Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, Bắc Ninh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo nền tảng vững chắc cho các chủ nhân tương lai của đất nước.
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Bắc Ninh được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là địa phương có phong trào dạy và học ngoại ngữ dẫn đầu cả nước. Thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, Bắc Ninh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo nền tảng vững chắc cho các chủ nhân tương lai của đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tạo hứng thú trong các giờ ngoại ngữ

Trường Trung học cơ sở Từ Sơn, thành phố Từ Sơn là trường đầu tiên dạy song ngữ của tỉnh Bắc Ninh. Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, thời gian qua, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Từ Sơn, xác định dạy và học ngoại ngữ có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của học sinh, nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như, phòng học ngoại ngữ cùng đội ngũ giáo viên có trình độ chuẩn, trên chuẩn. Nhà trường khuyến khích giáo viên tiếng Anh áp dụng phương pháp giảng dạy mới, chủ động, sáng tạo, yêu nghề. Nhờ vậy, chất lượng môn học ngày càng nâng cao, cả đại trà và mũi nhọn. Kết quả thi vào lớp 10 môn tiếng Anh và tỷ lệ các em dự thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh của học sinh nhà trường đều đứng thứ đầu ở tỉnh, đặc biệt là môn tiếng Anh.

Cô Mạc Thị Thảo Ly, giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Từ Sơn cho biết, được phân công dạy môn Toán, cô luôn trăn trở để có phương pháp dạy hiệu quả, nâng cao hứng thú cho học sinh khi học Toán tưởng chừng khô khan. Cô mạnh dạn đề xuất và được nhà trường đồng ý dạy Toán bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Được phân công dạy khối 6, 7, nên mỗi tuần, cô dạy mỗi khối/tiết học. Những giờ học Toán này giúp cô và trò được tiếp cận phương pháp mới, giúp học sinh hứng thú, tiếp cận, nhớ bài lâu hơn. Theo cô Thảo Ly, dạy toán bằng Tiếng Anh cô thường chọn lọc kiến thức phù hợp cho học sinh như dạy chữ số tượng hình, giới thiệu toán Ai Cập cổ. Hơn hết, dạy Toán bằng tiếng Anh giáo viên có thể đưa nhiều phương pháp mới hiện đại, ứng dụng IA vào giảng dạy.

Học sinh Trường THCS Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong giờ học tiếng Anh. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Em Nguyễn Minh Ngọc, lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Từ Sơn cho biết, em bắt đầu được học Toán bằng tiếng Anh được gần một năm học. Mặc dù một tuần mới được học một buổi nhưng các bạn trong lớp rất hào hứng. Đặc biệt những kiến thức của ngày hôm đó cả lớp nhớ rất lâu.

Ban đầu khi học, cô không chỉ giảng kiến thức nền, đối với những từ mới chuyên ngành bằng tiếng Anh, cô tận tình giải thích, giảng giải cho chúng em. Em rất mong tiết học như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên hơn trong thời gian tới. Bên cạnh giảng dạy, việc sinh hoạt tiếng Anh trong các câu lạc bộ có giáo viên nước ngoài mang lại hiệu quả tích cực.

Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ, thành phố Từ Sơn chia sẻ, với phương châm “đáp đền và tiếp nối”, sinh hoạt thường kỳ theo tuần và hằng tháng, hằng quý đều có diễn thuyết, trình bày theo chủ đề trong đó học sinh đóng vai trò chính từ lên ý tưởng đến triển khai thực hiện nên học sinh rất hào hứng. Qua buổi sinh hoạt trò chơi ngôn ngữ có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Đô, các em rất hào hứng sử dụng tiếng Anh thay nhau đóng vai du khách và hướng dẫn viên du lịch để hỏi- đáp, tìm hiểu ý nghĩa, lịch sử của ngôi đền. Những buổi sinh hoạt như vậy thu hút rất đông học sinh tham gia, giúp các em có kỹ năng tự nghiên cứu tư liệu và rèn khả năng nói, giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tương tự, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh đã đổi mới trong việc tổ chức thực hiện môn học, từ đó nâng cao chất lượng trong đào tạo mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà cho học sinh toàn trường.

Cô Ngô Thùy Dung, Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh cho biết, ngoài thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chương trình đại trà và chuyên, nhà trường giao cho Tổ ngoại ngữ đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh tiềm năng, có khả năng để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Tại đây, các em được học toàn diện kỹ năng, kiến thức, tham gia thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi, từ đó tạo tiền đề để học sinh có được kết quả ổn định.

Trong 4 năm qua (2021-2025), học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông quốc gia đạt 85-100% học sinh tham gia. Nhà trường chỉ đạo Tổ ngoại ngữ quan tâm đến việc dạy kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể học và thi các chứng chỉ quốc tế. Trong suốt 4 năm qua, nhà trường tổ chức cho học sinh chuyên Anh thi khảo sát định kỳ (2 tháng/lần) bằng đề thi theo phom đề IELTS để bảo đảm cho học sinh các lớp chuyên Anh thi chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT…). Nhiều học sinh có kết quả IELTS cao, được các trường quốc tế, trường đại học ở các nước trao học bổng.

Cụ thể, năm học 2023-2024, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh có 204 học sinh khối 12 tham gia thi IELTS và có 66 em đạt từ 7.5 trở lên. Năm học 2024-2025, tính đến hết học kỳ 1, có 139 học sinh khối 12 đã tham gia thi IELTS và có 68 học sinh đạt 7.5 trở lên.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thuyết trình trong giờ học tiếng Anh. 
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn, tại tỉnh, việc dạy và học tiếng Anh được đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục tích cực triển khai dạy học ngoại ngữ theo Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”, đầu tư trang thiết bị vào quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng môn tiếng Anh ở tất cả cấp học.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 1.423 giáo viên tiếng Anh với tỷ lệ đạt chuẩn cao, trong đó cấp tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn B2 chiếm hơn 97%; cấp Trung học phổ thông đạt chuẩn C1 chiếm hơn 94% theo quy định của Bộ.

Toàn tỉnh có 3.248 phòng học ngoại ngữ, trong đó có 439 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng có ca-bin giúp giáo viên và học sinh thực hành nghe, nói thông qua phần mềm hỗ trợ.

Với nhận thức ngôn ngữ tiếng Anh sẽ trở thành một công cụ trong tương lai chứ không đơn thuần là một môn học, công tác giảng dạy và học ngoại ngữ tại Bắc Ninh đã lan tỏa tích cực, giúp học sinh tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong hoạt động và giao tiếp. Trong đó, kết quả điểm bình quân môn tiếng Anh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh Bắc Ninh ổn định và vị trí được nâng lên qua từng năm (từ vị trí 21 năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 8 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước hai năm học 2023, 2024).

Từ năm 2020 đến năm 2025, tại các Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông, môn tiếng Anh của tỉnh đã đoạt 38 giải với 2 giải Nhất (năm 2025 có thủ khoa toàn quốc).

Chia sẻ về định hướng dạy, học ngoại ngữ trong trường học tại tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết, để thực hiện hiệu quả phong trào học ngoại ngữ, tiến tới đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học, tỉnh tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất cho dạy và học ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại.

Các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc dạy và học ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tổ chức nhiều hoạt động giáo dục hỗ trợ dạy học ngoại ngữ, tạo môi trường thuận lợi trong xây dựng, phát triển việc học, sử dụng tiếng Anh cho học sinh, cán bộ, giáo viên; nêu cao tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh của thầy và trò. Đặc biệt, Bắc Ninh triển khai dạy học song ngữ Toán - Tiếng Anh, Vật lý - Tiếng Anh; dạy thêm ngoại ngữ thứ hai trong trường…

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai góp phần mở ra cánh cửa tri thức, cơ hội nghề nghiệp và tạo nền tảng vững chắc cho người dân Bắc Ninh vững vàng trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Tin liên quan

Sự cần thiết phải phổ cập tiếng Anh

Trong thời đại toàn cầu hoá và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thì việc phổ cập hoá tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2 tại hệ thống các trường học trên toàn quốc là một chiến lược hết sức cần thiết.

Tin cùng chuyên mục

VIETFEST 2025 – Nơi gắn kết truyền thống và hội nhập văn hóa của người Việt Nam tại Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 10/4, trong khuôn viên trường Đại học Canberra đã diễn ra lễ hội văn hóa thường niên mang tên “VIETFEST 2025”. Tham dự sự kiện có ông Nghiêm Xuân Hòa - Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Australia; bà Lê Thùy Trang – Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; bà Đặng Thùy Chi - Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; ông Bùi Việt Khôi - Tham tán phụ trách khoa học công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia; bà Phyo Ei Ei - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Myanmar; cùng đông đảo cộng đồng người Việt và bạn bè, sinh viên quốc tế đang sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia châu Đại Dương này.

Việt Nam tranh tài tại Giải cờ vua quốc tế SJC Cup 2025 

Giải vô địch cờ vua quốc tế SJC Cup lần thứ hai đang được tổ chức từ ngày 11–13/4 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Giải đấu được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập trường St. Joseph (SJC). 8 kỳ thủ cờ vua đẳng cấp thế giới sẽ có loạt trận đấu đầy kịch tính, nhà vô địch sẽ được thi đấu với trí tuệ nhân tạo DeepSeek tại trận chung cuộc.

Wushu Việt Nam xếp thứ nhì toàn đoàn Cúp tán thủ thế giới 2025

Ngày 9/4/2025, các võ sỹ của wushu Việt Nam đã kết thúc Cúp tán thủ thế giới 2025 ở vị trí thứ nhì toàn đoàn bằng kết quả đầy thuyết phục. Vô địch giải năm nay là đội chủ nhà Trung Quốc. Giải Cúp tán thủ thế giới 2025 diễn ra từ ngày 5-10/4 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), quy tụ gần 200 vận động viên điền kinh, huấn luyện viên từ 26 quốc gia và khu vực.

Tuổi trẻ Đắk Lắk năng động, sáng tạo

Trong Tháng Thanh niên 2025, tại tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu, sáng tạo như “Bình dân học vụ số”, “Số hóa tuyến đường”, “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”... của thanh niên.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số

Với lực lượng nòng cốt là thanh niên, phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin cho người dân.

Lời cảnh tỉnh từ cạm bẫy “việc nhẹ lương cao”

Từ những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” với mức lương 1.000 USD/tháng, các nạn nhân là người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã rơi vào cạm bẫy của các đối tượng lừa đảo. Trải qua những ngày tháng đau khổ tột cùng tại Campuchia, các em may mắn được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa về địa phương để làm lại cuộc đời.