Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật |
Trong khi chờ Hiến pháp ban hành, Người đã ký nhiều sắc lệnh liên quan cấp thiết đến đời sống như Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, Sắc lệnh về việc lập bình dân học vụ, Sắc lệnh về cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội.
Trở thành người đứng đầu nhà nước, Người đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng nền pháp luật non trẻ Việt Nam. Người đã có cống hiến to lớn trong lĩnh vực lập pháp khi không chỉ hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (năm 1946 và 1959) mà còn ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật để hình thành nên một nhà nước pháp quyền - một Nhà nước lấy “thượng tôn pháp luật”, lấy “Thần linh pháp quyền” làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam, kể từ khi đất nước thống nhất đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 3 bản Hiến pháp (1980, 1992 và 2013).
Đồng thời, ý thức về vai trò quan trọng của luật pháp đối với sự phát triển của đất nước, ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sau 20 năm thực hiện, hệ thống pháp luật nước ta đã có bước chuyển quan trọng sang hệ thống pháp luật của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Việc ban hành nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống đất nước và đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, trong đó mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mới đây, trong bài viết "ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định, để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, “một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển”./.
Phương Dung - Thu Hạnh