![]() |
Công nhân Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé thực hiện cạo mủ trên vườn cao su. Ảnh: TTXVN phát |
Chính vì vậy, doanh nghiệp cao su đã nhìn thấy rõ hướng đi nào để cao su Việt Nam nâng vị thế cạnh tranh với thị trường thế giới.Xanh hoá toàn chuỗiXanh hoá toàn chuỗi cao su hiện được nhiều doanh nghiệp áp dụng từ khâu giống, vườn cây, chế biến đến sản phẩm cuối cùng cung cấp cho khách hàng. Đi tiên phong trong chuỗi này, có thể nói đến Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
Ông Chu Đăng Khoa – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho biết: “Tổng công ty đã phát triển hệ sinh thái số phục vụ sản xuất kinh doanh như: hệ thống DNRC-GIS, phần mềm lịch nông vụ, quản lý sản lượng, lao động, hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu DNRC-Traceability… đảm bảo yêu cầu của thị trường châu Âu (EUDR), đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải ròng (Net zero) vào năm 2050. Các hệ thống này đã giúp tối ưu hóa quy trình điều hành, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra một cách chặt chẽ và minh bạch, đáp ứng chuẩn mực quốc tế như VFCS/PEFC – FM”.
Ngoài cao su Đồng Nai, hiện có nhiều doanh nghiệp cao su khác cũng đang hướng tới xanh hoá toàn chuỗi sản xuất này. Theo ông Trần Hoàng Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa chia sẻ, cao su Phước Hoà đã lồng ghép chiến lược “xanh hóa” trực tiếp vào kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Công ty đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản lý rừng bền vững, thông qua việc thiết lập hệ thống bản đồ tọa độ địa lý (geo-location) cho toàn bộ vùng nguyên liệu. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện rõ ràng từ cấp bản đồ vườn cây đến sản phẩm cuối cùng, giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về không phá rừng.
Trong lĩnh vực chế biến, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa tiên phong áp dụng giải pháp công nghệ xanh, bao gồm: sử dụng Gas LPG và sinh khối Biomass trong quy trình xông sấy mủ cao su; tái sử dụng nước thải và xử lý tuần hoàn; tận dụng bùn thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh; giảm thiểu chất thải rắn và khí thải từ các nhà máy chế biến. Trong đó, riêng lượng bùn thải từ xử lý mủ cao su, công ty đã sản xuất được khoảng 2.000 tấn phân vi sinh/năm để bón lại cho các vườn cao su. Những giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giảm đáng kể tác động đến môi trường.
Nhằm nâng cao nhận thức và đồng hành cùng người lao động, mỗi năm, công ty đều tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rừng bền vững cho người lao động và đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hành và sự gắn bó lâu dài với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh không tránh khỏi những thách thức lớn về chi phí đầu tư ban đầu, từ thiết bị công nghệ, đào tạo nhân sự, đến triển khai hệ thống công nghệ thông tin và các thủ tục chứng nhận. Hơn nữa, công ty cũng xác định rõ đây là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường cao cấp như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ; gia tăng uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Do đó, trong giai đoạn tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn: tái chế phụ phẩm từ mủ cao su, tận dụng năng lượng mặt trời cho sản xuất; tham gia thị trường tín chỉ carbon nếu điều kiện pháp lý và kỹ thuật cho phép. Công ty đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái sản xuất bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người trồng cao su - cộng đồng - chính quyền địa phương, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Nâng cao giá trị sản phẩmPhát triển xanh là con đường bắt buộc các doanh nghiệp cao su Việt Nam phải thực hiện nhưng nếu chỉ phát triển xanh mà không tận dụng lợi thế thì cũng không thể mang về lợi ích kép cho ngành cao su Việt Nam. Chính vì vậy, an toàn môi trường nhưng nâng cao giá trị kinh tế cũng là bài toán cần nhiều phương pháp giải của doanh nghiệp ngành cao su.
Ông Chu Đăng Khoa chia sẻ, ngoài những sản phẩm truyền thống, Tổng công ty Cao su Đồng Nai còn nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Pale Crepe, Latex Low-protein, Latex TMTD-Free, SVR L, SVR 3L Low-protein, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cao su thiên nhiên thay thế silicone và cao su tổng hợp với giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Sản phẩm cao su của Tổng công ty đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, đối tác gồm các tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.
Tổng Công ty cao su Đồng Nai cũng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tinh chế, tăng giá trị gia tăng, hạn chế xuất thô; phát triển hệ thống sản phẩm đa dạng, đáp ứng tiêu chí xanh – sạch – dễ ứng dụng, phục vụ các ngành công nghiệp, y tế, giao thông, thiết bị không gian. Hướng tới tương lai, cao su Đồng Nai đề ra chiến lược phát triển “xanh – sạch – số”, bao gồm tăng năng suất vườn cây lên khoảng 2,5 tấn/ha, mở rộng chuỗi giá trị cao su chế biến sâu, gỗ và khu công nghiệp. Việc ứng dụng chuyển đổi số và rừng bền vững sẽ giúp Tổng công ty trở thành hình mẫu phát triển toàn diện trong hệ sinh thái của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, mở ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cao cấp. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi chi phí đầu tư cao cho trang thiết bị, đào tạo nhân lực và đạt chứng nhận quốc tế. Vì vậy, các công ty đang xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp-người trồng-cộng đồng-chính quyền địa phương để tạo giá trị lâu dài cho toàn chuỗi cung ứng.
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục nhiều biến động, yêu cầu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng cấp thiết, Đảng bộ Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam xác định chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống ngành cao su; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững toàn diện”.
Cụ thể, tập trung vào nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; trong đó, vai trò nêu gương và đổi mới phương thức lãnh đạo là then chốt, tiếp tục cơ cấu lại các lĩnh vực đầu tư, phát triển ba trụ cột chiến lược cao su – khu công nghiệp – năng lượng sạch. Cùng đó, gắn với chuyển đổi số và đổi mới mô hình quản trị, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo đảm an sinh, tạo động lực bền vững từ nội lực con người. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, điều hành, mở rộng thị trường theo hướng minh bạch, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như EUDR, ESG./.