Học giả Nga tin tưởng động lực mới sau chuyến thăm của Tổng thống V.Putin
Thêm một lần nữa, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên, ông Putin đến thăm khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới, tương tự như chuyến thăm hồi năm 2001, diễn ra sau khi ông nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Mỗi chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia luôn được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương.

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Moskva đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Maxim Syunnerberg, Học viện các nước Á- Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (IAAS MGU). Ông là con trai nhà báo kỳ cựu Aleksey Syunnerberg, người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu và viết về Việt Nam tại hãng tin Sputnik. Với những hiểu biết nền tảng và sâu rộng về Việt Nam, ông chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva những đánh giá tích cực về chuyến thăm nói riêng và quan hệ hai nước nói chung từ cả góc độ lịch sử.

Theo học gia Nga, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam (16/6/1994 - 16/6/2024), đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam thực sự là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á và là một trong những đối tác chiến lược của Nga ở châu Á.

Một điều thú vị nữa là Sa hoàng Nikolai II (1868-1918) đã từng thăm Việt Nam khi còn là hoàng tử kế vị năm 1891. Như vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Nga không chỉ tính từ năm 1950, thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mà nhìn từ góc độ lịch sử, mối quan hệ song phương có bề dày hơn nhiều. Các nhà cách mạng Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng học ở Nga. Nga cũng không quên sự đóng góp của những chiến sĩ Việt Nam tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức, bảo vệ thành phố Moskva trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại năm 1941. Rồi vai trò của Liên Xô tại Hội nghị Geneva năm 1954 khi thảo luận về ranh giới tạm phân chia hai miền Việt Nam. Sau đó, sự giúp đỡ to lớn không thể thay thế của Liên Xô dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1978, Liên Xô và Việt Nam ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Sau đó là thời kỳ Việt Nam hòa bình, phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều rất vui mừng là chuyến thăm năm 2001 của Tổng thống Putin đến Việt Nam đã tạo động lực mạnh mẽ mới cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nga ngay từ buổi đầu của thế kỷ 21.

Chuyên gia Syunnerberg chia sẻ chuyến thăm năm 2001 rất đặc biệt đối với cá nhân ông vì lúc đó ông đang thực tập tại Việt Nam và được dự cuộc gặp của Tổng thống Putin với đại diện cựu sinh viên các trường đại học Liên Xô. Ông nhớ lại Tổng thống Putin khi đó đã rất cảm động trước sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam. Người dân Việt Nam cũng rất ấn tượng với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã đến Việt Nam 4 lần và chuyến thăm cấp Nhà nước trong các ngày 19-20/6 này sẽ là lần thứ 5.

Thêm một lần nữa, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên, ông Putin đến thăm khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới, tương tự như chuyến thăm hồi năm 2001, diễn ra sau khi ông nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Mỗi chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia luôn được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương. Với Việt Nam, ông Syunnerberg tin rằng động lực sẽ rất đặc biệt nhờ hình ảnh tốt đẹp và tích cực mà Tổng thống Putin đã có ở Việt Nam và trong mối quan hệ với Việt Nam./.

Tâm Hằng - Duy Trinh

Tin cùng chuyên mục

Hành trình ý nghĩa 25 năm đồng hành hỗ trợ phát triển tại Việt Nam

GTV đã mở rộng lĩnh vực hoạt động và hiện đang triển khai những dự án hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và vệ sinh, phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, bảo vệ trẻ em và cứu trợ khẩn cấp nhằm xoá đói giảm nghèo, chống bất bình đẳng phân biệt đối xử, thúc đẩy phát triển bền vững.

Viết tiếp sứ mệnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - là một quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Con đường ấy là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Không chỉ mang sứ mệnh trong cuộc kháng chiến, thời bình, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy sức mạnh của con đường huyền thoại, góp phần đưa Việt Nam vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Ngày 8/5/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.