Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Kết luận chỉ rõ trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị đề nghị chính là việc các cấp có thẩm quyền cần tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước.
Lớp học Tiếng Anh dành cho các em nhỏ trong dịp hè. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN |
Có thể thấy, trong thời đại 4.0 hiện nay cùng với sự phát triển đa dạng của các phương thức tiếp cận với tri thức toàn cầu, việc thông thạo ngôn ngữ nước ngoài, nhất là tiếng Anh, là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay thì mọi gia đình đều mong muốn con cái có được nền tảng tiếng Anh tốt ngay từ bé để có thể tiếp cận nhiều kiến thức mới, từ đó mở rộng cơ hội việc làm khi ra trường và xa hơn nữa là cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Cùng với đó, việc được đào tạo ngoại ngữ một cách thường xuyên, bài bản ngay từ các cấp học dưới sẽ giúp cho học sinh hình thành được sự tự tin, năng động khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tư duy được mở rộng hơn khi được làm quen từ sớm với các phương pháp giáo dục đa dạng hơn, cũng như tiếp cận với các nền văn hoá khác nhau thông qua các chương trình giảng dạy.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua tiếng Anh luôn là môn học đã được đưa vào tất cả các trường từ tiểu học đến trung học, đại học, thậm chí là trong các trường mầm non ở một số địa phương nhưng hiệu quả chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện giảng dạy tốt hơn, cơ hội tiếp cận với những phương pháp tiên tiến nhiều hơn. Tại các khu vực có điều kiện thuận lợi, người học có giáo viên, sách vở, thời gian học tiếng Anh, trong khi các khu vực khó khăn lại không có đủ giáo viên hay tư liệu học tập.
Mặt khác, thời lượng giảng dạy tiếng Anh ở nhiều trường vẫn còn quá ít và chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” hay đối phó tại các kỳ thi chứ không mang tính thực chất khiến cho học sinh không có đủ thời gian để “thẩm thấu” các kiến thức ngôn ngữ và không thể sử dụng được trên thực tế. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông hay đại học ra trường vẫn còn rất hạn chế trong khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Đó là chưa kể mặt bằng chất lượng giáo viên ngoại ngữ không phải ở trường nào cũng đảm bảo dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao.
Câu chuyện dạy học và phổ cập tiếng Anh không phải bây giờ mới nhận được sự quan tâm chỉ đạo song đến nay mới chủ yếu là dưới hình thức dạy và học chứ không phải ở khía cạnh tiếp nhận ngôn ngữ. Rõ ràng, có quá nhiều thách thức đặt ra trong nỗ lực để tiếng Anh thực sự vượt ra khỏi giới hạn của việc “học để qua môn”, trở thành công cụ sử dụng thuần thục trong xã hội ngày càng hội nhập sâu rộng.
Kinh nghiệm từ các nước ở khu vực cho thấy để phổ cập được tiếng Anh không chỉ nằm ở việc giảng dạy như một môn học ngoại ngữ đơn thuần tại các cơ sở giáo dục. Các nước như Singapore, Ấn Độ, Philippines hay Malaysia, những quốc gia đầu tiên ở châu Á coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, đều có những chiến lược phát triển và phổ cập tiếng Anh từ rất sớm. Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho các trường học, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Tương tự như vậy, từ năm 2002, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ra quyết định đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của nước này và được dùng để giảng dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên ngay từ bậc tiểu học.
Cùng với đó, chính phủ các nước này còn có chiến dịch để tăng cường nhận thức về ngôn ngữ Anh trong cộng đồng và tạo điều kiện để tiếng Anh được sử dụng rộng rãi bên cạnh ngôn ngữ chính thức. Giáo sư Stephen Krashen, chuyên gia Ngôn ngữ học tại Đại học Southern California (Mỹ), từng nhấn mạnh rằng để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì không chỉ dừng lại ở việc đào tạo học sinh mà còn phải xây dựng được cộng đồng người sử dụng tiếng Anh thành thạo rộng khắp trên cả nước.
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường chính là một bước tiến quan trọng và tích cực cho nền giáo dục vì đây là cách để từng bước chuẩn bị cho “Việt Nam tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Trước hết, các cơ quan quan lý chắc chắn sẽ phải nỗ lực để hoạch định một lộ trình cụ thể, vạch ra được những chiến lược mang tính dài hạn trong chương trình từng bước phổ cập tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Ngành giáo dục cũng cần phải tính toán phân bố một cách hợp lý chương trình tiếng Việt - tiếng Anh, có phương pháp giảng dạy phù hợp để cân bằng chương trình tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời đưa ra các bài kiểm tra, đánh giá để theo dõi khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh, từ đó có căn cứ để điều chỉnh khi cần thiết.
Cùng với đó, các giáo viên sẽ cần phải được tạo điều kiện để nâng cao trình độ ngoại ngữ song song với chuyên môn dạy học để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ngày càng cao. Mặt khác, cần phải khuyến khích học sinh tham gia nhiều sân chơi tiếng Anh hơn nữa để các em có cơ hội cọ sát, trải nghiệm thực tế và tiếp thu ngoại ngữ một cách tự nhiên, qua đó khơi dậy niềm đam mê và nỗ lực trau dồi môn ngoại ngữ này.
Nói tóm lại, định hướng từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong hệ thống giáo dục là bước đi hết sức đúng đắn song đây cũng sẽ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục để thế hệ trẻ có thể vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.