Lãng phí - Nhìn từ các dự án đầu tư công chậm tiến độ
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ý kiến một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào luật các quy định siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhằm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Dự án tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đang triển khai thi công các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật và triển khai thi công đào hở tại một số nhà ga. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Cần khẳng định, vốn đầu tư là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, không ít dự án đầu tư công không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, dẫn đến nguồn lực quan trọng này bị lãng phí, gây nhiều hệ lụy, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Không khó để nhận biết công trình, dự án chậm tiến độ, bị đội vốn tại nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng dự án "treo", dự án “đắp chiếu" cũng diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây rất nhiều hệ lụy, thiệt hại khó có thể đo đếm.

Tại TP Hồ Chí Minh, có 5 nhóm dự án trọng điểm của thành phố bị chậm tiến độ kéo dài. Trong danh mục các dự án giao thông chậm tiến độ được thành phố quyết định đầu tư, có 115 dự án sử dụng vốn ngân sách, 67 dự án vướng giải phóng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư. Dự án đường Cộng Hoà - Trần Quốc Hoàn, dài 4 km, có vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng vốn đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, cũng phải lùi kế hoạch khởi công đến năm 2025, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu.

Tại Bình Dương, dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng) được khởi công từ năm 2014, đến nay sau 10 năm triển khai vẫn dang dở, bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, còn vô số nhóm công trình giao thông, xây dựng dân dụng…, được liệt vào danh sách các công trình có vốn đầu tư công chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành. Đơn cử như dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 800 tỷ đồng) khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành phần thô. Tại Hà Nội, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng đầu tư 16.290 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, đến nay nhiều đoạn đang thi công thì bỏ dở…

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm với hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực khu đô thị mới Hà Đông với chiều dài gần 53 km. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Có điểm chung là rất nhiều công trình được triển khai bằng vốn đầu tư công không được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của pháp luật. Các công trình dù là trọng điểm hay không trọng điểm đều có vấn đề, từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công, nghiệm thu công trình, thậm chí có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hệ quả là công trình bị chậm tiến độ, chất lượng thi công không bảo đảm, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Có thể nói, các dự án đầu tư công không phát huy được hiệu quả đã gây lãng phí nguồn lực cả về giá trị vốn cũng như các hệ lụy khác. Về mặt kinh tế, ngân sách nhà nước bị tổn thất nặng nề do các dự án chậm tiến độ thường phải tăng mức vốn đầu tư. Về mặt xã hội, lãng phí vốn đầu tư công sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, lãng phí trong đầu tư công biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau, như việc đầu tư dàn trải, nhiều dự án được phê duyệt mà chưa có sự đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả kinh tế dẫn đến tình trạng có dự án hoàn thành đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả. Lãng phí xuất hiện ngay từ bước chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, đấu thầu…) đến quá trình thực hiện. Việc giám sát và quản lý các dự án đầu tư công còn nhiều bất cập dẫn đến hiện tượng tiêu cực, thất thoát vốn đầu tư. Nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện, phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện làm tăng chi phí đầu tư khiến hiệu quả không như mong đợi và gây lãng phí lớn. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và nghiên cứu dự án dẫn tới chồng chéo, thiếu liên kết giữa các dự án cũng gây lãng phí nguồn lực.

Để khắc phục tình trạng trên, cần cải tiến mạnh mẽ quy trình đầu tư công ngay từ khâu lập dự án, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và giám sát trong thực hiện dự án. Các dự án cần lập kế hoạch chi tiết, với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, đồng thời phải tuân thủ quy trình quản lý, kiểm tra, ứng dụng công nghệ số trong giám sát dự án, đặc biệt là giám sát tiến độ và chi phí của công trình.

Bên cạnh đó, chống tham nhũng và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong các dự án đầu tư công là yếu tố quan trọng để hạn chế lãng phí. Minh bạch quy trình đầu tư, kiểm tra định kỳ, xử lý công khai các hành vi vi phạm sẽ là sự răn đe cho những tổ chức, đơn vị, cá nhân có ý định trục lợi từ các công trình có vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc 'cách mạng' xóa đói, giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Là quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận như “một cuộc cách mạng” trong xóa đói, giảm nghèo, làm nên sự đổi thay trải đều và rộng khắp ở cả những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất.

Dấu mốc quan trọng khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đô thị trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Triển vọng kinh tế năm 2024 từ góc nhìn doanh nghiệp

Theo Báo cáo thường niên Earning Insight 2024 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố, tâm lý doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2024 đang ngày càng cải thiện rõ nét.

Việt Nam- Saudi Arabia ký kết bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Chiều 30/10, bên lề Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII-8), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam và Saudi Arabia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal F. Alibrahim ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa

Chiều 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ 10/2024. Nhiều câu hỏi liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng đã được đại diện Bộ Ngoại giao giải đáp.