng sử dụng hình ảnh, video giả đó thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, giả tạo các tình huống khẩn cấp cần phải chuyển tiếp gấp... Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.

Thủ đoạn mới đây nhất của tội phạm công nghệ cao là tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của "con mồi" (phổ biến là hình ảnh, thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội), sau đó chúng sẽ cắt ghép khuôn mặt của họ vào các hình ảnh đã cắt ra từ video có nội dung nhạy cảm ở các nhà nghỉ, khách sạn rồi liên hệ tống tiền...

Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, rất nhiều hình thức lừa đảo được tội phạm mạng sử dụng và luôn có sự “cập nhật”, thay đổi phương thức liên tục. Chẳng hạn, để chống lại việc hack tài khoản ngân hàng và “tẩu tán” tiền, ngành ngân hàng đã thực hiện việc xác minh nhân thân bằng sinh trắc học, thế nhưng hiện nay đã xuất hiện những chiêu thức của tội phạm như gọi video qua FaceTime, Zalo… nhằm ghi lại hình ảnh của nạn nhân để làm dữ liệu khi thực hiện hack tài khoản.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các cuộc tấn công mạng đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Chỉ riêng trong tháng 6/2024, cả nước có 1.723 vụ tấn công mạng, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, số sự cố nghiêm trọng mà Cục An toàn thông tin phải điều phối, xử lý tăng gần 60% so với cả năm 2023.

Bộ Luật hình sự Việt Nam đã có quy định về các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, tuy nhiên công tác phát hiện và xử lý những đối tượng lừa đảo hiện nay là một điều không phải dễ. Bởi, hầu như những đối tượng, tổ chức thực hiện lừa đảo có quy mô đều lại ở nước ngoài và “vươn vòi” vào Việt Nam để hoạt động.

Lực lượng chức năng Việt Nam vừa triệt phá thành công đường dây lừa đảo qua mạng tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (đóng tại tỉnh Bò Kẹo, Lào) bắt giữ 155 đối tượng người Việt Nam, thu giữ lượng lớn tiền mặt, hàng chục máy tính và gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ. Đây là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao và “sử dụng người Việt để lừa người Việt” khi được cung cấp tài liệu, kịch bản, điện thoại, sim điện thoại Lào để lập nên các tài khoản Facebook giả và được hướng dẫn thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hơn nữa, việc người dân hay doanh nghiệp bị lừa đảo, đều có liên quan phần nào đến việc lộ lọt thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ngoài việc thông tin cá nhân bị lộ lọt do người dân bất cẩn trong việc bảo mật, cung cấp thông tin cho đối tượng, thì vấn nạn mua - bán thông tin cá nhân từ các tổ chức, cá nhân cũng cần phải được xử lý nghiêm. Bởi, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là hình thức gián tiếp tiếp tay cho tội phạm, gây ra nhiều bức xúc cho người dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần phải đề cao việc bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu của khách hàng, tránh bị “rò rỉ” ra ngoài.

Trước sự thay đổi “chóng mặt” của các phương thức lừa đảo, hệ thống pháp luật và đội ngũ thực thi về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cần phải luôn cập nhật, tạo “tường lửa” để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về Internet, viễn thông (nhất là quản lý về sim điện thoại) cần phải được siết chặt hơn nữa. Bởi hiện nay, đa số các vụ lừa đảo đều khởi nguồn từ các cuộc điện thoại qua “sim rác” và việc quản lý này còn nhiều bất cập.

Song song đó, bản thân mỗi người dân cũng cần phải chủ động cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo nhắm vào mình. Theo đó, người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, nêu cao tin thần cảnh giác, tuyệt đối không được làm theo hướng dẫn từ người lạ gọi đến; không truy cập vào đường link do người lạ cung cấp qua email, Zalo, Facebook…; không khai báo thông tin cá nhân; không cung cấp mã OTP; hạn chế việc đưa thông tin liên quan đến cá nhân, hình ảnh, video của mình hay không chia sẻ những hình ảnh mang tính chất riêng tư lên mạng xã hội…. Đặc biệt, người dân cũng cần trình báo cơ quan chức năng khi bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo để có thể khoanh vùng, dò tìm và xử lý đối tượng lừa đảo.

Để phòng ngừa lừa đảo, người dân cần thực hiện “5 không”: Không nghe (điện thoại từ số lạ chào mời vào các nhóm trên mạng, rủ đầu tư… hoặc những lời cáo buộc, đe dọa liên quan vụ án, vụ việc); không nói (mật mã OTP, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho người lạ); không hoa mắt (các món quà miễn phí, lời chào việc nhẹ lương cao, đầu tư lợi nhuận cao, vay vốn lãi suất thấp trên mạng…); không sợ hãi (trước lời đe dọa liên quan đến vụ án của người tự xưng là công an, tòa án, viện kiểm sát; cảnh giác trước thông tin báo người nhà gặp nạn…); không làm theo yêu cầu của người lạ (không cài đặt ứng dụng theo hướng dẫn của người lạ qua điện thoại, dù là ứng dụng thuế, VNeID… không chuyển khoản khi chưa rõ thông tin; không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội) và “2 phải”: Phải thường xuyên cảnh giác và phải tố giác ngay với công an khi có nghi ngờ.

Tin cùng chuyên mục

Học giả Cuba nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Việc bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư là quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp, uy tín của ông, đồng thời khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước. Đây là nhận định được Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại La Habana.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka: Việt Nam tiếp tục vững bước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á về việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka G. Weerasinghe nhận định với những gì Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đồng chí Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vĩ đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tiếp tục vững bước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông G. Weerasinghe bày tỏ tin tưởng đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định chính trị, trật tự xã hội, không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò và vị thế của mình ở khu vực và quốc tế.

Chính trị gia Ấn Độ: Chính sách đối ngoại chủ động của Việt Nam giúp định hình tương lai đất nước

Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 5 vấn đề ưu tiên của đối ngoại Việt Nam, trong đó có tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho thấy cam kết quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia toàn cầu. Đây là nhận định được Tổng Thư ký đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB) G. Devarajan đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.

Giám đốc Hãng thông tấn ACN (Cuba): Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại La Habana, Giám đốc Hãng thông tấn Nhà nước Cuba (ACN) Edda Diz Garcés bày tỏ tin tưởng rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục duy trì sự thống nhất, đoàn kết và thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; đồng thời phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và mẫu mực giữa nhân dân hai nước anh em Cuba - Việt Nam.

Nhận diện: Phản bác luận điệu xuyên tạc việc kiện toàn chức danh lãnh đạo Đảng

Vào cuối tuần qua, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp để giới thiệu nhân sự và bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Với số phiếu bầu tuyệt đối 100%, đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII. Với sự thống nhất cao trong Đảng, cán bộ đảng viên, nhân dân cả nước giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, bày tỏ tin tưởng, phấn khởi và kỳ vọng cao đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Thế nhưng, trái ngược với tình cảm và niềm tin của nhân dân cả nước, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tung ra các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của người đứng đầu Đảng ta, mục đích làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tổ chức hiệu quả việc nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định này là nền tảng, kim chỉ nam cho cán bộ đảng viên thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thể hiện tầm nhìn tư duy của Đảng ta trong tình hình mới. Việc triển khai thực hiện cần lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên.