Khơi thông nguồn lực, kiến tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Techfest không chỉ là một sự kiện, mà còn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trong ba ngày từ 26-28/11, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2024 (Techfest Việt Nam 2024). Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về quá trình tổ chức Techfest những năm qua cũng như giải pháp khơi thông nguồn lực liên kết và phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên khắp cả nước nhằm kiến tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

*Phóng viên: Qua 9 lần tổ chức Techfest, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật gì và có những điểm sáng nào trong nhóm startup công nghệ trưởng thành từ Techfest, thưa ông?

*Ông Phạm Hồng Quất: Techfest không chỉ là một sự kiện, mà còn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Qua 9 lần tổ chức, chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức xã hội về khởi nghiệp sáng tạo; gắn kết sự chung tay hỗ trợ cho startup từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; xây dựng cộng đồng khởi nghiệp năng động, kết nối mạng lưới góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo. Techfest cũng tạo ra một sân chơi lớn cho các startup thông qua các hoạt động trình diễn, kết nối đầu tư, kết nối khách hàng và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn dắt.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã trưởng thành từ cái nôi Techfest. Điển hình như: Doanh nghiệp AirX Carbon, nghiên cứu sản xuất vật liệu sinh học, trong đó có vật liệu carbon âm tính. Chưa đầy hai tuần sau khi giành giải Nhì trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023 (Techfest Việt Nam), cái tên AirX Carbon một lần nữa được nhắc đến khi là một trong 3 đội đoạt giải chung cuộc Cuộc thi Net Zero Challenge do Quỹ Touchstone Partners, Temasek (Singapore) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Nhiều doanh nghiệp ngành da giày, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, bao bì cũng hợp tác với AirX Carbon để tìm các nguyên liệu thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất.

Hay như Pva Pro, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nhựa sinh học hòa tan, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa; đạt top 10 Techfest 2023, top 3 Techfest 2022. Nhờ Techfest 2022, Pva Pro đã gọi thành công 1 triệu USD từ Quỹ ITI. Với Beekids, startup tạo ra nền tảng học tập trực tuyến sáng tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, trưởng thành từ Techfest khi lọp top 10 Techfest 2023, doanh nghiệp này đang có 300 nghìn trẻ tham gia, cộng đồng 10 nghìn giáo viên tương tác dạy và học thường xuyên, có hơn 10 nghìn bài học và luyện tập. Mục tiêu của Beekids cuối 2023 và 2024 - 2025, là phục vụ 10 triệu trẻ em kết nối toàn cầu. Beekids cũng nhận được gói hỗ trợ server từ một quỹ đầu tư, nhận đầu tư tài chính từ các nhà đầu tư thiên thần.

*Phóng viên: Techfest 2024 diễn ra đúng thời điểm chuyển đổi sang giai đoạn mới của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - giai đoạn mở rộng với mục tiêu kết nối địa phương với quốc tế. Xin ông đánh giá về nội dung này?

*Ông Phạm Hồng Quất: Techfest 2024 có điểm nhấn kết nối khởi nghiệp sáng tạo từ địa phương ra quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là tổng hòa của hệ sinh thái của các địa phương. Các Techfest trước kết nối ở tầm quốc gia, việc kết nối các địa phương còn hạn chế. Tại Techfest 2024, Ban tổ chức đã mời một số địa phương, thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển của Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và một số nước châu Âu. Đại diện các hệ sinh thái này vừa chia sẻ kinh nghiệm vừa kết nối hợp tác song phương hoặc đa phương với các địa phương của Việt Nam.

Dưới sự hỗ trợ, định hướng của Chính phủ, các địa phương sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù hấp dẫn các nhà đầu tư, tài năng khởi nghiệp sáng tạo không chỉ ở địa phương mình mà còn ở địa phương khác; đồng thời, thu hút các nguồn lực quốc tế. Cách làm như vậy sẽ giúp các địa phương bước ra toàn cầu một cách trực tiếp và năng động hơn. Chúng tôi kỳ vọng, với cách kết nối nguồn lực trực tiếp giữa các thành phố chị em, địa phương anh em trong phạm vi khu vực ASEAN, châu Á, cũng như toàn cầu, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn để có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững, phát triển hơn.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù cho các địa phương. Chúng ta đã có những chính sách đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Luật Thủ đô cho Hà Nội. Sắp tới, có thể sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, ThừaThiên - Huế và một số địa phương khác. Từ đó, việc khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng địa phương; kết nối giữa các địa phương với nhau và với quốc tế sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

*Phóng viên: Với mục tiêu kiến tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, chúng ta cần làm gì để khơi thông nguồn lực liên kết và phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên khắp cả nước, thưa ông?

*Ông Phạm Hồng Quất: Trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế - xã hội. Các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò đầu mối, hội tụ các nguồn lực bên trong và bên ngoài để hiện thực hóa mục tiêu đó. Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối thực hiện tại Quyết định số 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp sáng tạo; trong đó, nhấn mạnh, việc hình thành trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng và quốc gia và quốc tế.

Trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình rất phong phú. Điển hình như hơn 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, được giao trách nhiệm chủ trì triển khai khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh. Cụ thể là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm, cơ chế, chính sách tài chính cho vận hành, phát triển các trung tâm, cơ chế tài chính cho việc cung cấp các dịch vụ công, chương trình, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài... là những hoạt động cần phải được tiếp tục đẩy mạnh.

Việc này cần cơ chế, chính sách đột phá, đặc biệt trong quá trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các cơ chế nhằm phát triển thị trường, thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế một cách thuận lợi hơn.

Tại Nghị quyết 65/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ đề xuất các quy định về mặt định danh, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo, cũng như quy định các cơ chế, chính sách đối với các tổ chức này nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức này trong hệ sinh thái, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Grand Pioneers (Quảng Ninh) được vinh danh là “Hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024”

Du thuyền Grand Pioneers Cruise trên Vịnh Hạ Long được vinh dự là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận giải “Hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024” tại World Cruise Awards. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn lao cho Grand Pioneers mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành du thuyền Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Festival “Đôi bờ Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”

Festival “Đôi bờ Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” nhân kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức từ ngày 27 - 30/11/2024 tại Hà Tĩnh. Festival gồm các hoạt động: Trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Điểm nhấn của Festival là cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” diễn ra tối 27/11/2024 với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ thành danh. Sau 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc lưu giữ, truyền dạy dân ca Ví, Giặm đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

TECHFEST Việt Nam 2024: Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Với chủ đề “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest) 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Hải Phòng tổ chức, diễn ra từ ngày 26 - 28/11/2024 tại Hải Phòng. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, đến năm 2023, qua 9 lần tổ chức, Techfest Việt Nam đã thu hút 21 nghìn lượt người tham dự, hơn 450 nhà đầu tư, hơn 1,4 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng hơn 800 lượt kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.

Giải bóng bàn vô địch Ðông Nam Á: Lần đầu tiên Việt Nam đoạt Huy chương Vàng đơn nữ

Chiều 24/11/2024, Giải bóng bàn vô địch Ðông Nam Á 2024 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan đã kết thúc với thành tích ấn tượng của các tay vợt Việt Nam. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam đoạt Huy chương Vàng đơn nữ sau khi tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh đánh thắng đối thủ người Malaysia là Tay Ai Xin với tỷ số thuyết phục 4-0 ở trận chung kết.

Giải thưởng Kotler Awards 2024: Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến có ảnh hưởng”

Tối 22/11/2024, tại Lễ trao giải thưởng Kotler 2024 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An vinh dự được trao giải “Impactful destination” - “Điểm đến có ảnh hưởng”. Việc giành chiến thắng ở hạng mục “Impactful destination” - “Điểm đến có ảnh hưởng”tại Kotler Awards 2024 chính là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Ninh Bình với hạt nhân là Quần thể danh thắng Tràng An; cũng như những tác động của di sản thế giới này đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch và cuộc sống cộng đồng địa phương.

"Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 23/11/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Di sản được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO vinh danh ngày 8/5/2024.  

Di sản văn hóa - nguồn lực phát triển đất nước

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23/11 hằng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó tới nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm, trở thành nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Cả nước hiện đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn phi vật thể quốc gia. Việt Nam được UNESCO vinh danh 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 10 di sản tư liệu.  

Giữ gìn, phát huy, lan tỏa Di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Tối 23/11/2024, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Sau 10 năm được vinh danh, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra đồng bộ ở nhiều lĩnh vực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.