Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh biến động thuế quan
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.
Hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó trong bối cảnh Hoa kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá: Tình hình thương mại quốc tế đang diễn biến nhanh và khó lường, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ công bố áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, như: dệt may, da giầy chiếm 21,9%; sản phẩm từ gỗ chiếm 7,58%; nông thủy - hải sản chiếm 3,45% ... Khi bị áp dụng chính sách này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng hoá nội địa và hàng hoá từ các nước khác được áp mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Hoa Kỳ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.

Theo hướng dẫn mới được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) công bố vào cuối ngày 11/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump miễn thuế đối ứng đối với các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính và thiết bị công nghệ khác và linh kiện. Tuy nhiên, nhóm hàng điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn khi Nhà Trắng cho biết việc miễn trừ trên được đưa ra vì Tổng thống Donald Trump muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thời gian để chuyển sản xuất về Hoa Kỳ, theo CNBC.

Trước tình hình đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ trước, trong và sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng. Mới đây nhất, ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ; với Trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng đoàn và thành viên Đoàn đàm phán là Lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nội vụ và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Đoàn đàm phán có nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tiến hành đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Hiện nay, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương chuẩn bị phương án đàm phán; đồng thời ngày 14/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán cũng đã có Công hàm chính thức gửi Trưởng Đại diện Thương mại (USTR), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ để thông báo về đầu mối đàm phán của Việt Nam, đề nghị Hoa Kỳ xác nhận thông tin về nhóm đàm phán của Hoa Kỳ và về lịch trình đàm phán.

Các đại biểu đến từ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các bộ, ngành chức năng đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu chung của Việt Nam và tình hình xuất khẩu một số mặt hàng sang Hoa Kỳ; phân tích chính sách của một số thị trường lớn trên thế giới và cập nhật tình hình Hoa Kỳ; dự báo các những khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới; đề xuất phương án đàm phán về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những ý kiến, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cũng như phương án đàm phán của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đồng thời cho biết, trong những ngày qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho cả 2 bên, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, ổn định, cân bằng, cùng có lợi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Bộ trưởng đã gợi mở 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với các hiệp hội ngành hàng, 8 nhóm nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và đề nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu từ các nước lớn (đặc biệt là Hoa Kỳ), duy trì tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản về Bộ Công Thương trước ngày 20/4/2025 để Bộ rà soát và tập trung giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc chuyển cho các Bộ, ngành chức năng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề không thuộc chức năng hoặc vượt thẩm quyền nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là giúp các Hiệp hội, doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới, tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước./.

Tin liên quan

Tìm động lực phát triển mới trong khó khăn chung

Trải qua hơn một tuần đầy biến động với các cung bậc cảm xúc xoay quanh "cơn địa chấn" thuế đối ứng của Hoa Kỳ, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một trật tự thương mại đang thay đổi mạnh mẽ, khó lường, không có thời gian cho sự "chậm chân".

Tin cùng chuyên mục

Tăng tốc đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định, đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến xem xét lại thuế đối ứng sau 90 ngày thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD trong năm nay.

Thủ tướng dự chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” tại Tây Ninh

Tối 19/4, tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Công an Trung ương (Bộ Công an) phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận “Ký ức để lại”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 65 năm Ngày thành lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các địa phương.

Hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau sáp nhập

Nhằm bảo đảm công tác quản lý đất đai được thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh cả nước đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành văn bản số 911/BNNMT-QLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chi tiết về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên.

Triển khai nhận diện sinh trắc học tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; dự Lễ công bố và thực hiện nghi thức triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay - Công trình quan trọng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).