Long An: 50 năm phát triển cùng đất nước
Long An đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là địa phương có diện tích khu công nghiệp được quy hoạch lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Dương)...
Cảng quốc tế Long An có diện tích 1,47 km2, trên luồng sông Soài Rạp, thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. 
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Sau giải phóng, năm 1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường (cũ) và hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa (cũ) để trở thành tỉnh Long An như ngày nay. Kể từ đó, con người cùng mảnh đất Long An đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, đồng hành cùng cả nước trên con đường xây dựng và phát triển.

*Đánh thức vùng “đất chết”

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An vừa phải xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của 2 cuộc chiến tranh; vừa phải đối mặt với cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tàn khốc. Trong khi đó, tình hình kinh tế trong tỉnh gặp muôn vàn khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật kém phát triển, lạc hậu; nạn thiếu lương thực và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu xảy ra khá phổ biến, tệ nạn xã hội tăng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, ngày 27/6/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Nghị quyết “thử nghiệm” việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh. Đây được xem là nghị quyết lịch sử đánh dấu cho bước khởi đầu đổi mới của tỉnh. Nền kinh tế, sản xuất của tỉnh có sự phục hồi, tăng trưởng rõ rệt, đời sống nhân dân được ổn định và có chiều hướng dần dần cải thiện. Việc huy động nguồn hàng vào tay Nhà nước tăng lên khá nhiều. Nhờ đó, tỉnh đã thực hiện vượt mức nghĩa vụ đóng góp với Trung ương về lương thực, nông sản, thực phẩm và công nghệ phẩm. Từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, sản xuất lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu địa phương, Long An đã vươn lên và đi đầu trong cải cách kinh tế.

Cũng trong khoảng thời gian này, Long An thực hiện một chủ trương mang tính đột phá là tập trung nhân lực, vật lực khai phá tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An – Nguyễn Thanh Hải, đây là một chủ trương vô cùng táo bạo vì Đồng Tháp Mười là vùng đất phèn, được mệnh danh “vùng đất chết, không thể cải tạo, không thể trồng lúa”.

Bà Nguyễn Thị Bé, nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An cho biết, muốn khai phá Đồng Tháp Mười, nhất thiết phải mở một con đường và con đường xuyên giữa Đồng Tháp Mười được lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó quyết tâm thực hiện.

“Ngày ấy, tôi đang làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn, được phân công làm Chỉ huy trưởng phụ trách tất cả các lực lượng của khối cơ quan và các địa phương tham gia mở đường 49 (nay là Quốc lộ 62). Hầu hết những người tham gia đều trong độ tuổi thanh niên đang sục sôi khí thế tuổi trẻ. Mỗi đơn vị được giao phụ trách thi công một đoạn đường, đơn vị nào làm xong trước thì về trước, cũng vì vậy mà giữa các đơn vị tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi. Lúc nào trên công trường cũng có trên 1.000 đoàn viên, thanh niên các lực lượng thường trực thi công, đắp đất làm đường”- bà Nguyễn Thị Bé kể lại.

Cũng vào khoảng thời gian trên, năm 1984, tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của hai tỉnh Đồng Tháp và Long An gắn liền với tên tuổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi vào hoạt động. Người dân địa phương gọi đây là kênh Trung ương vì con kênh này do Trung ương chỉ đạo đào để cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất... Từ tuyến kênh này, hàng trăm con kênh, rạch được xẻ ngang, dọc giữa Đồng Tháp Mười đưa nước ngọt về rửa phèn, biến “rốn phèn” dần trở thành vùng đất phù sa màu mỡ.

Có mặt trên vùng Đồng Tháp Mười từ những ngày đầu sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Thơi (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) bắt tay vào công cuộc khai hoang, lập nghiệp. Ông Thơi cho biết, thời điểm trước, toàn vùng hoang hóa, lau sậy, kênh mương thủy lợi chưa có, nguồn nước nhiễm phèn nên năng suất trồng lúa đạt rất thấp. Nhưng rồi dần theo thời gian, từ đôi tay khai phá của con người, hệ thống thủy lợi, kênh, mương được khơi thông, xả phèn nên việc sản xuất thuận lợi hơn, năng suất lúa tăng dần. Hiện tại, gia đình ông sở hữu hơn 60 ha đất trồng lúa, tất cả đều sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, mỗi năm làm 3 vụ với năng suất bình quân 6,5-7 tấn/ha/vụ. Bên cạnh mang lại khoản thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình, ông Nguyễn Văn Thơi còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động trong vùng với thu nhập khá ổn định, dao động từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Tuyến đường 49, tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đã tạo đòn bẩy để đánh thức vùng đất đang “ngủ yên” trở thành vựa lúa trù phú. Hàng chục ngàn hộ dân từ các huyện phía Nam của tỉnh Long An và nhiều địa phương trong cả nước kéo về đây ra sức khai hoang, lao động, sản xuất. Và đến nay (2024), diện tích gieo sạ lúa toàn vùng đạt gần 448.000ha, năng suất đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2,7 triệu tấn, trong đó gần 80% là lúa chất lượng cao. Cùng với vùng Tứ Giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ), vùng Đồng Tháp Mười (bao gồm phần diện tích của tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang) ngày nay đã trở thành hai vựa lúa lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ nhu cầu của người dân trong nước và xuất khẩu.

*Vươn lên, hội nhập và ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng hơn

Long An phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải và logistics thúc đẩy công nghiệp. 
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Khai phá tiềm năng của một vùng đồng bằng rộng lớn, Long An giải quyết được bài toán về lương thực. Tuy nhiên, bước vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nơi đây vẫn là tỉnh nông nghiệp nghèo, thu nhập của người dân đạt mức thấp. Do đó, theo ông Trương Văn Tiếp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, để tạo bước đột phá, Đảng bộ tỉnh Long An xác định mục tiêu: "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô và trình độ ngày càng cao hơn"; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và xúc tiến việc thành lập các khu, cụm công nghiệp.

Năm 1997, hai khu công nghiệp đầu tiên của Long An được Chính phủ phê duyệt là Đức Hòa 1 và Đức Hòa 2 (nay là khu Công nghiệp Xuyên Á), mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là mô hình thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong quản lý quy hoạch, sắp xếp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và có điều kiện tốt hơn trong hoạt động xuất - nhập khẩu trước xu thế hội nhập kinh tế và giao thương quốc tế đang từng bước phát triển.

Đồng thời, Long An có lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng. Từ năm 2000, làn sóng đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp từng bước dịch chuyển về tỉnh Long An, cùng với việc Chính phủ quyết định gia nhập Long An vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, là những yếu tố quan trọng để địa phương tiếp đón các nhà đầu tư mới. Làn sóng này đã đưa 35 doanh nghiệp về đầu tư 34 dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại 17 khu công nghiệp của tỉnh vào đầu những năm 2000.

Hệ thống nhà xưởng đầu tư tại Khu công nghiệp An Phú Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. 
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Hạ tầng khu công nghiệp được xây dựng, nhiều nhà đầu tư tìm đến Long An để xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Các hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển nhanh chóng, kéo theo thương mại dịch vụ phát triển. Nền kinh tế của Long An dần dịch chuyển từ một tỉnh sản xuất nông nghiệp nghèo, công nghiệp nhỏ lẻ chuyển sang tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, bài toán việc làm cho người dân cũng được giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng cao.

Đánh giá quy mô nền kinh tế hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út cho biết, Long An hiện có quy mô kinh tế đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 13 cả nước, với tổng GRDP đạt gần 190.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 107,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 52,08%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm chưa đầy 16%.

Long An đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đây cũng là địa phương có diện tích khu công nghiệp được quy hoạch lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) với 51 khu, tổng diện tích hơn 12.500ha; trong đó, hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư với tổng diện tích gần 4.300ha. Toàn tỉnh hiện có 2.250 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 475.000 tỷ đồng; có hơn 1.400 dự án FDI với tổng vốn hơn 12,7 tỉ USD, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thời gian tới, theo Bí thư Tỉnh ủy Long An – Nguyễn Văn Quyết, tỉnh quyết tâm phát triển nhanh, bền vững hơn; đồng thời, tập trung thực hiện thắng lợi “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt là việc hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh thành một tỉnh mới, mở ra không gian, dư địa to lớn hơn để phát triển mạnh mẽ hơn. Việc hợp nhất không làm mất đi bản sắc riêng, mà chính là sự kế thừa tinh thần bất khuất, cần cù, đổi mới và sáng tạo của cha ông để quyết tâm phát triển bền vững, toàn diện vì thịnh vượng chung./.


Tin liên quan

50 năm đất nước nở hoa

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn, hạ tầng lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động của khu vực, hội nhập sâu rộng với thế giới, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Tin cùng chuyên mục

Chương trình Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo

Tối 3/5, tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975–1/5/2025)” với chủ đề "Côn Đảo- Hùng ca ý chí Việt Nam".

Doanh nghiệp Việt nắm bắt xu thế để vào thị trường Canada

Tham gia triển lãm thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ SIAL tại Canada năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được xu thế đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng của phía Canada để tham gia với quy mô lớn cả về số lượng doanh nghiệp lẫn chủng loại hàng hóa. Điều này thể hiện sự nhạy bén của Thương vụ Việt Nam tại Canada trong việc kết nối các doanh nghiệp của hai nước trong bối cảnh phức tạp về thuế quan.  

Hưng Yên đinh ninh lời Bác

Hưng Yên là mảnh đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm, quý mến. Sinh thời Bác đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Trong những năm kháng chiến, lần đầu tiên về Hưng Yên Bác nhắn nhủ: "Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".

Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Năm 1947, khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi bác sĩ. Thư viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam...”

TP Hồ Chí Minh tri ân các lực lượng tham gia diễu binh

Sáng 2/5, tại Nhà ga T3, Sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố đã đến tiễn các lực lượng tham gia Lễ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở về đơn vị.

Thứ trưởng Văn hóa Venezuela sẽ hát về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Venezuela Alí Alejandro Primera ngày 1/5 (giờ địa phương) khẳng định ông sẽ đích thân biểu diễn những bài hát nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chương trình nghệ thuật “Mãi mãi Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2025), như một lời tri ân của nhân dân Venezuela dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng thế giới.

50 năm: Từ cựu thù thành Đối tác chiến lược toàn diện

Ngày 1/5, Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia tại thành phố New York (Hoa Kỳ) đã tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Cựu thù thành đối tác”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo quan chức và cựu quan chức ngoại giao, cựu chiến binh, học giả, sinh viên hai nước, đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như nhiều bạn bè quốc tế ủng hộ trong trào phản chiến.