Kinh tế tư nhân - lực lượng cần thiết xây dựng kinh tế nước nhà |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, hợp tác giữa các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc: “Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của nền kinh tế dân chủ mới… Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thợ thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển…”. Quan điểm này đã thể hiện rõ tính linh hoạt và thực tiễn trong tư duy kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phản ánh sự kết hợp dung hòa giữa các thành phần kinh tế khác nhau để tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Đảng ta đã kế thừa, phát triển và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, khoảng 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp khoảng 55 đến 58% vào GDP, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và thuộc nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á…
Đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.…
Với bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm và khát vọng cháy bỏng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Hoàng Yến