Hai nhà văn Việt Nam nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á của Thái Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, 2 nhà văn Việt Nam là Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Một đã vinh dự được nhận Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á (S.E.A Write Award) năm 2022-2023 do Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức dành cho các nhà văn, nhà thơ xuất sắc của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tiệc Gala vinh danh các tác giả được trao giải đã được tổ chức trang trọng tại Khách sạn W Bangkok tối 25/11, với sự tham dự của 17 nhà văn, nhà thơ được giải đến từ 9 quốc gia Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, cùng đông đảo khách mời là ngoại giao đoàn, giới học giả và những người yêu văn học nghệ thuật Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Tiến sĩ Sumet Tantivejkul, chủ trì đêm Gala, khẳng định những tác giả được trao giải đã làm phong phú thêm trí óc và tâm hồn bằng những sáng tạo văn học đặc biệt của họ, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, sự sáng tạo của chúng ta và thể hiện các nền văn hóa và giá trị chung của ASEAN. Tiến sĩ Sumet đồng thời khẳng định sự kiện này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để làm sâu sắc thêm mối quan hệ, bản sắc và các giá trị giữa 10 quốc gia ASEAN, làm nổi bật di sản và truyền thống chung của khu vực, thúc đẩy sự thống nhất, hòa bình và thịnh vượng trên khắp ASEAN.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (SN 1965, quê Thái Nguyên) được trao Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022 với tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Ông hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội và báo Văn nghệ. Được ví là người đi chắc cả 2 chân tiểu thuyết và thơ trên con đường văn chương, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã xuất bản 6 tiểu thuyết, trong đó có “Những đứa trẻ chết già” và “Mình và họ”; cùng 5 tập thơ, trong đó có “Buổi câu hờ hững”. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra các tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Một (SN 1964, quê Quảng Nam) được trao Giải thưởng văn học Đông Nam Á 2023 với tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” từng được Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2023 và Giải thưởng văn học nghệ thuật Đồng Nai. Ông là tác giả của gần 20 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu thuyết ngắn, bút ký, kịch bản phim tài liệu… Các tác phẩm đáng chú ý của Nguyễn Một có “Trước mặt là dòng sông” từng được giải thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 5/2002; “Đất trời vần vũ” (tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh và lưu trong Thư viện Quốc hội Mỹ) và “Ngược mặt trời”(giải thưởng Trịnh Hoài Đức năm 2017).

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhà văn Nguyễn Một cho rằng ý nghĩa to lớn của giải thưởng văn học này là thông qua văn học, con người ta gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và có những giao lưu văn hóa hòa đồng với nhau. Nhà văn Nguyễn Một mong rằng Việt Nam cũng sẽ có một giải thưởng dành cho các nhà văn trong khu vực để có cơ hội giao lưu về văn hóa, và đặc biệt là văn học.

Được đánh giá là một trong những sự kiện văn học uy tín nhất của khu vực, Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á được Hoàng gia Thái Lan khởi xướng vào năm 1979 để ghi nhận và tôn vinh các tác phẩm của các nhà thơ và nhà văn đương đại đến từ các nước ASEAN. Qua 43 lần tổ chức, Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á hiện nay được đại diện đầy đủ bởi tất cả 10 nước ASEAN./.

Đỗ Sinh – Huy Tiến

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam lần đầu góp mặt tại Giải thưởng TechWomen 100 Vương quốc Anh

Với những nghiên cứu và đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh từ đại học UCL (University College London) đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành Giải thưởng TechWomen 100 của Anh. Lễ trao giải diễn ra tại trung tâm hội nghị Queen Elizabeth II ở London tối 21/11 (giờ Anh).

Nối những nhịp cầu trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và làm việc tại Brazil, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Hội An - Nơi thời gian ngừng trôi

Nằm bên dòng sông Hoài thơ mộng, Đô thị cổ Hội An như một viên ngọc quý giữa lòng Quảng Nam, lưu giữ vẻ đẹp cổ kính và bình yên xuyên suốt hàng thế kỷ. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999, Hội An không chỉ là một bảo tàng sống của kiến trúc và lối sống đô thị mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây độc đáo.

"Mái ấm cho đồng bào” trong kỷ nguyên vươn mình

Xóa nhà tạm không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mà đây là việc làm thiết thực nhằm hoàn thành công cuộc giảm nghèo bền vững, hướng tới một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị yêu cầu cấp thiết

Mới đây tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, năm 2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí tư Tô Lâm đã khẳng định: “Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay”; “Phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng”. Chủ trương lớn này đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng tình của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân.