Hiện thực hóa giấc mơ lên bờ của người dân khu nhà rầm Quy Nhơn
Từ một chính sách an sinh xã hội, quyết tâm xóa bỏ khu nhà rầm, tạo diện mạo mới cho đô thị, hàng trăm hộ dân khu nhà rầm Quy Nhơn đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện về nơi tái định cư mới.
Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực 10 sẽ thay thế khu ổ chuột. 
Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Khu "ổ chuột" hay còn gọi khu nhà rầm phường Hải Cảng, nằm ngay giữa lòng trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã chính thức “khai tử”. Thay vào đó là công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực 10 với hệ thống bờ kè cùng khu dân cư chỉnh trang đô thị, tạo nên bộ mặt mới cho Quy Nhơn. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ phường Hải Cảng và Đại hội Đảng bộ thành phố Quy Nhơn.

* Khu vực nhếch nhác, tạm bợ

Mỗi khi nhắc đến khu nhà rầm phường Hải Cảng, người dân Quy Nhơn và du khách đều thấy đó là khu vực nhếch nhác, nhà cửa tạm bợ. Có nhà chỉ từ 5 - 10m2 và không có nổi một tấm tôn lành lặn để làm mái...

Những người từng sống ở đây chia sẻ, khu nhà rầm do những người đi biển hình thành. Ban đầu, họ dựng những ngôi nhà tạm gần cửa biển những lúc không ra khơi. Họ đều là ngư dân nghèo, không có đất để an cư, cất nhà sàn trên bãi cát, mặt nước đầm, nước biển sống tạm; dần dần người dân nghèo đi biển kéo về khu vực này nhiều hơn. Khu nhà rầm cũng ra đời từ đó. Cứ thế từ năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, mỗi ngày, họ lấn một ít ra biển. Từ những căn lều dựng trên mặt nước để đựng ngư cụ rồi trở thành những ngôi nhà đơn sơ để gia đình quây quần, sum họp sau những chuyến đi biển. Lâu dần, khu vực nhà rầm trở thành nơi ở của người dân đi ghe, khai thác hải sản ven bờ. Có người làm thuê, sống gắn với chợ cá của phường Hải Cảng.

Khu ổ chuột, nhà rầm với các nhà tạm bợ. 
Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Anh Trương Văn Mạnh, một người dân kể lại, đến khu nhà rầm, có thể thấy rất nhiều cọc gỗ, to nhỏ khác nhau đóng xuống đầm, cắm sâu vào lòng đất. Những chiếc cọc gỗ này thay cho hệ thống trụ bê tông dựng nhà trên đất liền. Trên đó là những ngôi nhà sàn đủ kiểu, đủ dáng. Mỗi nhà chỉ từ 10 - 40m2, thậm chí có nhà chỉ 8m2. Nhà lát sàn ván; vách bằng cót ép, tôn rách chắp nối hay bằng bìa các tông… Nhà này nối với nhà kia chỉ bằng tấm vách mỏng. Dọc đường vào các khu nhà là những con đường bằng ván gập ghềnh. Muốn vào sâu trong xóm nhà rầm, mọi người phải len lỏi, đi qua những cây cầu bằng ván với tiếng kêu rầm rập. Có lẽ danh từ nhà rầm cũng bắt nguồn từ đây.

Không điện lưới quốc gia, không nước sạch, không giấy tờ nhà đất, không nhà vệ sinh…, người dân sống nơi đây gần như không có quyền lợi gì. Mùa mưa lo bão về thổi bay nhà, mùa nắng nóng lo hỏa hoạn, vệ sinh môi trường. Ở đây, muốn có điện phải kéo nhờ của người dân gần đó ở trên bờ, nước cũng phải gánh về, sinh hoạt ăn uống đều xả xuống biển… Lâu dần, nước ở khu vực này chỉ còn một màu đen, đặc quánh. Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xóm rầm đều phải sống chung với rác thải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây luôn là điểm "nóng" của thành phố.

Những ngôi nhà được quây bằng mái tôn tại ổ chuột ở phường Hải Cảng. 
Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Chủ tịch UBND phường Hải Cảng Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: Khu nhà rầm như một "ma trận", nhà tạm bợ nên hình thành nhanh. Do hầu hết nhà đều được làm chắp vá tạm bợ nên chỉ cần khoảng 1 tuần là đã có vài chiếc mọc lên. Tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước...ngay càng trầm trọng; điều kiện phát triển dân trí không có... Dù địa phương đã vận động, tuyên truyền người dân di dời nhiều lần nhưng không thành.

* Hiện thực hóa giấc mơ lên bờ

Thành ủy, UBND thành phố Quy Nhơn xem việc giải tỏa, di dời khu nhà rầm để trả lại vùng biển xanh, sạch, đẹp, giúp người dân nơi đây có một cuộc sống an cư luôn là nhiệm vụ hàng đầu có tính cấp thiết. Cuối năm 2009, dự án xây kè lấn chiếm kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực này được tính đến nhưng mãi đến năm 2020 mới khởi động.

Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực 10 (phường Hải Cảng) được UBND thành phố phê duyệt, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2020 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với các hạng mục chính như: Xây dựng mới tuyến kè bảo vệ khu dân cư, san nền mặt bằng với tổng diện tích khoảng 4,46 ha, xây dựng mới đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 1.448 m. Ngoài ra, Dự án hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng cho khu vực này. Hệ thống cấp nước của khu dân cư được đấu nối vào hệ thống cấp nước thành phố; đồng thời, đầu tư hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam, Dự án chỉnh trang đô thị khu vực phường Hải Cảng là dự án khá phức tạp bởi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, trong đó chủ yếu là người nghèo, không có việc làm ổn định. Phần lớn đất nhà rầm không được bồi thường do chủ yếu là đất lấn chiếm.

Để giải quyết bài toán này, thành phố linh động hỗ trợ người dân bằng việc bán đất tái định cư theo giá thị trường. Theo đó,  thành phố định giá đất thị trường không cao hơn so với giá đất tái định cư. Những hộ đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước sẽ được mua theo giá tái định cư, việc này nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực 10 sẽ thay thế khu ổ chuột. 
Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Các hộ dân ở khu nhà rầm sẽ được bố trí, tạo điều kiện ở khu vực 6 và khu vực phía Đông chùa Bình An, phường Nhơn Bình.

Ông Ngô Hoàng Nam cho biết thêm: Dự án triển khai được xem là thành công lớn trong quá trình chỉnh trang đô thị; góp phần giải quyết vấn đề về môi trường, đặc biệt là sự an toàn, ổn định cuộc sống của người dân nơi đây.

Từ một chính sách an sinh xã hội, quyết tâm xóa bỏ khu nhà rầm, tạo diện mạo mới cho đô thị, hàng trăm hộ dân đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện về nơi tái định cư mới.

Tại ngôi nhà mới khang trang ngay ở khu tái định cư khu vực 6, ông Phạm Tám tâm sự, hầu hết người dân khu nhà rầm đều dựa vào đầm Thị Nại để mưu sinh. Dù biết sống ở khu nhà rầm thiếu thốn nhưng do khó khăn nên người dân cũng không biết đi đâu. Thế nên người dân nơi đây rất vui mừng khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đến ở tại khu tái định cư. Trước đây, mỗi lần mưa bão, cả gia đình lại dắt díu nhau đi trú ở nơi khác, hết bão lại quay về khu nhà rầm. Cuộc sống tạm bợ khó khăn. Mấy người chen chúc nhau sống trong ngôi nhà tạm dựng trên bãi bồi, chịu đựng sự ô nhiễm mỗi ngày.

Việc đầu tư, giải tỏa khu nhà rầm là một việc làm ý nghĩa, thiết thực khi ý Đảng hợp lòng dân; góp phần đưa Quy Nhơn xứng đáng là Thành phố du lịch sạch ASEAN./.

Tin liên quan

Hiệu quả công tác dân vận với “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”

Nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, chú trọng phong cách “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” đối với nhân dân, thời gian qua, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng triển khai các mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn. Điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.  

Tin cùng chuyên mục

Chiến thắng Điện Biên Phủ - cầu nối giúp Việt Nam và Algeria chia sẻ quá khứ, hướng tới tương lai

Sáng ngày 4/11, tại Bảo tàng quốc gia Cựu chiến binh ở thủ đô Algiers, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria phối hợp cùng Bộ Cựu chiến binh và Người có công Algeria đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến cách mạng Algeria: ý nghĩa lịch sử và triển vọng tương lai”.

Khắc phục tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Lãng phí - Nhìn từ các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ý kiến một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào luật các quy định siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhằm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Cuộc 'cách mạng' xóa đói, giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Là quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận như “một cuộc cách mạng” trong xóa đói, giảm nghèo, làm nên sự đổi thay trải đều và rộng khắp ở cả những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất.

Dấu mốc quan trọng khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đô thị trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.