Nhiều chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. 
Ảnh: TTXVN phát

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024; tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước; nghiên cứu việc giảm mức thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và một số khoản thu phí, lệ phí khác.

Theo đó, về thuế giá trị gia tăng tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024). Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan.

Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Ngày 17/5/2024, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành Nghị định. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu này tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 587,5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và kích cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong trường hợp giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với thời gian 6 tháng thì sẽ giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 5.200 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024. Dự kiến tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Về tiền thuê đất, Bộ Tài chính cũng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp tổng kết, đánh giá việc thực hiện giải pháp về giảm tiền thuê đất theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức cho phù hợp với thực tế. Như vậy, trường hợp thực hiện các giải pháp bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí và lệ phí giảm thêm hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, gồm 8,5 nghìn tỷ đồng giảm thu theo các chính sách ban hành năm 2023 làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Theo đó, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư về Quốc hội

Chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.