Những ý tưởng khoa học của học sinh mang tính ứng dụng cao
Những dự án của các em không chỉ thể hiện được ý tưởng và khả năng sáng tạo khoa học của học sinh mà còn mang tính ứng dụng cao trong đời sống...

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025, tỉnh Nam Định có 3 dự án dự thi và đều đoạt giải. Những dự án này không chỉ thể hiện được ý tưởng và khả năng sáng tạo khoa học của học sinh mà còn mang tính ứng dụng cao trong đời sống...

* Phát triển sản phẩm y khoa

Nhóm học sinh Phạm Gia Phát và Nguyễn Trọng Đức, Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trao đổi cùng cô giáo hướng dẫn về cách tạo gel fibrin từ máu dây rốn người sử dụng trong điều trị cầm máu và liền vết thương. 
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Giành giải Nhì cuộc thi với dự án “Gel Fibrin từ máu dây rốn người - Giải pháp mới trong điều trị cầm máu và liền vết thương”, nhóm học sinh Phạm Gia Phát (lớp 11 chuyên Sinh) và Nguyễn Trọng Đức (lớp 11A1), Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) đã gợi mở việc phát triển sản phẩm y khoa có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả kinh tế.

Em Nguyễn Trọng Đức cho biết, trong quá trình học tập và cuộc sống hằng ngày, nhận thấy việc cầm máu ở những vết thương nhỏ diễn ra nhanh nhưng với những vết thương lớn quá trình này rất lâu, Đức và Phát đã suy nghĩ về sản phẩm sinh học, giúp đẩy nhanh quá trình cầm máu.

“Quá trình tìm hiểu, biết được gel fibrin từ huyết tương giàu tiểu cầu đã được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật để cầm máu. Ở nước ta đã có một số báo cáo về tác dụng của huyết tương giàu tiểu cầu từ máu dây rốn trong kích thích liền vết thương nhưng chưa có công bố nào về việc sử dụng gel fibrin từ huyết tương giàu tiểu cầu từ máu dây rốn cho tác dụng cầm máu và bịt vết thương. Do đó, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, chúng em đã lên ý tưởng thực hiện đề tài khoa học này”, em Đức chia sẻ.

Để tạo gel fibrin, nhóm học sinh đã lấy máu dây rốn người được thu thập trong 24 giờ, bảo quản ở 4 độ C, tiến hành ly tâm nhiều lần để thu được mẫu huyết tương giàu tiểu cầu. Ở mẫu huyết tương này, các em đã bổ sung thêm canxi gluconat 10% theo tỉ lệ 8:2, ủ tại nhiệt độ 37 độ C và thu được gel fibrin. Nhằm tìm hiểu hiệu quả cầm máu và kích thích liền vết thương của gel fibrin từ máu dây rốn, nhóm học sinh đã kết hợp 2 phương pháp nghiên cứu “in vivo” (nghiên cứu được thực hiện trên một sinh vật sống) và "in vitro" (nghiên cứu được thực hiện trong đĩa thí nghiệm hoặc ống nghiệm).

Qua 2 phương pháp nghiên cứu, các em khẳng định gel fibrin từ máu dây rốn có khả năng cầm máu nhanh hơn. Cùng với đó, các em nhận thấy, ngoài việc an toàn với tế bào, tăng khả năng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi, gel còn có khả năng kích thích sự hình thành mạch máu.

Em Phạm Gia Phát cho hay, điểm mới trong dự án là sản phẩm được nghiên cứu sử dụng máu cuống rốn thay cho máu ngoại vi. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào vì sau khi sinh nở, cuống rốn được loại bỏ và có thể được nghiên cứu sử dụng. Bên cạnh đó, các em sử dụng canxi gluconat thay cho canxi clorua - chất được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm gel fibrin hiện nay. Canxi gluconat giúp quá trình tạo gel nhanh, không gây kích ứng, không tác dụng phụ, đồng thời kích thích nhiều yếu tố tăng trưởng giúp làm nhanh quá trình liền vết thương.

*Giải pháp bảo quản rau củ tiết kiệm

Nhóm học sinh Nguyễn Bảo Ngọc và Trần Nhật Minh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cùng cô giáo hướng dẫn thảo luận nghiên cứu chế tạo đầu phát plasma lạnh. 
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Với dự án "Nghiên cứu chế tạo đầu phát plasma lạnh có cấu trúc linh hoạt ứng dụng trong bảo quản trái cây”, em Nguyễn Bảo Ngọc (lớp 11A3) và Trần Nhật Minh (Lớp 12A9), Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đã đưa ra giải pháp hữu ích trong bảo quản trái cây hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.

Em Trần Nhật Minh chia sẻ, từ niềm yêu thích môn sinh học, nhận thấy đất nước mình đa dạng trái cây, rau củ nhiệt đới với giá trị cao, nhưng các phương pháp bảo quản hiện tại chưa giữ được toàn bộ giá trị dinh dưỡng hoặc làm thay đổi cấu trúc trái cây, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. "Qua tìm hiểu, chúng em thấy rằng trên thế giới đang ứng dụng công nghệ plasma lạnh vào bảo quản thực phẩm với khả năng khử khuẩn hiệu quả, an toàn và không gây tồn dư hóa chất. Tuy nhiên, các đầu phát plasma trên thị trường hiện tiêu tốn nhiều năng lượng, cấu trúc cứng và cồng kềnh, chi phí cao. Từ đó, chúng em bàn bạc ý tưởng chế tạo một đầu phát plasma gọn nhẹ, mềm dẻo, chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả bảo quản trái cây".

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Thị Lan Dung, nhóm đã sáng tạo đầu phát plasma bằng phương pháp in lưới với mực bạc trên nền polyimide dẻo (một loại polymer chứa các nhóm imide thuộc nhóm nhựa hiệu suất cao với khả năng chịu nhiệt cao). Đầu phát hoạt động theo nguyên lý phóng điện rào điện môi, tạo plasma ổn định trong điều kiện áp suất khí quyển mà không cần sử dụng khí trơ.

Nhóm học sinh Nguyễn Bảo Ngọc và Trần Nhật Minh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) thực hiện mô hình sử dụng đầu plasma lạnh bảo quản trái cây. 
Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Khi hoạt động, đầu phát plasma có cấu trúc linh hoạt, mềm dẻo, có khả năng tạo ra các hoạt chất như O3, H2O2, NOx. Đây là các tác nhân chính giúp tiêu diệt vi khuẩn, ức chế nấm mốc mà không để lại dư lượng hóa chất, đáp ứng nhu cầu bảo quản trái cây hiện đại.

Theo em Nguyễn Bảo Ngọc, qua quá trình thử nghiệm đánh giá, các kết quả chỉ ra hơn 99% vi khuẩn E.coli bị tiêu diệt sau 2 phút xử lý bằng plasma. Đối với dâu tây, tỷ lệ hư hỏng giảm từ 73% (không xử lý) xuống còn 23% (xử lý plasma) sau 3 ngày bảo quản. Bên cạnh đó, thiết kế của các em cũng khá đơn giản, đầu phát plasma có thể được tích hợp trực tiếp vào bao bì hoặc hộp bảo quản, dễ dàng thực hiện trong các gia đình.

Cô Trần Thị Lan Dung, giáo viên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến thông tin, quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện dự án cô nhận thấy, từ việc đưa ra ý tưởng, các em đã rất hào hứng và quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Điều này cho thấy, các em đã tích cực vận dụng lý thuyết được học vào cuộc sống. Thông qua việc thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật, các em cũng thể hiện được nhiều ưu điểm của bản thân như tư duy logic, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm...

Cô Dung cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã rất chú trọng vào phần thực hành, tuy vậy số tiết thực hành vẫn còn hạn chế. Do đó, việc tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giúp các thầy cô thay đổi phương pháp và hình thức dạy học, tạo tiền đề cho các nhà quản lý giáo dục thay đổi quan điểm giáo dục phù hợp với thời kỳ mới, thời kỳ phát triển của khoa học, công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Nỗ lực dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật

Tiền thân là trường dạy chữ, dạy nghề cho trẻ tàn tật, hơn 45 năm qua trường Trung cấp Nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình đã trở thành mái nhà chung của nhiều học sinh khuyết tật trên địa bàn. Không chỉ học văn hóa, các em còn được hướng nghiệp, dạy nghề để có thể hòa nhập cộng đồng, tìm việc làm, nuôi sống bản thân.

Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ

Sáng 14/4/2025 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), công ty dịch vụ du lịch vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos đã thực hiện thành công chuyến bay có người lái lần thứ 11 trên tàu vũ trụ New Shepard (NS-31) với phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ năm 1963. Sứ mệnh NS-31 không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng về giới trong lĩnh vực du hành vũ trụ thương mại mà còn nhằm truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Cúp Kickboxing thế giới lần thứ I năm 2025: Việt Nam giành 19 huy chương các loại

Đội tuyển Kickboxing Việt Nam đã khép lại hành trình tại Cúp Kickboxing thế giới lần I năm 2025 với 5 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng, xếp hạng 7 toàn đoàn. Cúp Kickboxing thế giới lần thứ I năm 2025 diễn ra từ ngày 7 đến 12/4/2025 tại Thái Lan, quy tụ 674 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những giải đấu có quy mô lớn nhất của bộ môn này từ trước đến nay.  

Giao lưu thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 24, tối 15/4, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra chương trình giao lưu giữa thanh niên Ninh Bình và đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc. Đây là dịp để thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hiểu biết, cùng nhau vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc.

VIETFEST 2025 – Nơi gắn kết truyền thống và hội nhập văn hóa của người Việt Nam tại Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 10/4, trong khuôn viên trường Đại học Canberra đã diễn ra lễ hội văn hóa thường niên mang tên “VIETFEST 2025”. Tham dự sự kiện có ông Nghiêm Xuân Hòa - Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Australia; bà Lê Thùy Trang – Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; bà Đặng Thùy Chi - Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; ông Bùi Việt Khôi - Tham tán phụ trách khoa học công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; bà Phyo Ei Ei - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Myanmar; cùng đông đảo cộng đồng người Việt và bạn bè, sinh viên quốc tế đang sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia châu Đại Dương này.

Việt Nam tranh tài tại Giải cờ vua quốc tế SJC Cup 2025 

Giải vô địch cờ vua quốc tế SJC Cup lần thứ hai đang được tổ chức từ ngày 11–13/4 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Giải đấu được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập trường St. Joseph (SJC). 8 kỳ thủ cờ vua đẳng cấp thế giới sẽ có loạt trận đấu đầy kịch tính, nhà vô địch sẽ được thi đấu với trí tuệ nhân tạo DeepSeek tại trận chung cuộc.

Wushu Việt Nam xếp thứ nhì toàn đoàn Cúp tán thủ thế giới 2025

Ngày 9/4/2025, các võ sỹ của wushu Việt Nam đã kết thúc Cúp tán thủ thế giới 2025 ở vị trí thứ nhì toàn đoàn bằng kết quả đầy thuyết phục. Vô địch giải năm nay là đội chủ nhà Trung Quốc. Giải Cúp tán thủ thế giới 2025 diễn ra từ ngày 5-10/4 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), quy tụ gần 200 vận động viên điền kinh, huấn luyện viên từ 26 quốc gia và khu vực.