Theo Giáo sư Archana, nhằm đảm bảo một tương lai tươi sáng và an toàn cho người dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã nhấn mạnh tới những ưu tiên của chính phủ và tính ưu việt của các thể chế sẽ giúp ban lãnh đạo và người dân Việt Nam thực hiện các mục tiêu. Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây sẽ là bước nhảy vọt so với vị thế hiện tại của một “quốc gia có thu nhập trung bình”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định các mục tiêu rõ ràng cũng như khuôn khổ chỉ đạo để đạt được những mục tiêu này.
Giáo sư Archana cho rằng vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng sáng tạo và phát huy chủ nghĩa Marx - Lenin được truyền cảm hứng với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo kế nhiệm Người sẽ tiếp tục định hướng, định hình nền chính trị và các mục tiêu tương lai của Việt Nam. Các mục tiêu này là xây dựng “một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Vị trí trung tâm của lợi ích quốc gia Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước sẽ là nền tảng cho mọi ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu bật các nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đường lối phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã được nêu rõ trong bài viết này. Những thách thức an ninh của thế kỷ XXI đã được nhận diện - cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà thế giới đang phải đối mặt. Ngoài ra còn có những cơ hội bắt nguồn từ cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới. Việt Nam quyết tâm nắm bắt những cơ hội này để tiếp tục câu chuyện tăng trưởng của mình thông qua quyết tâm với tinh thần tự lực, tự tin cao độ. Vai trò quan trọng của Đảng trong việc củng cố sự đoàn kết dân tộc và đặt nền móng cho một xã hội kiên cường cũng đã được nhấn mạnh.
Trên trường quốc tế, Việt Nam cam kết duy trì hòa bình khu vực và toàn cầu, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế thông qua các sáng kiến chính sách đối ngoại đa liên kết. Trong nước, Việt Nam cam kết áp dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong quản trị, lấy con người là “chủ thể và trung tâm của công cuộc đổi mới”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.
Giáo sư Archana cho rằng khi Việt Nam bắt đầu một chương mới trong lịch sử chính trị của mình, có những yếu tố vừa mang tính liên tục vừa mang tính ứng biến trong cách tiếp cận với các thách thức trong nước và toàn cầu. Vai trò trung tâm của Đảng bắt nguồn từ niềm tự hào về những công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa được truyền cảm hứng từ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại các thế lực thù địch sẽ là động lực cho những nỗ lực trong tương lai của dân tộc. Phát huy dân chủ, thông qua việc xây dựng một xã hội hòa nhập, tự hào thừa nhận những nét đặc trưng về văn minh và văn hóa của Việt Nam, sẽ xác định bản sắc dân tộc. “Ngoại giao cây tre” sẽ tiếp tục là nền tảng của chính sách đối ngoại của Việt Nam trong hành trình củng cố vị thế trên trường quốc tế./.
Ngọc Thúy