Lan tỏa giá trị của di sản thế giới |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng văn hóa không chỉ là di sản cần được bảo tồn, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước và con người.
Chính vì vậy, ngay từ năm l945, dù bề bộn với việc chống thù trong giặc ngoài, xây dựng chính quyền non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 về việc ''Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam''. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Người cũng từng nhấn mạnh: “Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc”. Việc mất đi di sản, dù chỉ là một phần nhỏ, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa là nhiệm vụ của mọi thế hệ.
Và với Người, việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phát triển những bản sắc ấy vào cuộc sống. Đó chính là cách tốt nhất để bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi trọng vai trò của các giá trị di sản văn hóa; về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội.
Sự nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời kỳ đổi mới đã được thể chế hóa trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai trong thực tiễn.
Như trong nhiều năm qua, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị của quần thể Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, tạo động lực phát triển du lịch bền vững, lan tỏa giá trị Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Các địa phương đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, phục dựng các hạng mục di tích; phát huy lễ hội, nghi thức truyền thống, bảo tồn cổ vật, mộc bản và hệ sinh thái rừng nguyên sinh gắn với du lịch bền vững.
Công tác bảo tồn được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Việc quần thể Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới mở ra cơ hội phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với di sản./.