Giới thiệu tiềm năng ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam tại Malaysia
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong khuôn khổ Triển lãm và Hội nghị kinh doanh quốc tế Selangor 2024 (SIBS), diễn ra từ ngày 16-19/10 tại Kuala Lumpur, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường đã giới thiệu với các đối tác Malaysia và bạn bè quốc tế về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia, cũng như ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Trong bài thuyết trình về ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Tham tán Lê Phú Cường đã nêu bật những đặc điểm của ngành với sự phát triển lớn mạnh đầy tiềm năng, trong đó có sự góp sức của hơn 5.000 doanh nghiệp. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người và lực lượng lao động trẻ chiếm đa số, Việt Nam đã thành công trong kế hoạch xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê và nhiều loại hoa quả tươi chất lượng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022. Mặc dù các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ trong năm 2023 đều giảm, riêng thị trường châu Á lại tăng 6,8% đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Những mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Malaysia nhiều nhất là chè, cà phê, hạt tiêu, gạo, trong đó mặt hàng gạo đang tăng nhanh chóng, với giá trị xuất khẩu trong năm 2023 đạt hơn 345 triệu USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Malaysia đã nhập khẩu gạo của Việt Nam với giá trị bằng cả năm 2023. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng trái cây tiềm năng của Việt Nam được thị trường Malaysia ưa chuộng như nhãn, vải, chanh leo, thanh long ruột đỏ…

Đánh giá sau 5 lần tham gia hội chợ của năm 2024, Tham tán Lê Phú Cường bày tỏ phấn khởi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sang Malaysia đồng hành cùng Thương vụ để giới thiệu sản phẩm. Cùng 10 doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống giới thiệu hơn 50 sản phẩm đến những nhà nhập khẩu và phân phối của Malaysia, ông chia sẻ Thương vụ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm đối tác và kết nối, giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường Malaysia và chia sẻ mục tiêu chung là đưa hàng Việt ra thế giới.

Đề cập đến chất lượng sản phẩm, Tham tán Lê Phú Cường lưu ý ngoài điều kiện tiên quyết của thị trường Hồi giáo là tiêu chuẩn halal, sản phẩm Việt ngày càng đạt được chất lượng cao hơn, bao bì, nhãn mác với thông tin đầy đủ và bắt mắt, có mã QR để tra cứu, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm Việt không ngừng sáng tạo, luôn đổi mới về công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Có thể kể đến như sản phẩm phở khô và bún khô của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam mang nhãn hiệu VAFOOD, sử dụng công nghệ sấy lạnh tiên tiến của Nhật Bản để tạo ra các sản phẩm giữ nguyên hương vị như sản phẩm tươi hay hạt điều với nhiều hương vị mới như mật ong, cà phê, tỏi ớt của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hot Anuts.

SIBS, là sự kiện thường niên và được mong đợi của doanh nghiệp, là nền tảng cơ bản nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện kết nối, thể hiện sự sáng tạo và mở rộng mạng lưới kinh doanh khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2023 đã mang lại giá trị giao dịch tiềm năng lên đến 4 tỷ USD. Năm 2024, với hơn 650 quầy triển lãm thực phẩm và đồ uống bên cạnh các hội thảo về halal, thành phố thông minh, kinh tế số…, SIBS kỳ vọng sẽ đón khoảng 12.000 lượt khách tham quan đến từ 18 nước, trong đó có Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Kenya, Myanmar…/.

Hằng Linh

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả bước đầu trong thí điểm học bạ số

Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả các cấp học. Qua triển khai thí điểm tại 63 địa phương trên cả nước, áp dụng cho năm học 2023 - 2024, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Có thể thấy, học bạ số là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hội nghị lần thứ 2 sau 3 tháng Thủ tướng chủ trì Hội nghị và sau 5 lần Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình giao thông trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt trận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là mái nhà chung của ngôi nhà đại đoàn kết. Những năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn cả nước đã tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, Mặt trận đã tập hợp, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết đã trở thành điểm tựa vững vàng để toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 15/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã tổ chức Lễ ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Cùng dự Lễ ra mắt Tủ sách Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Viện Lowy: Việt Nam thăng hạng về chỉ số quyền lực nhờ ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa

Báo cáo thường niên về Chỉ số Quyền lực châu Á 2024 do Viện nghiên cứu Lowy của Australia mới công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ 12 trong tổng số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Theo đó, sức mạnh tổng thể của Việt Nam đã tăng 1,2% so với năm 2023, tạo ảnh hưởng trong khu vực nhiều hơn so với dự kiến.

Tập kết ra Bắc - Hành trình của niềm tin và cống hiến

Cách đây 70 năm, từ sau hiệp định Geneve cho đến đầu năm 1955, đã có hàng vạn người dân các tỉnh miền Nam theo các chuyến tàu ra Bắc, mang theo hy vọng về ngày đất nước sẽ sớm được thống nhất. Trong số họ, phần lớn là những chiến sĩ, trí thức, học sinh, là những hạt giống quý, được sắp xếp học tập, bồi dưỡng theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Một thế hệ đã hết mình cống hiến cho các lĩnh vực khoa học, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước sau này.

Kỳ vọng một đại hội thành công

Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16-18/10. Đây là sự kiện quan trọng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trước đó, Đại hội MTTQ cấp cơ sở đã cho thấy rõ sự chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.