Nửa thế kỷ vươn mình của "thành phố đáng sống"
Từ một thành phố có không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nhiều hạn chế, nền kinh tế khó khăn, Đà Nẵng nay đã trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, phát triển, điểm đến ưa thích của du khách quốc tế.
Một góc thành phố Đà Nẵng. 
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Sau 50 năm giải phóng (29/3/1975 – 29/3/2025), thành phố Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ. Từ một thành phố có không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nhiều hạn chế, nền kinh tế khó khăn, Đà Nẵng nay đã trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, phát triển, điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. Để đạt được thành tựu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cùng chung tay, góp sức đạt được nhiều thành tựu vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và cơ sở hạ tầng…

* Hành trình xây dựng “thành phố đáng sống”

Sau giải phóng, vào ngày 4/10/1975, UBND Cách mạng lâm thời khu Trung Trung Bộ quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà (gồm tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thị xã Đà Nẵng thời Việt Nam cộng hòa) thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Lúc này, Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc tỉnh, còn kém phát triển, chỉ có vài ba bãi tắm đơn sơ, bờ biển là những xóm chài nghèo, quay lưng với biển. Sông Hàn chỉ là sự ngăn cách giữa những xóm nhà chồ (nhà dựng bằng tre, gỗ) tạm bợ phía bờ Đông, với khu vực trung tâm đô thị tại bờ Tây. Hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, đặc biệt là về giao thông, trước năm 1975, Đà Nẵng chỉ có hai cây cầu bắc qua Sông Hàn là cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi, chủ yếu phục vụ binh lính. Giao thông xuống cấp, hệ thống cấp thoát nước hạn chế, phần lớn khu dân cư vẫn dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường ít được quan tâm, bãi rác tự phát lẫn với khu dân cư…

Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng). 
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Đến ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, mở ra một chặng đường phát triển mới cho Đà Nẵng. Những ngày đầu tách tỉnh, Đà Nẵng phải đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức, từ thiên tai bão lụt triền miên đến sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Trong những năm cuối trong thập niên 1990, Đà Nẵng có nguồn thu ngân sách hạn chế, chủ yếu dựa vào thuế. Tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 7-8% mỗi năm, thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Dựa trên cơ sở chiến lược đó, Đà Nẵng triển khai hàng loạt dự án, biến đô thị như một đại công trường với hàng trăm dự án sôi động.

Khu vực ven biển Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành đại lộ ven biển, khu đô thị, khu du lịch và nghỉ dưỡng mới. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn được giải tỏa để hình thành tuyến đường ven sông và khu phố mới. Đà Nẵng đầu tư xây dựng và tạo dấu ấn với các công trình như: Cầu quay sông Hàn, sân bay quốc tế Đà Nẵng, khu du lịch Bà Nà Hill, đường ven biển Võ Nguyên Giáp... Đà Nẵng đã từ đô thị loại II vươn lên thành đô thị loại I vào năm 2003, không gian đô thị mở rộng gấp 4 lần so với trước đó. Chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể, chỉ số hạnh phúc và sự hài lòng của người dân đã hình thành thương hiệu “thành phố đáng sống”.

Một góc quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) - địa phương sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ sau khi dự án Cảng Liên Chiểu được triển khai. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo ông Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã là một “cú huých” mạnh, xây dựng được nền tảng vững chắc, mở đường cho Đà Nẵng bứt phá phát triển. Từ một đô thị nhỏ hẹp, hạ tầng kém, kinh tế khó khăn, Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

* Hướng tới đô thị mang tầm vóc quốc tế

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Nghị quyết đặt ra kỳ vọng rất cao, với mục tiêu “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”…

Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế. 
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực thực hiện các cơ chế, chính sắc đặc thù mà Quốc hội đã thông qua để phát triển thành phố; đồng thời nghiên cứu hình thành Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính quy mô khu vực, xây dựng Cảng Liên Chiểu, Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia tại Đà Nẵng…

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng đang có những hướng đi mới, có tính chiến lược và khả thi cao là phát triển đô thị công nghệ cao, thông minh - sáng tạo, hội nhập quốc tế tầm cao. Đà Nẵng cũng đã nhận được hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt từ Trung ương, có cơ chế vượt trội và được quyền đề xuất thử nghiệm hình mẫu phát triển mới. Vì vậy, Đà Nẵng cần nguồn năng lực phát triển mới, cần hệ thống thể chế mới tương xứng và một hệ điều hành – những người quản trị tài năng.

Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết, những năm gần đây, công nghiệp công nghệ cao là một mũi nhọn kinh tế của thành phố, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển khoa học - kỹ thuật của Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tài chính khu vực đầu tiên trên cả nước sẽ tạo bước đột phá mới cho sự phát triển kinh tế của thành phố.

Nhà máy sản xuất linh kiện Hàng không KP Vina của Công ty TNHH KP Aerospace Vietnam (Hàn Quốc) tại Đà Nẵng. 
Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ, các thế hệ ngày nay cần tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của đất và con người Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực, sức mạnh nội sinh và tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, hỗ trợ, đồng hành của các ban, bộ, ngành để có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu. Đà Nẵng tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố sau khi hoàn thành việc sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Thành phố khơi dậy trong mỗi cán bộ, công chức khát vọng vươn lên, phẩm chất tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng là điểm đến an toàn, tin cậy, đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư của doanh nghiệp và du khách./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Đột phá theo Nghị quyết 57: Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đi quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn mới. Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Đức Anh, đã đưa ra khẳng định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.

Hà Nội dự kiến ra mắt nhiều sản phẩm du lịch độc đáo trong năm 2025

Để đạt mục tiêu đón 31 triệu khách du lịch trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục ra mắt những sản phẩm du lịch mới; nâng cấp các sản phẩm truyền thống. Trong đó, thành phố tập trung nhiệm vụ khai trương, ra mắt các sản phẩm du lịch: Du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản-di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng); tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; Mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức); mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ).

Giáo sư Venezuela và sứ mệnh lan tỏa giá trị Việt Nam

Việc lan tỏa văn hóa Việt Nam tại Venezuela không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, mà còn từ lòng ngưỡng mộ sâu sắc của người dân Venezuela đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam, trong đó hình tượng Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò quan trọng nhất.

Thanh niên thực hiện “Ba tiên phong”, “Sáu trọng tâm” cùng đất nước vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024" với chủ đề “Sứ mệnh vinh quang” tối 23/3/2025 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, năm 2025 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc và có các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp, cống hiến của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực.