Liên tiếp xuất hiện nhiều vụ quay lén tinh vi khiến người trong cuộc bức xúc và làm cho dư luận dậy sóng.
Ngày 25/6, người mẫu Châu Bùi đăng một bài viết trên trang Facebook cá nhân, kể lại cảm giác sốc khi chính cô trở thành nạn nhân quay lén lần đầu tiên trong 10 năm làm nghề. Dù nhóm của Châu Bùi đã cẩn thận kiểm tra cẩn thận gương, tường trong nhà vệ sinh của studio ở quận 3 (TP. Hồ Chí Minh), nhưng không thể ngờ vật thể như chiếc đồng hồ bị ai đó để quên lại là chiếc camera quay lén ngụy trang. Người mẫu cho biết cô bàng hoàng không nói nên lời khi nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm trên cơ thể được ghi lại cực kỳ rõ nét.
Mấy ngày sau, ngày 30/6, hai nữ sinh thuê phòng trọ tại phường Nghĩa Đô (Hà Nội) phát hiện một camera giấy kín trong ổ điện hướng vào nhà vệ sinh.
Chiều 4/7, Công an huyện Can Lộc ở Hà Tĩnh đã bắt tạm giam 3 tháng một người có hành vi lắp đặt thiết bị quay lén trong một nhà nghỉ để ghi lại cảnh nhạy cảm của du khách, rồi liên lạc để đe dọa, tống tiền.
Đối tượng quay lén ở Hà Tĩnh tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN phát |
Không chỉ ở trong không gian kín như phòng ngủ hay nhà vệ sinh, quay lén còn có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào.
Trong những tháng hè gần đây, nhiều du khách nữ đi tắm biển kể lại việc mình bị những đối tượng tiếp cận trên bãi biển để phỏng vấn rồi quay lại hình ảnh nhạy cảm và tung lên mạng.
Hay như một nhà sáng tạo nội dung tại TP. Hồ Chí Minh mới đây cũng hoảng hốt khi thấy hình ảnh của mình bị ai đó quay lén khi cô đang đổ xăng.
Là một người nổi tiếng, nên khi Châu Bùi đăng bài cảnh báo về hành vi quay lén, bài viết của cô ngay lập tức kích hoạt làn sóng phẫn nộ, lên án hành vi không thể chấp nhận được. Nhiều người từng là nạn nhân quay lén đã lên tiếng kể lại câu chuyện mình từng giấu kín, kể lại nỗi ám ảnh tâm lý đã phải chịu đựng dai dẳng trong im lặng nhiều năm trời.
Bài đăng của Châu Bùi. Ảnh chụp màn hình Facebook |
Có thể thấy, nạn nhân quay lén thường có hai lựa chọn: một là trình báo công an, hai là im lặng chịu đựng. Lựa chọn thứ hai đã vô tình tiếp tay cho cái xấu tồn tại, bám rễ và ngày càng trở nên xấu xí hơn.
Ngoài tâm lý sợ hãi và sự im lặng của nạn nhân, hành vi quay lén còn tồn tại và sống khỏe bởi vì có quá nhiều thứ dung túng cho nó, từ chế tài không đủ sức răn đe tới hành vi của một bộ phận cộng đồng mạng.
Trước hết, nói về mặt chế tài, trong trường hợp phát hiện hành vi quay lén mà video quay lén chưa được tung lên mạng, chưa phát tán và thủ phạm mới thực hiện hành vi đó lần đầu, thì thủ phạm chỉ bị phạt hành chính. Số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng là quá nhỏ so với những khủng hoảng tinh thần, vết thương tâm lý dai dẳng, ám ảnh sợ hãi mà nạn nhân phải gánh chịu. Mới đây, một chủ nhà trọ ở quận Hà Đông (Hà Nội) chỉ bị phạt 12,5 triệu đồng cho dù đã lắp camera quay lén nữ sinh thuê phòng suốt 3 năm.
Ngoài xử phạt hành chính, nếu hành vi quay lén nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đối tượng quay lén mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong thực tế, dù là quay lén vì mục đích thỏa mãn tâm lý lệch lạc hay vì mục đích trục lợi, thì số người bị xử phạt vì hành vi này dường như quá ít so với số vụ vệc, xét đến số lượng video quay lén xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Người quay lén và phát tán video quay lén không sợ bị phạt, mà bất chấp để câu view, để kiếm tiền khi biết rằng luôn có sẵn những người sẵn sàng vào clip quay lén để xem, bấm like, bình phẩm, chia sẻ… Chính một bộ phận cư dân mạng vô tư xem và chia sẻ những hình ảnh đó đã tiếp tay cho hành vi vi phạm cả pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Họ xem những video đó về những nạn nhân xa lạ một cách hào hứng, tò mò, hiếu kỳ mà không hề lường trước rằng, một ngày nào đó, người thân của họ có thể xuất hiện trong những video tương tự.
Nếu như nạn nhân quay lén không phải là người nổi tiếng như Châu Bùi, thì có lẽ vụ việc sẽ không giành được sự quan tâm lớn như vậy và lại nhanh chóng rơi vào quên lãng cho đến khi có nạn nhân tiếp theo.
Một số quốc gia cũng chịu áp lực dư luận và gặp nhiều khó khăn trong xử lý hành vi quay lén. Ví dụ như ở Hàn Quốc. Những người phạm tội quay lén ở nước này nếu bị kết án sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10 triệu won (9.100 USD) hoặc án tù tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, vấn nạn quay lén ở Hàn Quốc vẫn tràn lan tới mức có những phụ nữ không dám dùng nhà vệ sinh công cộng, luôn phải cảnh giác và lo sợ bị đàn ông quay lén ở nơi công cộng. Để trấn áp hành vi này, cảnh sát đã trao thưởng tiền mặt cho những người báo cáo tội phạm quay lén. Tại thủ đô Seoul, chính quyền thậm chí đã thuê hàng chục người dùng thiết bị lùng sục khắp các phòng tắm, các không gian công cộng để tìm camera quay lén.
Dù ở Hàn Quốc hay Việt Nam, có thể nhận thấy rằng hành vi quay lén tràn lan một phần là được tiếp sức bởi công nghệ và thiết bị quay lén ngày càng phổ biến, tinh vi, hiện đại, khó phát hiện. Ở nước ta, những thiết bị này còn được bán với giá rẻ trên khắp các trang thương mại điện tử hay hội nhóm công khai trên mạng xã hội, cho dù kinh doanh camera là một loại hình kinh doanh có điều kiện.
Vì thế, trong lúc chờ siết chặt chế tài, chờ một bộ phận cư dân mạng thay đổi thái độ với hành vi quay lén, hay chờ cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động kinh doanh camera, có lẽ biện pháp duy nhất mà phụ nữ có thể thực hiện ngay để tránh trở thành nạn nhân, chính là tinh thần đề cao cảnh giác, tự bảo vệ chính mình.