Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Hữu Trãi, thanh niên xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm |
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Với khát vọng làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình, thanh niên tỉnh Bắc Ninh đang ra sức thi đua lập thân, lập nghiệp. Nhờ đó, nhiều mô hình khởi nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
* Sáng tạo lập thân, lập nghiệp
Anh Nguyễn Hữu Trãi, ở xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh sớm tiếp cận kinh tế công nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Năm 2017, anh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn HT-CNC chuyên gia công các linh kiện, cơ khí chính xác cho doanh nghiệp, công ty.
Theo anh Nguyễn Hữu Trãi, ở địa phương, thanh niên có nhiều hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Anh từng làm việc ở các khu công nghiệp nên nắm những nguyên tắc cơ bản trong sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, khi quyết định “làm chủ” trong lĩnh vực sản xuất mới, anh phải tìm tòi, học hỏi nhiều từ người đi trước.
Những năm đầu hoạt động, công ty đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhất là về nguồn vốn. Rất may, anh được tổ chức Đoàn Thanh niên giới thiệu nguồn vốn khởi nghiệp. Đây được ví như bà đỡ, đòn bẩy để anh mạnh dạn đầu tư.
Với 1,5 tỷ đồng nguồn vốn vay dự án khởi nghiệp của Đoàn thanh niên cùng huy động thêm nguồn lực từ gia đình, người thân, anh mở mang nhà xưởng, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị. Đến nay, công ty phát triển ổn định, doanh thu trung bình đạt trên 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động.
“Nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn Thanh niên có rất nhiều tính ưu việt, đặc biệt là lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài, thủ tục được hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình. Điều này rất cần cho thanh niên với tiềm lực kinh tế còn hạn chế”, anh Nguyễn Hữu Trãi chia sẻ.
Chị Đinh Thùy Nguyên, chủ Cơ sở Mầm non Newton2, tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du cho biết, trước đây, hai vợ chồng chị làm thuê cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Lúc này, con còn nhỏ, hai vợ chồng thường xuyên tăng ca về muộn nên gửi con đi học ở trường tư thục xa nhà. Điều này vừa tốn thêm chi phí, vừa mất nhiều thời gian. Từ đó ước mơ xây dựng trường mầm non cho con em địa phương được nhen nhóm trong chị.
Thực hiện ước mơ đó, năm 2020, nhờ nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng của Đoàn thanh niên, chị Đinh Thùy Nguyên mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động Cơ sở Mầm non Newton2, tại xã Tân Chi. Cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, gắn với chương trình giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển toàn diện đối với học sinh. Từ 2 lớp, 4 lớp lúc ban đầu, đến nay, cơ sở có 8 lớp học với hơn 130 học sinh.
Theo chị Nguyên, ban đầu khi bắt tay vào mở cơ sở, chị đi tìm hiểu các mô hình giáo dục hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đối với chị, giáo dục cần làm từ chính tâm huyết của mình, mặc dù ban đầu có nhiều khó khăn nhưng với sự động viên của gia đình, đồng hành của tổ chức Đoàn thanh niên đã giúp chị vượt qua, sớm ổn định hoạt động. Đến nay, cơ sở giáo dục của chị trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh ở địa phương. Thời gian tới, chị mong muốn tiếp tục phát triển từ cơ sở thành trường học, mở rộng quy mô trường để có thể chăm lo nhiều hơn nữa cho các con.
Cơ sở Mầm non Newton2, tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du của chị Đinh Thùy Nguyên. |
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
* Hỗ trợ, đồng hành với thanh niên
Đánh giá hiệu quả mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Bảo Đại cho biết, thực tiễn cho thấy, quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên thường gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin về nguồn đầu tư, các chương trình, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt thông tin chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hầu hết dự án đều gặp vướng mắc, khó khăn về vốn.
Năm 2018, Tỉnh đoàn là một trong số ít đơn vị trong cả nước tham mưu Đề án Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025 và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt.
Tỉnh đoàn Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Bắc xây dựng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Ninh với tổng kinh phí 90 tỷ đồng, mức lãi suất 5%/năm. Tính đến nay, sau hơn 5 năm triển khai đề án, có 198 dự án thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận vay vốn, với tổng doanh số cho vay hơn 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, 18 dự án với tổng số vốn 4,9 tỷ đồng đã được hỗ trợ.
Theo đó, các hoạt động hỗ trợ được xác định toàn diện, phù hợp nhu cầu thực tế của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, gồm: Hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ vốn vay cho thanh niên để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; hỗ trợ liên kết bảo đảm đầu ra cho các loại sản phẩm hàng hóa trong mô hình khởi nghiệp của thanh niên…
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Ninh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh thành lập và duy trì câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn dân cư. Các câu lạc bộ này góp phần ươm mầm, hỗ trợ và đầu tư cho ý tưởng, hoạt động khởi nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh năng động, sáng tạo.
Đồng thời, Tỉnh đoàn Bắc Ninh luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi, làm cầu nối cho thanh niên, doanh nhân trẻ có khát vọng khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính để được hỗ trợ về nguồn lực và những điều kiện tốt.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đẩy mạnh vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên áp dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp; hỗ trợ ý tưởng, mô hình khởi nghiệp có tiềm năng được vay vốn…
Hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp đã và đang là hướng đi đúng của tổ chức Đoàn. Tại Bắc Ninh, nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp được triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế của thanh niên. Qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước; đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, bảo đảm an sinh xã hội./.