Đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nước Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tiếp tục những hoạt động đa dạng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga, dưới sự giới thiệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ngày 17/7, tại Đại phòng Đại học Tài chính ở thủ đô Moskva, sân khấu Lệ Ngọc đã trình diễn vở kịch “Lá đơn thứ 72” trong khuôn khổ Chương trình nghệ thuật Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga. Sau khi ra mắt 3 năm trước, vở kịch đã gặt hái nhiều thành công trên các sân khấu trong nước, cũng như tại Lào và Trung Quốc, trước khi đến với đông đảo khán giả ở xứ sở Bạch Dương.

Vở kịch lấy cảm hứng từ một vụ án oan có thật, người bị kết án đã viết và gửi 72 lá đơn gửi tới Bác Hồ để kêu oan, suốt 8 năm tưởng như vô vọng, nhưng khi con người được đặt vào trung tâm ở các cấp chính quyền, sự chính trực, công tâm đã giúp lật lại vụ án, giải nỗi oan tày đình của một con người, đem lại niềm tin cho một gia đình. Nội dung vở kịch không chỉ xoay quanh nhân vật chính là người bị kết án oan giết người, mà còn khắc họa nhiều “bộ mặt” của xã hội, của quan chức, qua đó nổi lên những vấn đề thời sự về oan sai, tham nhũng, về thói vô cảm, vai trò của những định hướng đúng đắn, giá trị nhân văn trong đời sống.

Vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” trên sân khấu Đại học Tài chính ở Moskva. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại LB Nga, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạo diễn, cho biết dẫu hình tượng Bác Hồ đã được khai thác rất nhiều trên sân khấu, song để sân khấu “sáng đỏ đèn” suốt hơn 3 năm qua, cần phải tìm được những tứ mới, với “Lá thư thứ 72” đó là sự quan tâm của Bác đối với số phận con người. Các tác giả và đạo diễn đã thành công xây dựng các nút thắt, các xung đột “sân khấu” để giữ trọn được sự chú ý của người xem trong suốt 120 phút.

Cảnh trong vở kịch nói “Lá đơn thứ 72”. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Lý giải về việc đưa vở kịch chính luận này sang diễn phục vụ bà con kiều bào Nga, NSƯT Nguyễn Văn Hải, Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc, người đóng vai Bác Hồ, cho biết ngoài việc kỷ niệm sự kiện năm chẵn trong quan hệ song phương, nước Nga còn là nơi Bác Hồ đã đặt chân đến hơn 100 năm trước đây trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, và ngày hôm nay vở kịch đã đưa Bác “quay lại” đất nước Người rất yêu quý. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với toàn thể các nghệ sĩ trong đoàn. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải cho biết trong hơn 300 đêm diễn vở kịch đã luôn được đón chào nồng nhiệt, có thể thấy tại Nga cũng vậy, vở kịch thu hút một lượng lớn khán giả từ nhiều thành phần, bà con cộng đồng đã xem rất chăm chú.

Đáng chú ý là dù là kịch nói diễn bằng tiếng Việt song sự kiện văn hoá này thu hút không ít các bạn Nga và lãnh đạo Đại học Tài chính, ngôi trường danh giá đào tạo nên không ít thế hệ các chuyên gia tài chính cho Việt Nam. Đến dự và chào mừng vở diễn, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết tới đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động giao lưu và quảng bá văn hóa lớn khác giữa hai nước, tạo đà thúc đẩy hợp tác về giáo dục, văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và Nga lên một tầm cao mới, góp phần thay đổi diện mạo quan hệ song phương.

Văn nghệ tại đêm diễn đầu tiên. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Sau đêm diễn đầu tiên, sân khấu Lệ Ngọc sẽ còn cống hiến cho bà con kiều bào các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Moskva./.

Tâm Hằng - Trần Hải

Tin cùng chuyên mục

Đặt con người ở trung tâm của cải cách và phát triển

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được hình thành trên cơ sở kế thừa chủ nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người. Trong đó khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Tổng hợp luyện diễu binh chuẩn bị 80 năm Quốc khánh

Ngày 17/7, tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Miếu Môn (Hà Nội), hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an đã tham gia buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Sau nhiều tháng miệt mài tập luyện, đây là lần đầu các khối đồng diễn cùng nhau, nhằm rà soát đội hình, nhịp bước và khoảng cách hàng ngang, hàng dọc.

TP Hồ Chí Minh: Tiên phong ứng dụng ChatGPT vào phục vụ hành chính công

Không cần phải đến trụ sở UBND phường để xếp hàng hay dò dẫm quy trình làm thủ tục, người dân phường Tân Hưng (TP Hồ Chí Minh) chỉ cần quét mã QR, truy cập nền tảng ChatGPT tích hợp trợ lý ảo là đã có thể tra cứu thông tin, hướng dẫn hồ sơ và tải biểu mẫu chỉ trong vài phút.

Ảnh 360 độ: Tuyệt tác giao thông giữa lòng hồ An Mã

Vượt lên khái niệm hạ tầng đơn thuần, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam) băng qua hồ An Mã (tỉnh Quảng Trị mới) đang trở thành biểu tượng giao thoa giữa kỹ thuật hiện đại và thiên nhiên hữu tình – một “cung đường trên hồ” đẹp ở miền Trung.

Tuổi trẻ kiều bào chung tay "viết tiếp câu chuyện hòa bình"

Tối 16/7, trong khuôn khổ chương trình “Trại hè Việt Nam 2025” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức, Lễ Khai mạc chương trình “Trại hè Việt Nam 2025” với chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình” chính thức diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.

Hoạt động của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh tại Nam Phi

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi từ ngày 13 - 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Nam Phi và hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện Nam Phi tại thành phố Cape Town. Phó Chủ tịch và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi tại thành phố Johannesburg và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi tại thủ đô Pretoria.

Bún bò Huế là Di sản văn hóa quốc gia

Bún bò Huế là món ăn nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, là kết tinh của hàng trăm năm tri thức dân gian, phản ánh sâu sắc tâm hồn, phong cách sống và văn hóa ẩm thực của người Huế. Việc Bún bò Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Tri thức dân gian không chỉ khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực Huế, mà còn là bước đệm ý nghĩa trong lộ trình đưa Huế trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực.

Các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam

Vào hồi 13h2 ngày 12/ 7/2025 (giờ Paris), tức 18h2 ngày 12/ 7/2025 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) tại Paris, Pháp, Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).