Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt kỷ lục mới 62 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Ảnh: Bích Hồng/TTXVN

Chia sẻ về kết quả đã đạt được cũng như những định hướng của ngành trong mở rộng thị trường xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại một số sản phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc chia sẻ với phóng viên TTXVN.

Phóng viên: XinThứ trưởng cho biết kết quả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được trong 10 tháng qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ước tính thiệt hại do bão và hoàn lưu bão khoảng 81.500 tỷ đồng, riêng ngành nông nghiệp bị thiệt hại khoảng 30.800 tỷ đồng, chiếm 38%.

Thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và Công điện số 108/CĐTTg ngày 18/10/2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, ngành nông nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất và tăng tốc sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và kịp thời.

Nhờ đó, 10 tháng, kết quả sản xuất nông nghiệp khá tích cực. Sản xuất lúa đạt 40,5 triệu tấn. Mục tiêu 43 triệu tấn lúa năm 2024 sẽ phải đạt được. Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Về chăn nuôi, quy mô đàn lợn vẫn tăng 2,4%, gia cầm tăng 2,3%, thủy sản tăng 2,4%. Nguồn cung thực phẩm cho cuối năm và dịp Tết không đáng quan ngại.

Những kết quả từ sản xuất tích cực trên đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 12%, lâm sản tăng gần 20%, nông sản tăng gần 26%. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD là hoàn toàn vượt qua.

Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay.

Phóng viên: Vừa qua Việt Nam đã ký nghị định thư nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xúc tiến mạnh xuất khẩu sang thị trường Halal. Bộ có kế hoạch tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian tới như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn. Với việc ký thêm 3 nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm đó sang Trung Quốc.

Với thị trường Halal có khó khăn vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao mà các quốc gia lại không thừa nhận chứng nhận Halal lẫn nhau. Thời gian vừa qua, ngành đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Halal, đó là thuốc, vaccine thú y, thịt gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Tập đoàn De Heus Dehus cũng sẽ có sản phẩm thịt gà trong thời gian sớm nhất sang thị trường này.

Việt Nam sẽ từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal. Như vậy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.

Phóng viên: Đến nay, xuất khẩu gạo đã đạt gần 7,8 triệu tấn gạo. Vậy xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt kỷ lục mới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn.

Vừa qua, Ấn Độ đã mở cửa xuất khẩu gạo trở lại và gạo 5% tấm có sự ảnh hưởng nhất định. Nhưng ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được giá xuất khẩu tương đối tốt.

Phóng viên: Ngành đang có nhiều giải pháp mạnh về phát triển chăn nuôi nhưng vẫn bị thâm hụt thương mại cao. Làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại trong chăn nuôi?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng năm 2024 đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 103,8 triệu USD, giảm 7,2%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 133,4 triệu USD, tăng 8,6%. Cùng với đó, sản phẩm chăn nuôi còn đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân trong nước.

Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đạt 3,06 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,6 tỷ USD. Như vậy, ngành chăn nuôi cũng xuất khẩu được khoảng 2 tỷ USD. Đây cũng là tiềm năng lợi thế với nông nghiệp Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo 3 giải pháp trụ cột để phát triển ngành chăn nuôi. Một là chống nhập lậu. Thời gian qua, với sự vào cuộc của báo chí, của các lực lượng chức năng nên đã ngăn chặn tương đối hiệu quả về buôn lậu giống gia cầm ở các tỉnh phía Bắc và lợn ở phía Nam. Có thể thấy, chống buôn lậu đã đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với 11 Tham tán nông nghiệp các nước liên quan đến quy định nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt theo Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Việt Nam đã trả lời đầy đủ với cơ sở khoa học và thực tiễn. Các Tham tán đều nhận thấy Việt Nam đang làm đúng quy định pháp luật của Tổ chức Thú y Thế giới và Việt Nam.

Thứ 3 là tăng cường xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như C.P. Việt Nam, Hùng Nhơn, De Heus để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sang thị trường Halal.

Ba giải pháp trên được triển khai kiên trì, quyết liệt, đồng bộ thì Việt Nam sẽ có sản phẩm chăn nuôi như nhận định “Việt Nam là bếp ăn của thế giới”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

Tin liên quan

Ấn tượng Việt Nam tại Hội chợ Good Food and Wine Show 2024

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, triển khai "Đề án Ngoại giao Kinh tế 2024" nhằm thúc đẩy giao thương và tăng cường sự hiện diện của các thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam tại Australia, qua đó đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào các kênh phân phối sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Good Food and Wine Show 2024 tại thành phố Brisbane, bang Queensland (Australia) từ ngày 25-27/10/2024.

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam- Saudi Arabia ký kết bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Chiều 30/10, bên lề Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII-8), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam và Saudi Arabia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal F. Alibrahim ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa

Chiều 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ 10/2024. Nhiều câu hỏi liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng đã được đại diện Bộ Ngoại giao giải đáp.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Qatar

Sáng 31/10, theo giờ địa phương, tại Hoàng Cung Amiri Diwan ở thủ đô Doha, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani đã chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Tổng Bí thư nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chiều ngày 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS,TS. Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã có buổi trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV. Tham dự buổi trao đổi có GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Dấu mốc quan trọng đối với hợp tác Việt - Nhật trong ngành công nghiệp bán dẫn

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 29/10, Hội thảo khoa học đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất bán dẫn Việt Nam – Nhật Bản đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka, thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Sự kiện là dấu mốc quan trọng đối với hợp tác Việt - Nhật trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tự hào truyền lửa Việt Nam tại Italy

Ngày 29/10, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tiếp ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni, người vừa được nhận giải A, Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024.