Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10: Nền tảng số giúp thanh niên khởi nghiệp thành công
Tại Kiên Giang, đến nay, có hơn 20 mô hình khởi nghiệp của thanh niên có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Bạn Trần Thanh Phúc giới thiệu son môi gấc và các sản phẩm từ gấc cho khách hàng.
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Với tinh thần siêng năng, nhạy bén, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện tổ chức Đoàn, hàng trăm thanh niên Kiên Giang đã triển khai thành công các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình khai thác tốt nền tảng số đã giúp mở rộng thị trường kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

* Tận dụng công nghệ số để khởi nghiệp

Mô hình khởi nghiệp từ quả gấc của anh Trần Thanh Phúc, Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp) được Tỉnh đoàn Kiên Giang biểu dương, khen thưởng trong nhiều năm qua vì đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động ở địa phương. Anh Phúc cho biết, từ năm 2019, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan thực tế tại một cơ sở trồng gấc, anh đã mạnh dạn cải tạo đất vườn trồng gấc, đồng thời nghiên cứu chế biến tinh dầu gấc và một số sản phẩm khác từ gấc như son môi, bánh phở...

Sau khi các sản phẩm được khách hàng ủng hộ, anh Phúc vận động thành lập Tổ hợp tác thanh niên trồng gấc xã Thạnh Đông A với 10 thành viên, hơn 15.000 m2 đất sản xuất. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu gấc phục vụ cho chế biến sản phẩm được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, Tổ hợp tác có gần 20 hộ trồng gấc cung ứng cho cơ sở, có từ 5-7 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

“Hơn 1 năm đầu, các sản phẩm của tôi chủ yếu được đăng bán trên trang cá nhân nên chưa được nhiều, thu nhập khá khiêm tốn. Tuy nhiên, sau năm 2022, tôi đã mạnh dạn quay clip, chụp ảnh về quy trình trồng, chế biến sản phẩm đăng tải lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube... giúp mở rộng thị trường và khách hàng. Gần đây, trung bình mỗi tháng cơ sở bán ra từ 700-1.000 sản phẩm, thu nhập từ 50-60 triệu đồng, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng”, anh Trần Thanh Phúc cho hay.

Là mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giành giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2023, các tác phẩm tranh gói vải của anh Nguyễn Minh Trí (22 tuổi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) ngày càng được nhiều khách hàng yêu thích, số lượng đặt hàng không ngừng tăng. Từ giữa năm 2022, tranh thủ buổi tối rảnh rỗi, anh Trí làm tranh gói vải để tặng một số bạn bè, người thân. Sản phẩm của anh được người thân đăng tải, trên các trang mạng xã hội và được người dùng khen ngợi, thích thú và muốn đặt hàng, vậy là từ đó anh "bén duyên" với nghề làm tranh gói vải.

Anh Nguyễn Minh Trí hoàn thiện bức tranh gói vải chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Anh Trí cho hay, tranh gói vải được làm từ vải, bông gòn, giấy mỏng, giấy carton và khung vải lụa trắng làm phông nền. Cách tạo ra một bức tranh gói vải khá kỳ công và trải qua nhiều công đoạn như: Phác thảo nền tranh trên bìa carton, cắt, dán hồ, đắp bông gòn, dán vải, đóng khung. Để làm hoàn thiện một bức tranh thường phải mất từ 7 - 10 ngày. Những bức tranh nếu được bảo quản tốt sẽ có tuổi thọ lên đến 60 năm.

Sau 2 năm tập trung với nghề làm tranh gói vải, đến nay, anh Trí làm ra gần 100 bức tranh, tất cả đều làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu từ khách hàng theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Telegram, Facebook, Zalo... Khách hàng thường đặt làm tranh chân dung, tranh tượng phật, tượng thờ nghệ thuật, cổ tích, phong cảnh, di tích lịch sử, tranh chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

“Trung bình, mỗi tháng khách hàng đặt làm từ 6-8 bức tranh, giá mỗi bức dao động từ 2 triệu đồng trở lên. Trừ chi phí vật tư, tôi thu được trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Các nền tảng số giúp ích cho cuộc sống rất nhiều nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác. Riêng về mô hình khởi nghiệp tranh gói vải, bên cạnh giúp mở rộng thị trường khách hàng, tiện lợi trong giao dịch, các nền tảng số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo còn giúp tôi nâng cao kiến thức, kỹ thuật làm tranh” anh Trí chia sẻ.

* Đa dạng hình thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo anh Phan Đình Nhân, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ hơn 150 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số hơn 600 ý tưởng đăng ký tham gia. Một số mô hình khởi nghiệp tiêu biểu như: Dự án nuôi heo sinh sản của anh Nguyễn Văn Quyết; tinh dầu gấc và các sản phẩm từ gấc của anh Trần Thanh Phúc; mô hình tranh gói vải của anh Nguyễn Minh Trí; phân bón hữu cơ của Doanh nghiệp Hứa Trường Giang; rượu nho rừng của anh Danh Nguyên; thương hiệu trà mãng cầu xiêm Hai Đậu... Đến nay, có hơn 20 mô hình khởi nghiệp của thanh niên có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, thời gian tới, theo anh Phan Đình Nhân, Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên; tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan với đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng, miền, địa phương. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

“Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp như: Kiến thức về quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị chất lượng, quản trị chuỗi cung ứng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ số để mở rộng thị trường phân phối sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh”, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Phan Đình Nhân nhấn mạnh./.

Tin liên quan

Xây dựng thanh niên thế hệ mới phát triển toàn diện

Nhiệm kỳ 2024 - 2029, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hưng Yên phấn đấu hỗ trợ ít nhất 15 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên; giới thiệu việc làm cho 13.000 thanh niên, trong đó ít nhất 5.000 thanh niên có việc làm ổn định.

Tin cùng chuyên mục

Học sinh Hà Nội xếp thứ 2 toàn đoàn tại Olympic Toán và Khoa học quốc tế

Đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế năm 2024 gồm 24 học sinh đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập và ngoài công lập của Hà Nội. Đội tuyển đã đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay với 2 giải xuất sắc nhất ở bài thi khám phá và bài thi lý thuyết cùng 9 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng (tăng 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc so với kết quả đạt được tại kỳ thi năm 2023), xếp thứ 2 toàn đoàn. Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế năm 2024 diễn ra từ 1-6/10/2024 tại Trung Quốc, với sự tham gia của 300 thí sinh đến từ 18 nước.

Sinh viên Việt Nam tại Australia phát huy sức trẻ

Sinh viên là một bộ phận tinh túy, quan trọng, là nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức, đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển của đất nước. Phát huy tinh thần đó, sinh viên Việt Nam tại Australia đã có những bước tiến vượt bậc, điều này được thể hiện ở tinh thần chủ động, xung kích và đồng lòng của Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia (SVAU) nói chung và của 7 hội sinh viên cấp bang và vùng lãnh thổ nói riêng tại quốc gia châu Đại Dương này.

Xây dựng thanh niên thế hệ mới phát triển toàn diện

Nhiệm kỳ 2024 - 2029, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hưng Yên phấn đấu hỗ trợ ít nhất 15 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên; giới thiệu việc làm cho 13.000 thanh niên, trong đó ít nhất 5.000 thanh niên có việc làm ổn định.

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2024: Hiệu quả, an toàn, bền vững, tạo dấu ấn tích cực trong xã hội

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024 diễn ra từ ngày 27/5 - 31/8/2024 với mục đích phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm vì cộng đồng của đội ngũ thanh niên. Theo đánh giá của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các hoạt động thanh niên tình nguyện trên cả nước đã được tổ chức rộng khắp, hiệu quả, an toàn, bền vững, tạo dấu ấn tích cực trong xã hội. Năm 2024 cũng là năm mang dấu ấn đặc biệt với kỷ niệm 25 năm triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè.